Sản phẩm O’Lee Cosmetic: Hàng loạt dấu hiệu sai phạm

25/12/2018 15:16

Kinhte&Xahoi Sản phẩm Whitening Facial Cream - O’Lee Cosmetic không rõ xuất xứ, “nhập nhèm” công dụng giữa thuốc và mỹ phẩm... làm dấy lên nghi vấn đây là sản phẩm được sản xuất “chui” rồi tuồn ra ngoài thị trường.

Thời gian gần đây trên thị trường xuất hiện rất nhiều mỹ phẩm trôi nổi hay nhiều người thường gọi là “kem trộn”. Những sản phầm này không rõ nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất thủ công rồi tuồn ra ngoài thị trường, gây nguy hại đến sức khỏe người tiêu dùng. Phóng viên đã vào cuộc tìm hiểu.

Sản phẩm Whitening Facial Cream - O’Lee Cosmetic không rõ xuất xứ.

 

Sản phẩm Whitening Facial Cream nhãn hàng O’Lee Cosmetic mà bạn đọc cung cấp cho chúng tôi ghi công dụng là “…Điều trị hiệu quả tối đa cho da mụn liti và nám”. Tuy nhiên, từ nhiều năm trước Cục Quản lý dược đã không chấp nhận các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như "trị", "điều trị", … trong việc công bố tính năng cũng như đặt tên sản phẩm mỹ phẩm.

Ngoài ra, trên bao bì sản phẩm chỉ ghi Công ty TNHH SX-TM-DV Mỹ phẩm O’Lee (công ty O’lee), lầu 7 Tòa nhà Thiên Phước 2, 110 Cách Mạng Tháng Tám, P.7, Q.3, TP.HCM, mà không thể hiện sản phẩm này do nước nào sản xuất. Theo quy định của pháp luật thì trên nhãn mỹ phẩm ngoài việc ghi tên, điạ chỉ của tổ chức, cá nhân chiụ trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và phải thể hiện rõ tên nước sản xuất.

Đặc biệt, dù đây là sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người nhưng lại không ghi hạn sử dụng. Do đó, sẽ rất nguy hiểm nếu sản phẩm này hết hạn sử dụng mà người tiêu dùng không biết và tiếp tục bôi lên da. 

Từ những dấu hiệu sai phạm nêu trên, đã khiến dư luận hoài nghi sản phẩm Whitening Facial Cream - O’Lee Cosmetic được sản xuất “chui” rồi bán trôi nổi ra ngoài thị trường? Nếu đây là sự thật sẽ là mối nguy hại không lường đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Nếu chỉ đọc những lời giới thiệu “có cánh” mà không tìm hiểu rõ sản phẩm, thì người tiêu dùng nhất là những người mắc bệnh về da lâu năm rất dễ nhầm tưởng và “sập bẫy”. Kết quả là chưa chắc đã khỏi mà còn đối mặt với nguy cơ “tiền mất, tật mang”.

Nhằm làm rõ các dấu hiệu sai phạm, phóng viên đã đến trụ sở chính của công ty O’Lee. Thế nhưng, nhân viên tại đây chỉ cho biết là công ty này không còn hoạt động và không hề cho chúng tôi bất cứ thông tin nào để liên hệ với người đại diện theo pháp luật.

Tra cứu thông tin từ Tổng cục Thuế thì người đại diện pháp luật của công ty O’Lee tên là Lê Phương Oanh và doanh nghiệp này đã đóng mã số thuế từ ngày 16/10/2018.

Những hình ảnh quảng cáo sản phẩm Whitening Facial Cream – O’Lee Cosmetic trên website: www.oppa.vn.

 

Vậy, nếu bây giờ có người tiêu dùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe do dùng sản phẩm của công ty O’lee, thì bây giờ họ phải đến đâu để yêu cầu bồi thường khi doanh nghiệp đã đóng cửa và không thể liên lạc với người đại diện theo pháp luật?

Thực tế cho thấy, đã có không ít người thành lập công ty kinh doanh các sản phẩm sai phạm một thời gian rồi đóng cửa. Lợi nhuận thì bỏ túi, còn trách nhiệm đối với người tiêu dùng thì “rũ bỏ”.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ các dấu hiệu sai phạm của sản phẩm Whitening Facial Cream nhãn hàng O’Lee Cosmetic, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm người sản xuất, kinh doanh để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật cũng như quyền lợi người tiêu dùng.

 

Theo SHTT/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM