Sự thật Đông trùng hạ thảo giá tiền tỷ đang trôi nổi trên thị trường

18/06/2021 15:44

Kinhte&Xahoi Đông trùng hạ thảo thương hiệu Buhtan, Tây Tạng không nguồn gốc xuất xứ đang bán công khai tại thị trường Việt Nam, có dấu hiệu trốn thuế, thu lợi bất chính.

Chất lượng chưa rõ

Đông trùng hạ thảo tự nhiên (dạng sâu cỏ) nguồn gốc Buhtan, Tây Tạng hiện nay đang được bán rất nhiều tại thị trường Việt Nam tuy nhiên theo phản ánh của nhiều khách hàng họ phải mua một mặt hàng với giá tiền rất đắt đỏ, trong khi chất lượng chưa rõ, nhưng lại không có bất cứ giấy tờ và hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Vậy sự thật về chất lượng của loại mặt hàng này ra sao, có đúng như lời quảng cáo?

Hình ảnh Đông trùng hạ thảo (sâu cỏ) đang được quảng bá như thần dược tại Việt Nam, được nhiều cá nhân, đơn vị rao bán công khai. 

Bàn luận về vấn đề này, ông Hà Văn Tiêu - Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội thông tin: “Hiện, Hội Đông y chưa có công trình nghiên cứu nào về Đông trùng hạ thảo (sâu cỏ), chủ yếu mặt hàng này được nhập từ Trung Quốc, được tung hô khống lên chứ đến mức như quảng cáo".

Ông Hà Văn Tiêu cho biết thêm: “Loại Đông trùng hạ thảo này chủ yếu của bên Trung Quốc buôn bán mang sang, hoặc những ai đi công tác sang mua được đồ tốt, ở ngoài thị trường toàn hàng giả vì giá thành đắt. Nếu là Đông trùng hạ thảo Tây Tạng ở Trung Quốc thật bán giá từ 1,2 tỷ- 2 tỷ đồng/kg còn ở Việt Nam mình bán mấy trăm nghìn/lạng loại đông trùng cấy theo phương pháp vi sinh cấy mô. Các công ty phải có giấy phép mới được lưu thông ra ngoài thị trường”.

Khi phóng viên (PV) hỏi, có công ty ở Việt Nam quảng cáo vận chuyển qua đường Hải quan chính ngạch và có công bố sản phẩm Đông trùng hạ thảo dạng sâu cỏ Tây Tạng hay không, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hà Nội khẳng định: ”Thực chất tôi chưa thấy ở Việt Nam có Công ty nào nhập khẩu Đông trùng hạ thảo Tây Tạng qua đường chính ngạch về bán”.

Đông trùng hạ thảo là gì?

Vậy, Đông trùng hạ thảo dạng sâu cỏ mà tác giả muốn đề cập trong bài viết này đó là gì?

Xin được giải đáp, theo nhiều tài liệu nước ngoài giải đáp thì thực chất, đây là sự kết hợp giữa côn trùng và thực vật. Bản chất nó là một loại nấm có tên Ophiocordyceps Sinensis (thuộc nhóm nấm Ascomycetes) nhưng sống ký sinh trên cơ thể của ấu trùng bướm thuộc chi Thitarodes Viette. Thường gặp nhất vẫn là ấu trùng sâu của loài mang tên Hepialus Armoricanus.

Thông thường, ấu trùng sâu non khi lớn lên sẽ phát triển thành bướm. Tuy nhiên một số ấu trùng sâu non trong quá trình ngủ đông ở trong lòng đất đã bị nhiễm nấm Cordyceps Sinensis. Nấm sống ký sinh ở ấu trùng, phát triển các sợi hút dưỡng chất bên trong. Theo thời gian, sợi nấm phát triển mạnh sẽ xâm chiếm vật chủ, làm sâu non chết dần. Sự tồn tại theo hình thức này được gọi là “đông trùng”.

Đến một thời điểm nào đó, thường là vào mùa hạ, nấm mọc thân dài màu nâu vươn lên từ đầu sâu non ra khỏi mặt đất như thân thảo, nên được gọi là “hạ thảo”.

Đông trùng hạ thảo dạng sâu cỏ. Ảnh internet.

Giá cao vút... và không xuất hóa đơn!

Trong vai khách hàng cần mua số lượng Đông trùng hạ thảo tự nhiên dạng sâu cỏ, PV được những người buôn Đông trùng hạ thảo chia sẻ kinh nghiệm thời gian khai thác duy nhất chỉ từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm nên bây giờ đang vào mùa Đông trùng hạ thảo tươi giá sẽ mềm hơn, chất lượng cũng đảm bảo.

Đông trùng hạ thảo khai thác ở địa hình khác nhau sẽ có chất lượng khác nhau, nếu là Đông trùng thật sẽ có mùi vị giống khô mực nhưng thực ra là nấm đã bị xâm thực cộng sinh và phát triển trong ấu trùng. Phần đầu được phân biệt rõ ràng, mắt có thể là màu đỏ đậm hoặc màu vàng, phần cổ có vết đen đậm hơn phần thân (nếu là Đông trùng mắt đỏ) hoặc phần cổ trắng sáng màu hơn phần thân (nếu là Đông trùng mắt vàng) và phần thân sẽ rõ từng cặp chân.

Qua khảo sát hầu hết tại các của hàng và cá nhân rao bán Đông trùng hạ thảo của Tây Tạng (Trung Quốc) thường có đặc điểm màu vàng sáng hơn giá tùy nơi bán lại Đông trùng khô từ 30,5 triệu đồng 20 con/10gr; 21 triệu đồng 30 con/10gr và loại 40 con/10gr giá 13 triệu đồng.

Cũng là Đông trùng hạ thảo khô của Tây Tạng nhưng có nơi lại bán giá rất thấp 20 con/10 gr giá 15 triệu; 22 con/10 gr giá 14 triệu; 30 con/10 gr giá 11 triệu; 40 con/10 gr giá 9,8 triệu…

Đối với Đông trùng hạ thảo của Buhtan có đặc điểm mắt đỏ, thân màu nâu sẽ có giá thấp hơn 29 con/10 gr giá 18,9 triệu; 32-34 con/10 gr giá 16 triệu; 44 con/10 gr giá 11,2 triệu; 70 con/10 gr giá 8,3 triệu…

Một cá nhân quảng bá hình ảnh bán sản phẩm Đông trùng hạ thảo dạng sâu cỏ trên nền tảng mạng xã hội. Cá nhân này tự giới thiệu: "Ngày nào cũng có mấy nghìn con mà khách lẻ lun (luôn) đấy ạ...".  

Cũng theo những người chuyên buôn bán Đông trùng hạ thảo cho biết, khi mua “Đông trùng xách tay” ngoài mắt thường khó mà phân biệt được thật giả trừ khi bỏ chi phí vài triệu ra đem đi kiểm nghiệm, việc này đã làm nhiều khách hàng mua Đông trùng hạ thảo ái ngại mà nhầm lẫn mua phải hàng giả hoặc đã bị rút tinh chất.

Đối với Đông trùng hạ thảo bị rút tinh chất bây giờ cũng có nhiều cách khác nhau…, Đông trùng thật nhưng đã bị ngâm dùng hết tinh chất chỉ còn xác Đông trùng hạ thảo đem ra tẩm mùi vị bán lại cho khách hàng với chi phí rất đắt đỏ không ai phát hiện được bằng mắt thường.

Trong khi đó chưa kể đến cách bảo quản loại Đông trùng hạ thảo hàng xách tay này rất khó nếu là Đông trùng hạ thảo tươi như mùa này phải bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ khoảng 4 độ C, dùng túi nhựa bỏ Đông trùng rút chân không sẽ giữ được 1 tháng nếu không hút chân không chỉ bảo quản được 2 tuần. Do vậy việc khai thác Đông trùng hạ thảo từ núi xuống đã khó giữ được độ tươi của Đông trùng chưa nói đến thời gian vận chuyển và bảo quản đem về Việt Nam và các nước khác bán… Đối với Đông trùng hạ thảo được sấy khô cũng chỉ để được trong 1 năm nếu bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Trên các trang mạng hiện nay mặt hàng Đông trùng hạ thảo tự nhiên mang thương hiệu Tây Tạng, Buhtan được quảng cáo, bán rất rầm rộ không có sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

PV ghi nhận thực tế tại các cơ sở chuyên bán Đông trùng hạ thảo dạng sâu cỏ thương hiệu Buhtan và Tây Tạng trị giá hàng tỷ đồng/kg. Ảnh Đào Xuân

Cụ thể như, tại địa chỉ website sieuthidobomadsubi.com;  http://dongtrunghathaothiennhien.com/ ;  http://dongtrunghathaothiennhienbhutan.com/ và cửa hàng Đông Trùng Vương - Thiên Khang. Có mặt ghi nhận tại những địa chỉ website trên, PV nhận thấy đây vừa là nhà vừa là kho hàng đang được bày bán loại Đông trùng hạ thảo nguyên con tự nhiên của Buhtan như cam kết trên trang mạng với số lượng nhiều có giá trị hàng tỷ đồng mỗi kg.

Khi PV hỏi mua hàng có xuất được hóa đơn không? Tất cả chủ hàng đều trả lời luôn: “Mặt hàng này là xách tay không thể có hóa đơn nếu cần hóa đơn họ sẽ xuất sang mặt hàng khác”.

Chủ cơ sở không ngại khi nói đây là mặt hàng không thể hóa đơn và phải bảo quản cẩn thận. Ảnh Đào Xuân

Một cửa hàng khác có tên sieuthihanghan.com ở địa chỉ 46 Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội bày bán tất cả các mặt hàng của Hàn Quốc như sâm, nấm Linh Chi,… Đông trùng hạ thảo nuôi cấy và dạng chế phẩm (hàng không hóa đơn) trong đó có Đông trùng hạ thảo của Tây Tạng (nhưng ít khi để tại cửa hàng do điều kiện bảo quản khó).

Các cơ sở đều thừa nhận đây là hàng lậu nhưng vì lợi nhuận bất chấp pháp luật để kinh doanh. Ảnh Đào Xuân

PV liên hệ tới địa chỉ website www.vinaplaza.vn của Công ty Thế giới Dinh Dưỡng Vinaplaza, đại diện pháp luật là ông Lê Quang Linh (Số 56 C, Ngõ 143/34 Nguyễn Chính, Hoàng Mai, Hà Nội). 

Người đàn ông tên Linh trả lời: “Cửa hàng bán loại Đông Trùng Na Khúc, Tây Tạng nguyên con nếu khách cần thì cửa hàng sẽ cho ship mang qua kiểm tra hàng và thanh toán vì hàng này là hàng xách tay không có giấy tờ gì nên chị thông cảm. Cửa hàng chuyên bán sỉ chỉ để cho các mối khách lớn, khách lẻ cũng hạn chế. Tại Hà Đông là kho về sâm, nấm Linh Chi thôi”. Đồng thời người này đã gửi cho PV hình ảnh sản phẩm kèm theo giấy tờ kiểm nghiệm nếu khách hàng không yên tâm về chất lượng.

Điểm chung các cửa hàng mà PV đến đều cung cấp phiếu kiểm nghiệm mẫu phân tích “Đông trùng hạ thảo nguyên con” tiêu chuẩn thử theo Dược điển Trung Quốc 2015 do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm cấp là một bản sao và bản có dấu đỏ giống nhau, băn khoăn điều này chủ cửa hàng giải thích - “Nguyễn Quốc Huy người gửi mẫu là cậu em anh ?”...

Các cơ sở dùng chung một kết quả kiểm nghiệm để đánh vào lòng tin của khách hàng. Ảnh Đào Xuân

Một tên tuổi nổi tiếng trong giới Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam mà người tiêu dùng không thể bỏ sót được đó là Công ty cổ phần Nghiên cứu và nuôi trồng Dược liệu Quốc gia Vietfarm (Công ty Vietfarm) địa chỉ website: dongtrungvietfarm.com được cho là của công ty này.

Đơn vị này giới thiệu trên trang web, “Trung tâm Vietfarm cung cấp đông trùng hạ thảo tự nhiên nhập khẩu ĐỘC QUYỀN CHÍNH HÃNG Tây Tạng. Khai thác trực tiếp từ cao nguyên Na Khúc (Tây Tạng)... Vietfarm cam kết bồi hoàn đến 200% giá trị nếu sản phẩm không đúng nguồn gốc xuất xứ”.

Không những thế đơn vị này còn xác nhận bằng cách đăng tải 2 hình ảnh có chữ nước ngoài gọi là” Giấy phép kinh doanh của công ty Thiên Na”.

Giấy tờ chứng nhận Vietfarm thu mua đông trùng hạ thảo Tây Tạng do công ty Thiên Na cung cấp. Ảnh Website dongtrungvietfarm.com

Trong vai khách hàng, khi đến tại một chi nhánh của Công ty Vietfarm tại đường Nguyễn Khánh Toàn PV được nhân viên tại đây xác nhận chỉ website trên nội dung đăng tải là của chính Công ty Vietfarm.

Cùng với đó PV được người quản lý tên Đoài đại diện Công ty Vietfarm đón tiếp tại địa chỉ tầng 1 - Biệt thự B16, ngõ 168 Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy. Người này trả lời một cách rất mập mờ: “Công ty phải làm ăn thế nào, tùy thuộc vào từng công ty mới xuất được hóa đơn hàng này em ạ, Đông trùng hạ thảo Tây Tạng về anh chuyển đổi sang sản phẩm của công ty anh là Đông trùng hạ thảo Vietfarm nên mới xuất hóa đơn cho em là Đông trùng hạ thảo Vietfarm giống một số đơn vị đã từng mua ở trong Sài Gòn trước rồi nhưng chỉ 5% VAT thôi. Còn những nơi khác họ không mở công ty thì giá khác và không thể xuất được hóa đơn cho em”.

Báo giá sản phẩm mà PV chụp ghi nhận được tại địa chỉ Công ty Vietfarm. Ảnh Đào Xuân

Cơ quan chức năng nói gì về hành vì trốn thuế và buôn bán hàng lậu?

Bàn luận về thực trạng này, theo Cục Thuế Hà Nội cho biết: “Khi khách mua hàng nhưng bản chất hàng hóa đầu vào đó là hàng lậu, hàng không có chứng từ đầu vào thì chủ hàng sẽ không có đầu ra hóa đơn được gọi là hành vi trốn thuế.

Đối với trường hợp buôn bán hàng lậu sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an giải quyết. Còn trường hợp trốn thuế sẽ áp dụng Nghị định 125/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn. Hành vi trốn thuế bị phạt tiền từ 1-3 lần số thuế trốn, tùy theo tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của người nộp thuế ”.

Vậy, Đông trùng hạ thảo dạng sâu cỏ thương hiệu Tây Tạng thuộc danh mục mặt hàng (HS Code) gì tại sao đối với mặt hàng này công ty Vietfam lại nhập khẩu được là điều chưa ai lý giải nổi? 

Nội dung bảng giá đăng tải trên website và cách viết hóa đơn cho khách hàng khi mua Đông trùng Tây Tạng của công ty VietFarm. Ảnh Xuân Thành

Theo phản ánh của Pháp luật Plus tới Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, đơn vị có chức năng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên khâu lưu thông đồng thời đã kiểm tra, xử phạt hành vi liên quan đến chất lượng, nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, v.v… trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan đến vấn đề trên, Pháp luật Plus đã liên hệ đề nghị với Tổng cục Hải quan và Ban chỉ đạo 389  và các đơn vị liên quan phối hợp để có phương án thích hợp về tình trạng kinh doanh buôn bán công khai mặt hàng Đông trùng hạ thảo tự nhiên dạng sâu cỏ có nhiều dấu hiệu trốn thuế, thu lợi bất chính, tuy nhiên sau gần một tháng trôi qua các đơn vị này vẫn chưa có câu trả lời tới Pháp luật Plus.

Bắt giữ lô hàng Đông trùng hạ thảo không rõ nguồn gốc

Sau thời gian dài phối hợp cung cấp thông tin, từ địa chỉ, cách thức hoạt động... ngày 17/6, PV của Pháp luật Plus đã phối hợp với Tổ công tác 368 (Tổng cục QLTT) phối hợp với Cục Nghiệp vụ QLTT và Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội đã bất ngờ ập vào cơ sở kinh doanh đông trùng hạ thảo ở căn hộ 16-5A thuộc khu đô thị Vinhomes Symphony, Long Biên, Hà Nội.

Chủ cơ sở là bà Phạm Thanh Thủy, sinh năm 1988, hộ khẩu thường trú số 9 ngách 7, ngõ 300 Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Chủ cơ sở và lực lượng chức năng làm việc ngày 17/6.

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 36 vỉ đông trùng hạ thảo. Mỗi vỉ chứa 10 con đông trùng hạ thảo được hút chân không, cùng một lượng lớn đựng trong hộp nhựa và túi bóng với tổng số lượng 480 con. Tất cả đều không có nhãn mác, bao bì sản phẩm, công dụng cũng như hướng dẫn sử dụng. Cách phân biệt duy nhất chỉ có dòng chữ được viết tay trên các vỉ hút chân không với nội dung "VIP" để phân biệt với các sản phẩm còn lại.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ liên quan đến việc việc kinh doanh cũng như hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Qua quá trình đấu tranh, phối hợp tích cực với cơ quan chức năng của PV Pháp luật Plus, có thể thấy đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng đã tạm giữ được khối lượng lớn là hàng Đông trùng hạ thảo (sâu cỏ) không chứng minh được nguồn gốc tại Hà Nội; là bước đi mạnh mẽ, tiên phong trong việc đấu tranh làm rõ các thủ đoạn của những "con buôn" khiến Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin!

 Đào Xuân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/su-that-dong-trung-ha-thao-gia-tien-ty-dang-troi-noi-tren-thi-truong-d158096.html