Nhiều năm gần đây, sự phát triển của Internet, mạng xã hội đã giúp phát hiện ra nhiều tài năng thực sự để họ có cơ hội bước ra tỏa sáng ở sân khấu thực. Nhưng, mặt trái là mạng xã hội cũng là nơi sản sinh ra rất nhiều “thảm họa” như: Kenny Sang, Bà Tưng, Lệ Rơi, Tùng Sơn, Quân Kul… Sau một thời gian tung hoành trên mạng xã hội, các “thảm họa” đó đã bị đào thải và dần rơi vào quên lãng.
Song, mới đây mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện nhiều “giang hồ mạng” - những “thảm họa” mới gây “nóng” cư dân mạng.
Sẽ không quá khó để tìm kiếm những thông tin về “giang hồ mạng” trên mạng xã hội với những tên gọi được nhiều người nhắc đến gần đây như: Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền, Huấn Hoa Hồng, Quang Rambo, Phú Lê, Tuấn Trọc…
Khá bảnh. Ảnh cơ quan công an cung cấp
Đặc điểm chung của các “giang hồ mạng” đều xuất thân là dân anh chị ngoài xã hội và có nhiều mối quan hệ phức tạp. Trong clip, các nhân vật đều xuất hiện với hình ảnh đeo nhiều vàng, khoe hình xăm vằn vện khắp người. Các video của họ đều lựa chọn câu chuyện tả thực về đời sống giang hồ, hồn nhiên khoe đao kiếm, súng ống cùng nhiều lời chửi thề tục tĩu, dằn mặt nhau...
Ngoài ra, các “giang hồ mạng” cũng khoe khoang cuộc sống hào nhoáng bằng những cuộc ăn nhậu, đi chơi bar, khoe nhiều tiền và không ngần ngại thừa nhận công việc chính của họ là cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê… Thậm chí, Huấn Hoa Hồng còn nhiều lần lên mạng chia sẻ “kinh nghiệm” cho vay nặng lãi và cách chơi lô đề...
Điều đáng nói, những nhân vật “cộm cán” đó lại được cư dân mạng xã hội... tung hô, đặc biệt là giới trẻ. Facebook của họ có tới vài trăm nghìn lượt theo dõi, trên mỗi chia sẻ có lượt tương tác đến vài nghìn like, cùng bình luận. Có những clip livestream trực tiếp, các nhân vật còn nhận được số lượt tương tác cùng lúc vài nghìn người và hàng chục nghìn bình luận. Còn trên YouTube, các clip của họ ghi nhận lượt xem từ vài trăm nghìn đến vài triệu. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hiện nay chưa chắc đã đạt được những con số đó.
Lý giải về việc bùng nổ các “giang hồ mạng”, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long phân tích. “Việc các hiện tượng nóng trên mạng xã hội thu hút lượng lớn người quan tâm, bởi những chia sẻ của họ đánh trúng tâm lý tò mò của người xem. Các câu chuyện họ chia sẻ là phía sau đời sống xã hội đen mà bấy lâu nay mọi người chỉ nghe chứ chưa được nhìn thấy”.
Có một điều có thể khẳng định, bằng việc thu hút lượng người xem lớn trên YouTube, giới “giang hồ mạng” dễ dàng kiếm tiền từ lượt xem trên nền tảng này. Hơn nữa, sau khi nổi tiếng, các “giang hồ mạng” cũng nhanh chóng được nhiều công ty game mời đóng quảng cáo, trên các clip của họ cũng gắn link quảng cáo trá hình cho các web game đánh bạc. Đây là một điều rất đáng lo ngại.
Với tần suất liên tiếp ra mắt các clip mang hơi hướng tục tĩu, phản cảm và bạo lực…, giới “giang hồ mạng” chắc chắn sẽ gây hại lớn, ảnh hưởng xấu tới suy nghĩ, lối sống, hành động của giới trẻ. Bởi giới trẻ khi chưa có nhận thức chín chắn, thường có xu thế học hỏi, làm theo “thần tượng”. Hẳn mọi người vẫn còn nhớ về hiện tượng MoMo Challenge nguy hại trên YouTube làm chấn động cả thế giới, hay hiện tượng mạng Khá Bảnh đập phá, đốt xe máy cũng được VTV làm phóng sự báo động cho giới trẻ...
Dẫu biết việc xử lý các clip phản cảm trên nền tảng YouTube, Facebook... vẫn là một bài toán khó. Nhưng có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng không thể làm ngơ và cần có những biện pháp mạnh tay hơn để ngăn chặn các hành vi gây hại này. Đặc biệt, đây cũng là một hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ cần phải quan tâm, quản lý con em mình chặt chẽ hơn, đặc biệt trong việc sử dụng mạng xã hội.
(Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại)