Quy hoạch Thủ đô Hà Nội: cơ hội để hạ tầng giao thông bứt phá

21/12/2024 08:58

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1569/QĐ - TTg ngày 12/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch 1569).

Đây được xem là kịch bản cốt lõi cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô, có tính thúc đẩy và dẫn dắt hệ thống hạ tầng giao thông đô thị bứt phá trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Giá trị mới

Quy hoạch 1569 của Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành nhận định, Quy hoạch 1569 đã đáp ứng được mục tiêu vạch ra kịch bản nhằm phát triển Thủ đô phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng.

“Đặc biệt, Quy hoạch 1569 có thể xem là kim chỉ nam dẫn dắt hạ tầng đô thị, trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông bứt phá mạnh mẽ hơn trong những năm tới” - ông Phan Trường Thành nhận định.

Quy hoạch 1569 đã xác định rõ, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng 5 hành lang, vành đai kinh tế hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Hạ tầng đô thị, giao thông của Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: Phạm Hùng

Đó là: hành lang phía Bắc Thủ đô hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; hành lang kết nối chủ đạo của vùng động lực phía Bắc, từ Thủ đô với các tỉnh Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển Quảng Ninh, Hải Phòng; hành lang kinh tế Đông Bắc Thủ đô gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Các hành lang còn lại gồm: hành lang kinh tế Bắc - Nam gắn với hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Tây - Bắc gắn với hành lang kinh tế tỉnh Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; vành đai kinh tế Vùng Thủ đô, hình thành dọc theo các tuyến đường Vành đai: 4, 5 - vùng Thủ đô.

Bên trong đô thị Hà Nội sẽ phát triển 5 trục động lực gồm: trục sông Hồng; Hồ Tây - Cổ Loa; Nhật Tân - Nội Bài; Hồ Tây - Ba Vì; và trục phía Nam kết nối giữa đô thị trung tâm với khu vực dự kiến hình thành sân bay thứ hai vùng Thủ đô. Tương ứng với đó là 5 vùng đô thị gồm: đô thị Trung tâm; TP phía Tây; TP phía Bắc; đô thị phía Nam; đô thị Sơn Tây - Ba Vì.

TP cũng xác định đẩy nhanh quá trình xây dựng, hoàn thiện và mở rộng mạng lưới đường sắt đô thị (ĐSĐT), kết hợp với phát triển mô hình đô thị TOD tại các khu vực có ga đường sắt để mở rộng không gian phát triển, tạo lập không gian sống tiện ích, hiện đại, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung nhận định: “Trong kịch bản phát triển đó, vai trò của hạ tầng giao thông vô cùng quan trọng, là tiền đề để Hà Nội nắm lấy cơ hội mới, đạt được những giá trị mới, vươn mình bứt phá trong kỷ nguyên mới của dân tộc và đất nước

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, Quy hoạch 1569 đã đặt ra những chỉ tiêu rất cao về đô thị, hạ tầng, kinh tế - xã hội. Trong đó hệ thống giao thông đã được xác định sẽ phát triển theo hướng xanh, thông minh, tăng cường vai trò của vận tải công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Đây cũng là xu thế chung của mọi đô thị phát triên trên thế giới.

Chỉ cần có hệ thống giao thông đô thị tốt, hiện đại, đủ năng lực đáp ứng, Hà Nội hoàn toàn có thể phát triển theo mô hình “nén dân cư”, khai thác hiệu quả các không gian trên cao, không gian ngầm cũng như không gian hiện hữu.

Phát triển toàn diện

Quy hoạch 1569 cũng đã đưa ra phương án phát triển toàn diện mạng lưới giao thông cả Thủ đô Hà Nội với cả hai hướng: đối nội và đối ngoại. Về đường bộ, TP sẽ hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc; nâng cấp, cải tạo các tuyến cao tốc hướng tâm hiện có, ưu tiên nâng cấp, mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua TP. Chú trọng xây mới, nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ trong phạm vi Vành đai 4 đạt tiêu chuẩn đường đô thị; hoàn thiện các trục giao thông đô thị; khép kín các tuyến đường vành đai; phát triển một số tuyến mới nhằm tăng cường kết nối giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh, TP trong khu vực.

TP sẽ hoàn thành các trục: Tây Thăng Long, Hồ Tây - Ba Vì; đường trục Bắc Nam và đường kết nối khu vực Ứng Hòa, Phú Xuyên; đường trục Hà Đông - Xuân Mai, Ngọc Hồi - Phú Xuyên; xây dựng các nút giao thông khác mức tại các giao cắt của hệ thống đường vành đai, đường trục chính đô thị.
Bên cạnh đó, TP hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy và xây mới các cầu vượt sông đồng bộ với quy mô của các tuyến đường quy hoạch; nghiên cứu phương án kết hợp cầu đường sắt và cầu đường bộ vượt sông.

TP đầu tư hệ thống bến xe liên tỉnh mới phù hợp với quá trình mở rộng và phát triển đô thị, từng bước chuyển đổi công năng, di dời các bến xe trong khu vực Vành đai 3; bố trí quỹ đất hợp lý (bao gồm cả các không gian ngầm) để xây dựng các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe phù hợp nhu cầu từng khu vực, gắn với hệ thống công trình dịch vụ, công viên cây xanh.

TP phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đáp ứng được cơ bản nhu cầu của người dân; mở thêm các tuyến mới, đặc biệt các tuyến liên kết vùng, bảo đảm kết nối thuận tiện giữa các loại hình phương tiện giao thông công cộng để thay thế phương tiện giao thông cá nhân; bố trí quỹ đất tại các khu vực phù hợp để xây dựng các trạm sạc cho xe điện, xe đạp công cộng.

Về đường thủy nội địa, TP phát triển các tuyến trên hành lang vận tải thủy Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình và Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai; nâng cấp, cải tạo các tuyến có tiềm năng phát triển du lịch. Xây dựng hệ thống cảng, bến đồng bộ theo các tuyến vận tải và phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.

Cùng với đó là phát triển hệ thống cảng cạn gắn với các đầu mối vận tải lớn (cảng hàng không, ga đường sắt, cảng thủy nội địa) để hình thành các trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nghiên cứu xây dựng cảng hàng không thứ hai tại khu vực Đông Nam, Nam của TP nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển Vùng Thủ đô sau năm 2030 với chức năng hỗ trợ cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nâng cấp, mở rộng, bổ sung chức năng lưỡng dụng cho các sân bay quân sự: Gia Lâm, Hòa Lạc.

Quan trọng hơn cả là Quy hoạch 1569 đã xác định, Hà Nội sẽ phát triển theo định hướng giao thông xanh, thông minh phù hợp với mục tiêu xây dựng đô thị xanh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết với các đô thị Vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô và cả nước.

Hà Nội quy hoạch sẽ đầu tư xây dựng 14 tuyến ĐSĐT, 2 tuyến đường sắt nhẹ; nghiên cứu phương án kết nối mạng lưới ĐSĐT với một số trung tâm các tỉnh trong vùng; phát triển tổ hợp Ngọc Hồi bao gồm: nhà ga, Depot, trạm bảo dưỡng... của đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia, ĐSĐT; phân bố hệ thống ga ĐSĐT tại khu vực trung tâm hợp lý, phù hợp với định hướng cải tạo và phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển vận tải đa phương thức tại các ga ĐSĐT.

kinhtedothi.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dấu hiệu “bất thường” tại một dự án với giá dự thầu giảm hơn 20% giá dự toán

Gói thầu số 41: Xây lắp cầu dẫn từ trụ T62 đến mố M75 và đường dẫn thuộc Dự án Cầu Phước An, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đang dần “hé lộ” kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo đó, liên danh nhà thầu Gói thầu số 41 đã gây bất ngờ bởi tham dự với giá dự thầu giảm hơn 20% so với giá dự toán.

https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-thu-do-ha-noi-co-hoi-de-ha-tang-giao-thong-but-pha.html