Sức tàn phá của ma túy thế hệ mới gấp trăm loại cũ

19/06/2019 10:40

Kinhte&Xahoi “Sức tàn phá của ma túy thế hệ mới lên cơ thể con người nhiều gấp trăm lần so với ma túy cũ vì nó tàn phá cả về tâm thần lẫn thể chất”.

Đó là cảnh báo của PGS.TS.BS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai.

PGS.TS.BS Trần Hữu Bình.

PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về thực trạng sử dụng ma túy thế hệ mới hiện nay?

Ông Trần Hữu Bình:
Hiện nay có nhiều loại ma túy, ngoài ma túy cũ các chất dạng thuốc phiện (Opiat) đại diện là heroin, gần đây xuất hiện nhiều loại ma túy mới như: Ma túy tổng hợp - chất kích thích giống Amphetamin (ATS - Amphetamin Type Stimulant), mà chế phẩm đại diện của nó là Methamphetamin - còn gọi là ma túy đá, và các chất có cấu trúc hóa học giống Amphethamin là MDMA (4-Methylen Dioxy Methyl Amphetamin), chất này gây cảm xúc say đắm, được gọi là thuốc lắc (Estasy), ma túy loại cần sa, bóng cười, tem giấy (bùa lưỡi), bánh lười, bánh cười, cỏ thơm, thuốc lắc meo meo, muối tắm,... Có rất nhiều loại ma túy, phát triển rầm rộ với tốc độ chóng mặt ở các quán bar, sàn nhảy. Đối tượng sử dụng các loại ma túy này chủ yếu là thanh thiếu niên, lứa tuổi học đường.

Theo quan điểm dưới góc độ chuyên môn của nhà tâm thần học, tôi thấy sự phát triển của việc sử dụng loại ma túy mới nói trên rất đáng báo động.

PV: Ông có thể phân tích rõ sự khác nhau giữa ma túy cũ và ma túy thế hệ mới?

Ông Trần Hữu Bình:
Các đối tượng sử dụng ma túy khi vào viện đã có hội chứng nhiễm độc, kích động, loạn thần (hoang tưởng, ảo giác), hội chứng cai, hoặc trầm cảm nặng có ý tưởng và hành vì tự sát.

Ma túy cũ hay ma túy thế hệ mới đều là chất kích thích, tác động lên hệ thần kinh trung ương cấp cao của con người.

Ma túy cũ tác động lên hệ thần kinh trung ương chỉ làm hỗn loạn hệ dopaminergic gây ra hoang tưởng, trong khi ma túy thế hệ mới (loại ATS) tác động làm hỗn loạn cả hệ dopaminergic và serotonergic gây ra hoang tưởng và ảo giác.

Bóng cười, một loại ma túy thế hệ mới có thể dẫn đến suy hô hấp, kiệt lực 

Nói một cách dễ hiểu hơn, ma túy thế hệ mới gây ra các rối loạn về tâm thần và rối loạn về thể chất ở người sử dụng. Các rối loạn tâm thần: rối loạn về cảm giác; rối loạn tri giác; rối loạn tư duy, có biểu hiện các loại hoang tưởng; rối loạn cảm xúc trầm cảm, hưng cảm hoặc loạn cảm; rối loạn về hành vi; rối loạn trí nhớ; rối loạn tập trung chú ý.

Tất cả các rối loạn về tâm thần biểu hiện nhiều cấp độ khác nhau, nặng nhất là hành vi kích động giết người do hoang tưởng, ảo giác chi phối, ở mức độ nhẹ khi mới sử dụng có thể tạo cho người dùng cảm giác hưng phấn giả nhưng thực tế, nó tàn phá cả hai quá trình hưng phấn và ức chế, đẩy người ta vào trạng thái rối loạn tâm thần nặng hơn.

Ngoài biểu hiện rối loạn về tâm thần, người dùng ma túy thế hệ mới còn bị rối loạn về thể chất như hệ tim mạch, hệ tiêu hóa, hệ hô hấp. Ví dụ như bóng cười tác động đến trung tâm cười trên não, cười nhiều quá thì hết hơi, suy hô hấp, kiệt lực và có thể dẫn đến chết người.

Gần đây còn loại ma túy mới là muối tắm, ngoài gây ảo giác còn gây tổn thương cơ thể, có thể là phá hủy hệ thống cơ bắp con người. Ma túy mới còn có thể gây nên tình trạng thác loạn.

Đường dùng ma túy thế hệ mới là không tiêm, chích, chỉ hút, hít và ngậm. Ví dụ như tem thấm, hay cỏ thơm (hút, hít), nó đi qua đường hô hấp và tiêu hóa. Ma túy cũ là hút, hít, chích, khi chích thì nguy cơ cao bị nhiễm HIV.

Sức tàn phá của ma túy thế hệ mới lên cơ thể con người nhiều gấp hàng trăm lần so với ma túy cũ vì nó tàn phá không chỉ tâm thần mà tàn phá cả về thể chất. Nó khiến người sử dụng không biết mình là ai và như thế nào nên gây ra nhiều rắc rối cho gia đình, xã hội. Còn nghiện ma túy cũ vẫn nhận ra mình là ai, hết cơn thì thôi.

PV: Hiện nay, chúng ta đã có phác đồ điều trị với những người sử dụng ma túy thế hệ mới chưa, thưa ông?

Ông Trần Hữu Bình: Hiện nay chỉ có Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai nghiên cứu, xác lập phác đồ, cách hướng dẫn điều trị ma túy tổng hợp. Khi điều trị hội chứng cai phải có phác đồ, điều trị hội chứng nghiện và tái nghiện thì không có tính lâu dài.

Khi tôi khám ở Bệnh viện Đại học Y, có 4 sinh viên hít bóng cười tuy không chết nhưng như chết, không còn biết gì, tê liệt hai chân, bộ mặt vô cảm, đã điều trị 6 tháng mà không có hiệu quả. Bóng cười tai hại đến mức làm tê liệt hoàn toàn hệ thần kinh trung ương cấp cao.

Hiện nay chỉ điều trị các hội chứng rối loạn tâm thần. Ví dụ hoang tưởng, ảo giác, biểu hiện các hội chứng cai, hội chứng lo âu, trầm cảm. Còn một phác đồ điều trị lâu dài để không còn là nghiện nữa thì không có, kể cả trên thế giới cũng chưa có. Đến nay cũng chưa có công trình nào nghiên cứu sau 2 năm thì có bao nhiêu người tái nghiện.

PV:
Ông có cảnh báo gì đối với cộng đồng trước hiểm họa của ma túy thế hệ mới?

Ông Trần Hữu Bình: Ma túy thế hệ mới hướng nhiều tới đối tượng sử dụng là thanh thiếu niên. Vì thế, các gia đình phải quản lý, thường xuyên theo dõi con em mình. Nếu không có sự ngăn chặn kịp thời thì hậu quả thường là mất người vì hiện nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, giúp cai nghiện hoàn toàn. Và chính bản thân mình phải nêu cao cảnh giác ở mọi nơi, mọi lúc.

Hiện nay việc phát hiện, điều tra, xử lý hành vi mua bán, sử dụng ma túy rất khó khăn. Cuộc chiến chống ma túy là trường kỳ, nhưng không được chùn bước nếu không nó làm tê liệt sự phát triển của xã hội, vì nó đánh vào thế hệ trẻ, đấy là lực lượng đang có nhiều cống hiến nhất cho đất nước, cho cộng đồng và gia đình.

PV: Xin cảm ơn ông./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: VOV/Pháp luật Plus