Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng: Cơ sở để tỉnh, thành định hướng phát triển

14/09/2022 19:37

Kinhte&Xahoi Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa là cơ sở khoa học, vừa là cơ sở pháp lý để các tỉnh, TP trong vùng hoàn thiện định hướng phát triển quy hoạch tỉnh.

Ngày 14/9, tại TP Hải Phòng, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp Thành ủy Hải Phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13 ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54 Trần Tuấn Anh, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị. Cùng dự hội nghị có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và 11 địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: M.Loan

Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển bứt phá

Thực hiện Nghị quyết 54 và Kết luận 13 của Bộ Chính trị, những năm qua, các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng đã phát triển bứt phá; nhiều địa phương trở thành điểm sáng trong vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn bình quân cả nước, với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 đạt 2,37 triệu tỷ đồng, chiếm 29,4% tổng GDP cả nước; GRDP bình quân đạt 103,6 triệu đồng/người/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với vai trò trụ cột của các khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Đô thị phát triển nhanh, tỷ lệ đô thị hóa trên 41%.  Kinh tế biển phát triển khá, đặc biệt Hải Phòng và Quảng Ninh dần trở thành trung tâm kinh tế biển lớn… Những thành tựu đạt được đã khẳng định Nghị quyết 54 là chủ trương đúng đắn của Đảng và đã thực sự đi vào cuộc sống. 

Tuy nhiên, những năm qua, kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng vẫn còn những hạn chế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong vùng. Chuyển dịch cơ cấu các ngành kinh tế còn chậm; quy hoạch không gian phát triển còn bất cập; tình trạng quy hoạch “treo” khá phổ biến; các khu công nghiệp thiếu liên kết, chưa hình thành được các cụm liên kết ngành…

Liên kết vùng đồng bằng sông Hồng phải bằng quy hoạch

Tại Hội nghị, đại diện các ban, bộ, ngành và các địa phương trong Vùng đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm sau 17 năm thực hiện Nghị quyết; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến nhằm tiếp tục phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: M.Loan

Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nêu ý kiến: "Về công tác quy hoạch phát triển đô thị, cần sớm hoàn chỉnh hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây vừa là cơ sở khoa học, vừa là cơ sở pháp lý để các tỉnh, thành phố trong vùng hoàn thiện định hướng phát triển quy hoạch tỉnh đang được tổ chức nghiên cứu lập, nâng cao chất lượng quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, phát triển đô thị xanh, thông minh". 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ban ngành Trung ương sớm ban hành cơ chế điều phối liên kết vùng; cơ chế chuyển dịch kinh tế vùng tiếp tục cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với tăng trưởng về công nghệ kinh tế xanh, kinh tế số; cơ chế thúc đẩy, phân công nhiệm vụ trong vùng…

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, vùng Đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là một trong 4 vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VOV

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh mới, tình hình mới, nhất là vai trò động lực của Vùng với cả nước.

"Liên kết trong nội vùng rất quan trọng nhưng còn liên kết giữa vùng với các vùng khác, quốc gia cũng rất quan trọng. Chúng ta đã khẳng định vị thế, vị trí rất quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng ngay trong phần quan điểm đánh giá. Vậy trong phần liên kết cũng phải đề cập đến để đảm bảo không liên kết nội vùng mà liên kết giữa vùng với các vùng khác với những mục tiêu khác nữa. Bên cạnh đó phải xác định cho được tính ưu tiên và phạm vi, lĩnh vực mà cần phải đảm bảo tính liên kết, từ liên kết về hạ tầng giao thông và hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng đô thị, hạ tầng về nguồn nhân lực cũng như các hạ tầng khác…".

Thay mặt Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh yêu cầu giao Thường trực Tổ Biên tập tiếp tục tổng hợp các ý kiến tham gia tại Hội nghị để chắt lọc, bổ sung, điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo Báo cáo, Tờ trình và Nghị quyết mới và hoàn thiện trình Bộ Chính trị, nhằm tạo bước phát triển mới của vùng Đồng bằng sông Hồng trong thời gian tới.

 Việt An- KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/quy-hoach-vung-dong-bang-song-hong-co-so-de-tinh-thanh-dinh-huong-phat-trien.html