“Sát thủ” giấu mặt trong nhà máy vẽ mặt đồng hồ

24/07/2019 15:32

Kinhte&Xahoi Trong chiến tranh thế giới thứ nhất, hàng trăm phụ nữ trẻ đổ về các nhà máy đồng hồ để kiếm sống. Mỗi đêm, họ phải đối diện với nỗi đau ngấm từ từ trong xương tủy.

Ngày 10/4/1917, Grace Fowler (18 tuổi) gia nhập Tập đoàn Radium Mỹ (USRC) tại Orange, New Jersey. Thời điểm đó, Mỹ tham gia thế chiến thứ 1 được bốn ngày. Hai anh trai của Grace đã đi lính, vì vậy cô gái mong muốn có thể làm tất cả để giúp đỡ người thân nơi tiền tuyến. Công việc của cô là vẽ mặt đồng hồ. Nhưng Grace không hề biết rằng việc làm mới đã thay đổi cuộc đời cô lẫn những người công nhân trong nhà máy.

Các cô gái trẻ bị lừa dối rằng vẽ mặt đồng hồ là "công việc ưu tú cho những nữ nhân công".

Nghe lời kêu gọi từ chính phủ, hàng trăm phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đổ xô về các công ty gia công đồng hồ và các vật dụng quân sự bằng Radium. Nguyên tố hóa học này được Marie Curie phát hiện ra từ năm 1898. Thời điểm chiến tranh thế giới thứ I nổ ra, ánh sáng xanh mà Radium tỏa ra khiến nó trở thành chất hóa học kỳ diệu, được ưa chuộng trong nhiều lĩnh vực như mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, phổ biến nhất là vẽ mặt đồng hồ. Các công ty gia công rót vào tai hàng trăm cô gái trẻ rằng vẽ mặt đồng hồ là "công việc ưu tú cho những nữ nhân công".

Họ thậm chí còn được trả gấp ba lần mức lương bình thường và phải tranh giành với nhiều người khác để có được công việc này. Vẽ mặt đồng hồ đã đem đến cho các cô gái trẻ sự tự chủ về tài chính, nhất là vào thời điểm phụ nữ bắt đầu dấy lên tư tưởng về nữ quyền.

Đa số nhân công vẽ đồng hồ đều là những cô gái nên với đôi bàn tay nhỏ nhắn, linh hoạt, họ hoàn toàn thích hợp với công việc khéo léo này. Radium có khả năng phát sáng. Đây cũng là điểm hấp dẫn của chất hóa học do Marie Curie tìm ra. Khi các cô gái trẻ hoàn thành công việc và trở về nhà, cơ thể họ cũng phát sáng trong bóng tối. Radium đã khiến nhân công được mệnh danh là "những cô gái ma".

Phát hiện ra điểm này, những cô gái thường mặc bộ váy đầm đẹp nhất của mình đến nhà máy, để khi tối về, họ rực rỡ trong ánh sáng xanh huyền ảo khi đến vui chơi tại vũ trường vào ban đêm. Thậm chí, nhiều cô gái còn vẽ Radium lên răng để nở nụ cười với các chàng trai.

Trong các bước của kỹ thuật sơn, Grace và các đồng nghiệp phải thực hiện một bước là liếm đầu cọ cho mềm, nhọn, trước khi vẽ các con số bé xíu trên mặt đồng hồ. Cứ như thế, mỗi lần họ cho cọ vào miệng, là một lần các cô gái nuốt một ít sơn Radium phát sáng vào người. “Điều đầu tiên chúng tôi hỏi họ đó là: “Chất hóa học này có làm tôi đau đớn gì không?””, Mae Cubberley, người đã hướng dẫn Grace trong kỹ thuật liếm cọ nhớ lại.

"Đương nhiên bạn sẽ chẳng muốn cho bất kỳ thứ gì nguy hại vào miệng. Ông Savoy, người quản lý của chúng tôi nói rằng chất đó không nguy hiểm, vì vậy không có gì phải sợ cả", Mae thuật lại. Nhưng đó chỉ là lời nói dối che đậy sự thật kinh hoàng phía sau. Kể từ khi Radium được phát hiện, nó đã được chứng minh là chất độc hại.

Bản thân Marie Curie đã bị bỏng phóng xạ khi xử lý nó. Nhiều người đã chết vì ngộ độc Radium trước những cô gái vẽ mặt đồng hồ. Đó là lý do tại sao những nam nhân công tại các công ty Radium đeo tạp dề chì trong phòng thí nghiệm và xử lý chất hóa học này bằng những chiếc kẹp kim loại. Còn các nữ công nhân vẽ mặt đồng hồ, họ ngày càng dấn thân vào nguy hiểm chết người.

Những nạn nhân không hề hay biết thứ độc hại mình đang nuốt hàng ngày là nguyên nhân khiến cơ thể tan nát thành từng mảnh sau này. Vào thời điểm đó, một số người tin rằng nếu cho lượng nhỏ Radium vào thức ăn có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.

Nhiều người uống nước Radium như một loại thuốc bổ. Người ta có thể mua mỹ phẩm, bơ, sữa và kem đánh răng chứa chất kỳ diệu này. Một số tờ báo còn tung hô Radium như một "thần dược" giúp con người sống lâu hơn. Radium sẽ là thứ dược liệu kỳ diệu trong mắt các nữ công nhân vẽ mặt đồng hồ cho đến năm 1922, khi xảy ra cái chết của Mollie Maggia, một đồng nghiệp của Grace, đã khiến nhiều nạn nhân lo sợ.

Mollie Maggia phải nghỉ phép dài ngày vì bị ốm. Nhưng cô không biết chuyện gì xảy đến với mình. Bắt đầu từ một chiếc răng đau, cô đã nhổ đi. Sau đó, tiếp tục một chiếc răng khác cũng gặp tình trạng tương tự. Ở vị trí những chiếc răng bị mất, các vết loét mọc lên.

Sau đó chân tay cô đau nhức đến mức không thể đi lại. Bác sĩ kết luận cô bị bệnh khớp và kê đơn thuốc aspirin rồi cho về nhà. Đến tháng 5/1922, Mollie tuyệt vọng. Vào thời điểm đó, cô đã mất gần như cả hàm răng và nhiễm trùng nhiều bộ phận trên cơ thể. Một trong những điều kinh hoàng, là khi bác sĩ khám cho Mollie, xương hàm của cô rơi ra, rụng trên tay vị nha sĩ.

Chỉ vài ngày sau, toàn bộ hàm dưới của Mollie cũng mất đi theo cách đó. Và cô không phải là người duy nhất, Grace Fowler cũng gặp tình trạng tương tự ở quai hàm và chân. Ngày 12/9/1922, trong vòng chưa đầy một năm, căn bệnh nhiễm trùng kỳ lạ đã khiến Mollie Maggia bị tổn thương đến các mô của cổ họng. Chúng từ từ ăn vào tĩnh mạch cổ của cô. 17h chiều ngày hôm đó, miệng cô dính đầy máu vì xuất huyết bất ngờ. Mollie trút hơi thở cuối cùng khi vừa 24 tuổi.

Các bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân cái chết. Giấy chứng tử của Mollie, ghi rằng cô “chết vì giang mai” để che giấu tội ác của công ty mà cô từng làm việc. Sau cái chết của Mollie, nhiều nữ công nhân làm cùng cô lần lượt qua đời, vì cùng một căn bệnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus