Quyền trưởng phòng và giám đốc một doanh nghiệp tại Nghệ An bị khởi tố

31/07/2020 15:49

Kinhte&Xahoi Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 4 bị can, trong đó có 1 quyền trưởng phòng chính sách Ban dân tộc tỉnh Nghệ An và 1 GĐ doanh nghiệp.

Ngày 31/7, quá trình mở rộng điều tra vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban dân tộc tỉnh Nghệ An, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, khởi tố bị can đối với Nguyễn Tâm Long (SN 1974, trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh) là quyền Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Ban dân tộc tỉnh Nghệ An nơi xảy ra những sai phạm trong quá trình thực hiện đề án.

Đồng thời cơ quan Cảnh sát điều tra cũng ra các quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, khởi tố 3 bị can gồm: Nguyễn Tâm Long, Lê Văn Sơn (SN 1962, trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là GĐ Công ty CP Xây dựng Văn Sơn và Nguyễn Đình Thịnh (SN 1981, trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) là PGĐ Công ty CP Xây dựng Văn Sơn. Các quyết định trên đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An phê chuẩn.

Trước đó, vào ngày 23/7/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, khám nơi ở, nơi làm việc của ông Nguyễn Tâm Long và Lê Văn Sơn để điều tra, làm rõ vi phạm liên quan đến vụ án Tham ô tài sản tại Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An mà cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Kim Văn Bốn, SN 1982, cán bộ Phòng Chính sách, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An.

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định tạm giam 4 tháng đối với bị can Nguyễn Tâm Long và Lê Văn Sơn; cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Nguyễn Đình Thịnh.

Cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Nguyễn Tâm Long.

Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 3829/QĐ-UBND vào tháng 8/2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 90% và ngân sách đối ứng địa phương 10%), giao Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư quản lý thực hiện.

Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu một cách bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Đề án được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.

Cụ thể, đề án được chia ra 5 nội dung cơ bản để hỗ trợ phát triển, bao gồm: Đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; hỗ trợ phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nguồn cán bộ Ơ Đu; hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào và phát triển du lịch cộng đồng; đào tạo, sử dụng cán bộ dân tộc Ơ Đu và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở.

Trong khi đời sống người dân còn vô cùng khó khăn, 67 chuồng bò hạng sang được xây dựng "ngốn" gần 13 tỷ đồng.

Ngày 23/4/2019, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phê duyệt chủ trương hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu ở tỉnh Nghệ An năm 2019 dựa trên nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương hỗ trợ là 28,18 tỷ đồng.

Trong đề án được UBND tỉnh Nghệ An duyệt ngày 22/8/2017 nêu rõ phạm vi đề án được thực hiện tại hai bản Văng Môn và bản Đửa, nơi sinh sống tập trung dân tộc Ơ Đu thuộc hai xã Lượng Minh và Nga My của huyện Tương Dương. Tại bản Đửa, xã Lượng Minh có 45 hộ với 231 nhân khẩu là người Ơ Đu.

Tuy nhiên, khi Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An triển khai dự án thì phát hiện ở bản Đửa không có người Ơ Đu nên đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rút bản Đửa ra khỏi danh sách được hỗ trợ phát triển.

Sau đó UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 3869/QĐ-UBND đồng ý việc đưa bản Đửa ra khỏi danh sách thôn bản được hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội mà đề án trước đó đã đưa ra.

Những ngay qua dư luận dậy sóng khi thông tin một hạng mục thuộc đề án là 67 chuồng bò đã được triển khai với tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Trong đó có những chuồng bò được xây dựng ở huyện miền nùi với giá trị 236 triệu đồng.

Hiện vụ việc đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Hiện vụ việc đang được Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục  điều tra, làm rõ.

 Quang Phong - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/quyen-truong-phong-va-giam-doc-mot-doanh-nghiep-tai-nghe-an-bi-khoi-to-d130875.html