Quảng Ninh: Nhiều cơ sở đóng tàu, thuyền “chui” tại TP Hạ Long

23/06/2022 08:32

Kinhte&Xahoi Sau sự cố hỏa hoạn khiến 3 tàu du lịch ở xưởng đóng, sữa chữa tàu ở phường Giếng Đáy, TP Hạ Long bị thiêu rụi đã lộ ra nhiều bất cập.

Hàng loạt bến thủy trái phép ở khu vực dưới chân cầu Tình yêu

Sau sự cố cháy tàu hôm 21/6, tại phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, theo tìm hiểu chúng tôi được biết, các nhà xưởng ở đây đều chưa có đầy đủ thủ tục, giấy phép.

Hiện trường khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 3 tàu du lịch cháy rụi hôm 21/6.

Sáng 22/6, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ninh khẳng định các cơ sở đóng, sửa chữa tàu thuyền này chưa có đầy đủ giấy phép. Các bến thủy nội địa chuyên dùng nằm trong cơ sở hoặc nhà máy đóng tàu ở khu vực Giếng Đáy (TP Hạ Long) từ 2017 tới nay, chỉ mới có một đơn vị cấp phép hoạt động đơn vị được cấp phép là Công ty Long Hải.

Trước thông tin đó, chúng tôi đã có chuyến khảo sát thực địa tại hiện trường. Theo khảo sát thực tế ngay sau vụ cháy tối ngày 21/6, ở hiện trường khu vực xảy ra vụ hỏa hoạn, tại tổ 8 khu 5 phường Giếng Đáy có 4 cơ sở đóng tàu liền kề san sát nhau. Đây là khu vực xưởng sửa chữa nằm cách chân cầu Tình yêu không xa.

Từ đây có thể dễ dàng quan sát thấy, trên các triền đà và bến còn nhiều tàu thuyền cũ đỗ san sát nhau. Trên triền đà của cơ sở Ánh Hằng còn nguyên vẹn xác tàu cháy đen, nằm cạnh nhau. Dễ thấy, trên bờ các cơ sở đóng tàu thuyền này còn nhiều tàu thuyền san sát, đang chuẩn bị vào khu vực sửa chữa.

Các cơ sở đóng tàu không phép nằm liền kề san sát nhau.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Thế Anh - Chủ tịch phường Giếng Đáy, TP Hạ Long cho biết, hiện trên địa bàn có 4 cơ sở sửa chữa tàu thuyền của 4 công ty gồm: Công ty TNHH Phú Thịnh, Công ty TNHH 1 Thành viên Dương Bảo và Công ty TNHH Dương Hải, Công ty TNHH đóng tàu Ánh Hằng cả 4 công ty này đã được chính quyền địa phương cấp đất tại Khu tái định cư các hộ đóng tàu, thuyền tại địa phương nhưng không hiểu tại sao đến bây giờ các doanh nghiệp này vẫn chưa đảm bảo các thủ tục pháp lý để hoạt động.

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, từ năm 2014, do yêu cầu chuyển địa điểm, các xưởng đóng, sữa chữa tàu được di chuyển về phường Giếng Đáy (TP Hạ Long). Cho tới 21/10/2014, UBND TP Hạ Long đã ra Quyết định số 2922/QQĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ  lệ 1/500 Khu tái định cư các hộ đóng tàu, thuyền tại phường Giếng Đáy (TP Hạ Long).

Theo đó, Quy hoạch được lập ở diện tích rộng trên 15.300 m2 làm khu tái định cư các hộ đóng tầu thuyền (gồm: khu sản xuất, văn phòng kết hợp ở). Theo thông tin từ UBND phường Giếng Đáy thì hiện ở khu vực này mới chỉ có 4 xưởng đóng, sửa chữa tàu như trên.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ

Như vậy, trên thực tế, từ năm 2014 tới nay các cơ sở sửa chữa đóng tàu này hoạt động mà thiếu sự kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng. Quan sát thực tế tại hiện trường sau vụ cháy, nhiều vật liệu sửa chữa tàu, gỗ, thiết bị gỡ từ các con tàu cũ để ngổn ngang mà không hề có thiết bị phòng cháy chữa cháy ở khu vực thi công hoặc phân xưởng sửa chữa.

Vật liệu sửa chữa tàu, gỗ, thiết bị gỡ từ các con tàu cũ để ngổn ngang tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Trong khi đó, các hoạt động PCCC, phương án phòng chống cháy nổ, đảm bảo môi trường… của các cơ sở này trong thời gian qua chưa được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Điều này dẫn tới nhiều hệ lụy, nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hành nghề đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa nhằm tăng cường hiệu quả của hoạt động kiểm tra việc thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa, ngăn ngừa nguy cơ cháy nổ, giảm tai nạn giao thông.

Theo quy chuẩn VN 89: 2015/ BGTVT do Cục Đăng kiểm Việt Nam biên soạn, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành theo Thông tư số 45/2015/TT-BGTVT ngày 03 tháng 9 năm 2015 và Nghị định 128/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa, quy định rõ điều kiện kinh doanh của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa.

Thì năng lực kỹ thuận của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa Phải có nhà xưởng để gia công chi tiết phục vụ các công đoạn đóng tàu, kho để lưu trữ bảo quản vật tư, trang thiết bị, mặt bằng thi công phải đủ diện tích để bố trí phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện. Nhà xưởng phải được xây dựng, trên khu đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp hoặc có hợp đồng thuê sử dụng đất theo quy định của pháp luật đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng Cơ sở. Tùy theo loại vật liệu đóng tàu, phân xưởng thi công và kho bảo quản vật liệu phải tuân thủ các yêu cầu tại các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Phải có triền đà, ụ hoặc biện pháp tương đương để bố trí phương tiện đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi và phải đủ năng lực để đưa phương tiện lên, xuống nước theo cỡ loại phương tiện dự kiến thi công.

Bến đỗ phương tiện phù hợp với cỡ loại phương tiện dự kiến thi công, phải đảm bảo luồng lạch cho phương tiện ra, vào thuận tiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyễn Quang - Phương Bắc - Pháp luật Plus 

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quang-ninh-nhieu-co-so-dong-tau-thuyen-chui-tai-tp-ha-long-d184229.html