Sống có trách nhiệm thời dịch Covid - 19

29/02/2020 11:10

Kinhte&Xahoi Thời điểm này, ngoài trang bị và thực hành các kiến thức phòng bệnh thì cách ly cũng là một biện pháp cần thiết để ngăn dịch bệnh không lan rộng ra cộng đồng. May mắn là không ít người dân đã có ý thức tốt về điều này.

Nhiều trường hợp từ Hàn Quốc trở về đã tự nguyện xin cách ly.

Mới đây, nam diễn viên hài BB Trần, tức Trần Bảo Bảo, một trong những diễn viên hài được yêu thích nhất trong nước đã hứng chịu sự chỉ trích của fan hâm mộ và cộng đồng mạng. Anh này sau khi trở về từ chuyến du lịch Hàn Quốc đã lên mạng thông báo mình sẽ “tự cách ly” tại nhà.

Tuy nhiên, BB Trần còn cho biết thêm, anh sẽ vẫn duy trì việc đi diễn tại các sân khấu trong thời gian tự cách ly vì “đã lên lịch sẵn”. Công chúng cho rằng, như vậy việc tự cách ly của BB Trần dường như chỉ là “làm màu”, bởi nếu cách ly mà vẫn đi diễn show, đến chốn đông người, có nguy cơ lây nhiễm cao nếu có bệnh thì việc cách ly có ý nghĩa gì?

Động thái của BB Trần gây bức xúc trong bối cảnh thông tin về người Việt về nước từ vùng dịch nhưng “né” cách ly. Trong khi một số người tìm cách “lẩn” cách ly và coi đó như một chiến tích thì ngược lại, nhiều người khác đã có ý thức trong việc hợp tác với cơ quan chức năng kiểm tra bệnh, tự nguyện cách ly.

Vừa qua, tại quận 7, TP HCM ghi nhận trường hợp 13 người tự nguyện xin vào vùng cách ly, trong đó có 8 người Trung Quốc và 5 người Việt Nam, những người này từng đi qua vùng dịch. Sau thời gian cách ly, hầu hết đều đã hết thời gian giám sát, trở lại cuộc sống bình thường.

Nhiều địa điểm cách ly khác trên cả nước cũng ghi nhận những trường hợp tham gia cách ly tự nguyện dù không có dấu hiệu của bệnh. Đặc biệt, có những trường hợp người Việt Nam làm việc ở nước ngoài, du học sinh liên hệ về các đầu mối trong nước hỏi thăm về trình tự cách ly để tự nguyện cách ly ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ rằng ông nhận được tin nhắn từ một bác sĩ trẻ đang dự khóa học nâng cao trình độ ở Nhật Bản, hỏi về việc người Việt đang sống tại Nhật khi về nước có bắt buộc cách ly không.

Bác sĩ này còn cho biết thêm, tại Nhật anh được đo thân nhiệt hàng ngày, chụp X - quang... và không có dấu hiệu bệnh. Dù vậy, khi được biết không phải cách ly bắt buộc, vị bác sĩ này vẫn quyết định đến khu cách ly tập trung để giảm thiểu rủi ro có thể lây nhiễm bệnh cho cộng đồng.

Nguyễn Hải Nam (du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc) cho biết: “Em đang đặt vé để bay từ Hàn Quốc về Việt Nam trong vòng 10 ngày tới. Gia đình em có tham vấn một bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy để biết em nên làm gì sau khi về nước.

Mặc dù không trở về từ vùng có người nhiễm bệnh nhưng em sẽ đến khu tập trung để cách ly tại TP HCM 14 ngày vì không biết nơi em ở có người bệnh đang ủ bệnh mà không biết hay không. Thà mất thời gian một chút còn hơn rủi ro lây lan cho gia đình và những người chung quanh”.

Thực tế, với những đại dịch lây lan nhanh thì hành xử với dịch bệnh của mỗi một người không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an nguy của bản thân mà liên quan rất lớn đến những người chung quanh, đến cộng đồng.

Chính vì vậy, mỗi một người trang bị ý thức phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt các hướng dẫn do cơ quan chức năng yêu cầu chính là trách nhiệm xã hội cần có, là tấm lòng vì chính mình và vì tất cả mọi người. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/van-hoa-giai-tri/song-co-trach-nhiem-thoi-dich-covid--19-d118338.html