Rước họa từ sự cuồng tín cầu cạnh ma quỷ

14/03/2019 10:20

Kinhte&Xahoi Mặc cho những lời cảnh báo, một bộ phận người Việt vẫn ôm mộng tưởng thay đổi vận mệnh nhờ vào năng lực của bùa chú ma quái. Nhưng may mắn, tài lộc đâu chưa thấy, chỉ thấy tiền bạc, thời gian, sức khỏe và sự trông chờ cuồng dại trôi theo KumanThong.

Tranh cãi kịch liệt

Sau những sự việc xảy ra khiến Kuman Thong trở thành chủ đề hót, nhiều người lên tiếng chia sẻ ý kiến cũng như cảnh báo về việc nuôi búp bê ma quái. Trong đó, có nhận định cho rằng người Việt nhiều người nuôi Cậu bé vàng với mục đích đầy thực dụng là “kiếm tiền, kiếm tài lộc”, chứ không đề cao mục đích chân chính là tình yêu thương vô điều kiện, giúp các vong linh siêu thoát, sớm đầu thai kiếp khác.

Rước họa từ sự cuồng tín cầu cạnh ma quỷ

Quan điểm này dù bị nhiều người phủ nhận, đặc biệt là những người đang kinh doanh và nuôi Kuman Thong, tuy nhiên không phải vô căn cứ. Bởi đa phần khi ai đó có ý định mua rước Quỷ linh nhi, vấn đề họ quan tâm nhiều nhất là tác dụng của chúng, mức độ hiệu nghiệm và những cái lợi sẽ nhận về mình. Còn người bán cũng nhấn mạnh nhiều nhất đến quyền năng, sức mạnh Kuman Thong có thể mang đến cho khách hàng.

“Ai mua Kuman Thong cũng chỉ vì mong nó kiếm cho mình thật nhiều tiền để hưởng thụ, chứ không hề mua nó về để nuôi mà không đòi hỏi gì. Bởi nếu không có mục đích thì họ không bao giờ bỏ 1 số tiền lớn ra nuôi ma trong nhà. Một số người miệng luôn nói yêu thương, tốt với nó lắm nhưng thử hỏi nếu nuôi nó mà nó không mang lại lợi ích về tiền bạc thì có ai sẽ nuôi ?”, một ý kiến được nhiều người đồng tình.

Đặc biệt, có những thông tin rùng rợn khiến nhiều người hoảng hốt, như càng nuôi Kuman Thong về sau chủ nhân phải nghe lời, nếu không thì hậu quả gánh lấy kinh khủng. Hay càng về sau người nuôi Kuman Thong phải cho búp bê uống máu của mình hoặc của con mình. Nếu làm trái ý hoặc khiến cho Kuman Thong hờn giận, người nuôi có thể bị Kuman Thong phản hại và nhận cái kết thê thảm.

Truyền thuyết dân gian cho rằng, thời gian đầu có thể Kuman Thong sẽ giúp chủ nhân gặp thuận lợi. Đến khi bùa ngải mạnh lên và không khống chế được thì gia chủ sẽ khốn đốn. Như gia đình lục đục, ốm đau, tai nạn và nhiều chuyện bi đát dẫn đến tai họa khôn lường, kết cục này người ta hay gọi là “ngải quật”, “ngải phản chủ”.

Người tin thì cho rằng đây là tất yếu khi luật đời có vay có trả, người không tin thì suy nghĩ đơn giản có khi là sự trùng hợp. Những chia sẻ trên khiến nhiều người còn xa lạ với Kuman Thong sợ hãi, trong khi đó những người đang nuôi Cậu bé vàng lại tỏ vẻ bức xúc và phủ nhận.

Họ cho rằng bản thân Kuman Thong không hề xấu và đáng sợ như nhiều người nghĩ. Rằng nó được tạo ra để những linh hồn đó có cơ hội được yêu thương, tích lũy nghiệp lành và giúp đỡ cha mẹ -tức chủ nhân. “Các con” – ý nói Kuman Thong, như thế nào là do người nuôi và cái tâm họ hướng đến.

Hậu họa khôn lường

Với những người buôn bán bùa chú, Kuman Thong hầu như chỉ có những mặt tích cực, tốt lành. Họ thậm chí lấy bản thân mình ra làm ví dụ với những câu chuyện đầy ly kỳ, đại khái như lúc chưa nuôi Quỷ linh nhi thì nghèo khó và chuyện gì cũng bất lợi, khi nuôi Kuman Thong thì chuyện gì cũng như ý muốn.

Vật phẩm tâm linh vốn rất đặc thù khi chất lượng nhiều khi không nằm ở sản phẩm mà chính là niềm tin của khách hàng. Khi đó, niềm tin dễ dàng bị những con buôn dẫn dắt và lợi dụng để trục lợi.

Như việc tượng, búp bê bình thường và tượng, búp bê Kuman Thong không có nhiều khác biệt, trong khi công nghệ sản xuất ngày một tinh vi. Nhiều người bán hàng ở Việt Nam luôn thao thao bất tuyệt rằng búp bê đã được các nhà sư,thầy bùa làm phép, cúng kính, nhưng rốt cuộc họ cũng chỉ là một con buôn nhập hàng từ Thái Lan về bán lại.

Mặc dù không biết món hàng mình bán được làm ra như thế nào nhưng họ làm nhiều chiêu trò quảng cáo và tung hô vô tội vạ, sau cùng giá của mỗi sản phẩm được hét lên gấp nhiều lần. Những tín đồ của Kuman Thong cũng không vừa, để săn tìm vật phẩm chất lượng mà không lo bị lừa, họ rủ nhau đáp máy bay sang tận Thái Lan, tìm đến những ngôi chùa nơi những nhà sư làm phép cho Kuman Thong. 

Trực tiếp chứng kiến những nghi lễ, họ chắc mẩm mình rước được bùa chú thật sự. Đổi lại, họ đã chấp nhận mất nhiều thời gian và số tiền lớn. Nói thẳng ra, những người cuồng tín bùa chú chính là con mồi, đối tượng mà những kẻ buôn ma bán quỷ nhắm đến. Nhất là khi việc kinh doanh tâm linh phát triển rầm rộ trong thời gian gần đây, không chỉ ở các cửa hàng mà thậm chí rầm rộ nơi cửa chùa.

“Kuman Thong luôn được quảng cáo là có những khả năng thần thánh, thế nhưng nếu như vậy thì tại sao người Thái hay những người buôn bán không giữ lại cho riêng mình?”, một câu hỏi mà khá nhiều người hưởng ứng. 

Ở góc độ quy luật cung – cầu, những người cuồng tín lại chính là nguyên nhân của những vụ việc rúng động như đánh cắp buôn bán xác thai nhi, thu gom thi thể thai nhi từ các phòng nạo phá thai để luyện bùa ngải, bất chấp vấn đề đạo đức và pháp luật nghiêm cấm.

Món lợi khổng lồ từ việc buôn xác thai nhi và kinh doanh bùa ngải khiến những hành vi tội ác vẫn diễn ra. Kẻ tiếp tay cho tội ác chính là khách hàng. Ngoài mất rất nhiều tiền và thời gian, những tín đồ của Kuman Thong có thể đối mặt với những hậu quả do chính bản thân gây ra. Các chuyên gia cho rằng, khi không có cái tâm trong sáng và lòng hướng thiện, những dục vọng và lòng tham sẽ ngày một lớn lên.

Nội tâm con người ngoài quyết định hành động, cách sống của bản thân còn ảnh hưởng đến bùa ngải và những rắc rối, hiểm họa cũng hình thành từ đó. Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào thế lực vô hình trong bùa chú là những gì mà người nuôi búp bê ma quái dễ mắc phải. Thay vì cố gắng sống bằng năng lực bản thân, chăm chỉ làm việc, nhiều người đặc biệt là lớp trẻ, ngày đêm chờ đợi sự thay đổi được mang đến từ bùa ngải.

Lối sống tai hại này dần hình thành thói quen, tính cách xấu và dẫn đến lối sống tiêu cực, các tệ nạn xã hội, đánh mất chính mình. Trong trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng tín ngưỡng để lừa gạt, rước phải Kuman Thong về nhà thờ cúng, chăm sóc. Đến một ngày nhận ra nó không có tác dụng thật như vậy thì đã quá muộn khi tốn không ít tiền, thời gian công sức.

Tuy nhiên, với tâm lý thần phục, khúm núm trước sức mạnh tâm linh,nạn nhân chỉ biết im lặng bởi lo sợ nếu phản ứng sẽ bị yểm bùa, trả thù bằng bùa ngải. Ngoài những hậu quả có thể nhìn thấy được, nhiều người tin vào tâm linh cho rằng, hậu họa của việc nuôi Kuman Thong còn kinh khủng hơn nhiều.

Một chuyên gia phong thủy mới đây chia sẻ về trường hợp một gia đình nuôi Kuman Thong và suýt chút nữa tan nát. Đó là chuyện về hai vợ chồng ở Hà Tĩnh vốn có kinh tế khá giả, người chồng làm ăn buôn bán gỗ bên Lào. Sau hai năm đưa Kuman Thong về thờ trong ngôi nhà mới, chị vợ lúc đó đang mang thai thì nhiều lần bị dọa sảy, xuất huyết nhưng đi khám không rõ nguyên nhân.

Đi bắt mạch đông y thì thầy thuốc bảo hàn thai, mạch loạn và căn dặn phải về nhà mẹ đẻ dưỡng thai, khi đi không được mang bất kì đồ đạc gì trừ cái điện thoại. Chị làm theo lời dặn, về nhà mẹ đẻ ở và kết quả mẹ tròn con vuông.

Lúc con được 5 tháng tuổi, chị đưa con về lại nhà của hai vợ chồng. Khi con chị được 1 tuổi, thấy con ít nói, ít cười nhưng chị chỉ nghĩ đơn giản do bản tính. Đến năm con 2 tuổi rưỡi thì đi khám bác sĩ bảo cháu bị tự kỷ phải tập trung điều trị. Chị dành hết thời gian chăm sóc con nhưng tình hình vẫn không cải thiện. Năm lên 4 tuổi, cháu bé hay gào hờn buổi đêm và nói những điều bất thường. Cuộc sống vợ chồng bắt đầu trục trặc, mâu thuẫn đến nỗi suýt ly hôn.

Niềm tin mù quáng

Sau sự việc cô gái tử vong tại chung cư cao tầng, nhiều bạn trẻ đã phải rao bán Kuman Thong vì lo sợ, tuy nhiên không ít người lại bị thu hút bởi những khả năng “thần kỳ” của nó. Tận dụng cơ hội này, trên các trang mạng xã hội, nhiều người ra sức quảng cáo, mời chào khách mua Kuman Thong và các loại bùa chú, với đủ các chiêu trò, hình thức.

Suy cho cùng, kết quả bùa chú như thế nào là nằm ở niềm tin, nhận thức của mỗi người. Huống hồ các chuyên gia tâm lý đều cho rằng, những “lá bùa” làm theo kiểu đại trà rao bán tràn lan trên mạng mang tính thương mại hầu hết chỉ gây hoang mang và phí tiền.

“Câu chuyện bùa ngải thực chất là lợi dụng yếu tố tâm lý của người dân. Bởi một người đang khỏe mạnh mà nghĩ mình bị bỏ bùa thì tự nhiên sẽ có cảm giác mệt mỏi. Ngược lại người bị bệnh nếu có niềm tin được thần linh phù hộ cơ thể sẽ có phản ứng tích cực.

Do vậy, một số đối tượng đã dựa vào nguyên tắc này để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm trục lợi”, PGS.TS Tâm lý Trịnh Hòa Bình nhận định. Còn các nhà nghiên cứu văn hóa thì cho rằng, bùa ngải chỉ là nơi để con người gửi gắm hy vọng và niềm tin của mình giúp tâm lý được giải tỏa chứ nó không hề có những công dụng như đồn thổi.

Cho đến nay, khi trình độ khoa học đã phát triển vượt bậc, người ta vẫn không tìm ra bất cứ bằng chứng nào về việc sử dụng bùa ngải có thể giúp con người may mắn, thăng quan tiến chức hay kiếm được nhiều tiền.

Thượng tọa Thích Thanh Huân, chùa Quán Sứ (Hà Nội) cho rằng, nhìn từ triết lý của Phật giáo, thờ Kuman Thong như vậy không mang lại lợi ích gì. Việc yểm linh hồn vào thân búp bê là do các đối tượng bịa đặt cho nó có tính linh thiêng.

Thế nên việc nhập hồn cho búp bê để nuôi, để cầu tài lộc chỉ là mê hoặc quần chúng, nhằm vào những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin để trục lợi là chính.

“Điều này hoàn toàn không phù hợp với tôn giáo, tín ngưỡng và văn hóa của Việt Nam. Đó là một sự du nhập không có chọn lọc và để lại những hệ lụy cho xã hội. Mọi người nên có lý trí và trí tuệ để nhìn nhận rõ việc này, chớ bị mê hoặc bởi niềm tin không sáng suốt rồi mất tiền của và thời gian.

Sự tốt lành sẽ đến với chúng ta qua hành động, lời nói và việc làm đạo đức, đúng đắn của mình. Hãy tin vào luật nhân quả, những may rủi hay phúc họa, tốt xấu đều đặt trên nền tảng cuộc sống hiện tại của mình”, Thượng tọa Thích Thanh Huân chia sẻ.

 

Theo Phapluatplus.vn


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM