Sẵn sàng đón mùa lễ hội an toàn

24/01/2023 08:46

Kinhte&Xahoi Sau 2 năm tạm hoãn hoặc hạn chế số lượng người đi trẩy hội vì phòng dịch Covid-19, đến nay Hà Nội đã chủ động lên phương án đảm bảo an toàn cho người dân đón một mùa hội mới.

Đặc biệt, bên cạnh những lễ hội truyền thống, nhiều không gian lễ hội mới cũng được hình thành, mang đến trải nghiệm vui Xuân ý nghĩa cho người dân.

Chủ động các kế hoạch tổ chức

Lễ hội chùa Hương là lễ hội lớn và kéo dài nhất trong năm, cho đến nay, công tác chuẩn bị đã được xây dựng rất chi tiết. Ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2023 đã thành lập 7 tiểu ban, một trạm kiểm soát vé thắng cảnh, một tổ liên ngành để bảo đảm an ninh trật tự không gian lễ hội.

Lễ hội chùa Hương sẽ trở lại trong năm nay sau thời gian tạm nghỉ do dịch bệnh. Ảnh: Phạm Hùng

Điểm mới của lễ hội chùa Hương năm nay là Ban Tổ chức thay đổi hình thức bán vé tham quan, từ vé truyền thống sang mô hình vé điện tử. Đồng thời, sắp xếp lại các điểm bán vé, phương thức bán vé, bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đông Khê, để bảo đảm thông thoáng, tạo điều kiện cho du khách tham quan, trẩy hội. Năm nay, Ban Tổ chức cũng thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để du khách về chùa Hương có thể thuận tiện tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp của khu vực xã Hương Sơn.

Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ có nhiều điểm mới nhằm tạo thuận lợi, đảm bảo an toàn cho du khách.

Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội nhấn mạnh, yêu cầu cần đổi mới hình thức các hoạt động trong lễ hội đa dạng, hấp dẫn, phù hợp để người đi lễ hiểu rõ giá trị lịch sử của di tích, ý nghĩa của lễ hội. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm xây dựng nếp sống văn minh trong hoạt động dịch vụ du lịch, lễ hội, kiên quyết đẩy lùi hiện tượng tiêu cực phát sinh.

Không chỉ có huyện Mỹ Đức sẵn sàng các phương án cho mùa hội mới, mà các quận huyện như Đông Anh, Sóc Sơn, Đống Đa… nơi có nhiều lễ hội lớn cũng đều xây dựng kịch bản cụ thể với tâm thế mùa lễ hội năm nay sẽ diễn ra náo nhiệt do thời gian dài người dân ít du Xuân trẩy hội để phòng dịch. Dự báo số lượng du khách tăng cao vừa là niềm vui nhưng cũng là thách thức với các đơn vị tổ chức.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, Lễ hội Cổ Loa 2023 sẽ đồng thời diễn ra cùng sự kiện công bố Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Cổ Loa và công nhận Khu di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa là điểm du lịch.

Xác định điều này, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho công tác tổ chức và quản lý lễ hội, đáp ứng nguyện vọng tâm linh, tín ngưỡng của người dân, với phần lễ được duy trì đúng nghi thức cổ truyền thông qua nghi thức rước kiệu Bát xã Loa Thành, phần hội là hoạt động bổ trợ, tăng thêm “sắc màu” cũng như giảm áp lực cho vùng lõi di tích trong thời gian diễn ra lễ hội.

“Những hạn chế của các mùa hội trước cũng được chú trọng khắc phục trong dịp này. Ban Tổ chức lễ hội đã cho dẹp toàn bộ hàng quán trước khu vực cổng vào để tạo sự thông thoáng, quy hoạch bãi đỗ xe, tăng cường pano quảng bá, tuyên truyền về lễ hội…” - bà Nguyễn Thị Tám nói.

Đối với Lễ hội Gióng ở Đền Sóc, huyện Sóc Sơn đã chủ động các kế hoạch ứng phó với khả năng tăng đột biến lượng khách tham gia lễ hội; tháo gỡ những khó khăn về bến bãi đỗ xe, ngăn ngừa nguy cơ phát sinh dịch vụ trông giữ xe tự phát gây mất an ninh trật tự, ùn tắc cục bộ.

Các lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2023… tiếp tục được triển khai theo phương thức truyền thống; tăng cường các phương án dự phòng cho các tình huống quá tải khách tham quan, trẩy hội cũng như an toàn phòng dịch, vệ sinh thực phẩm, phòng, chống cháy nổ…

Hướng tới xây dựng sản phẩm văn hóa bền vững từ lễ hội

Tại cuộc họp nghe báo cáo công tác chuẩn bị Lễ hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn đã biểu dương các đơn vị đã chủ động xây dựng phương án quản lý cho mùa hội mới, trong đó chú trọng cả phần hội và phần lễ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND yêu cầu, từ nay đến khi diễn ra lễ hội, các địa phương thường xuyên rà soát công tác tổ chức, lường trước các nguy cơ, vấn đề phát sinh để chủ động có kế hoạch, giải pháp xử lý tình huống, trong đó chú trọng công tác an ninh trật tự, an toàn cứu hộ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, cháy nổ… Đồng thời chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong lễ hội.

Các địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau lễ hội về ý nghĩa, giá trị lễ hội cũng như việc thực hiện nếp sống văn minh trong không gian thờ tự. Từ đó định hướng, bồi đắp ý thức, trách nhiệm trong xây dựng nếp sống văn minh, bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội truyền thống.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kịch bản cho hoạt động văn hóa, trò chơi dân gian bài bản, chuyên nghiệp, từ đó tạo ra sản phẩm văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, chất lượng…, đáp ứng yêu cầu về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Về lâu dài, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu xây dựng chiến lực văn hóa dài hạn cho việc phát huy giá trị di tích nói chung, trong đó có lễ hội với các sản phẩm du lịch di sản văn hóa, mang đặc trưng của vùng đất, tạo ra giá trị vật chất và làm giàu đời sống tinh thần cho công chúng, du khách.

Hoàng Lan - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chơi bài ăn tiền trong ngày Tết cũng có thể bị xử lý hình sự

Vào dịp nghỉ Tết, nhiều người có thú vui đánh bài để giải trí có sử dụng tiền để làm hình thức thưởng/phạt. Tuy nhiên việc chơi bài mà ăn thua bằng tiền, tài sản, hiện vật có giá trị thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ, tính chất của hành vi.

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/san-sang-don-mua-le-hoi-an-toan.html