Tăng cường phát hiện và xử phạt nghiêm các trường hợp xe quá tải

08/07/2022 17:06

Kinhte&Xahoi Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng. Đáng nói, nhiều xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị… gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Gia tăng tình trạng xe quá tải

Báo cáo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho thấy, trong quý II/2022, các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, cố định và lực lượng Thanh tra Giao thông Vận tải toàn quốc sử dụng cân xách tay đã tiến hành kiểm tra 23.543 xe, trong đó, có 3.597 xe vi phạm, tước 794 giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 20,63 tỷ đồng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết: qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan báo chí và người dân về đường dây nóng của Tổng cục, tình trạng xe quá tải đã bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng. Tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương đã tái diễn, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông và ô nhiễm môi trường.

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe tải

“Trong quý III/2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở giao thông vận tải rà soát hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động; Có phương án sửa chữa, khắc phục các hư hỏng (nếu có); Bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm. Đồng thời, sử dụng cân xách tay để triển khai thực hiện công tác kiểm soát tải trọng xe...

Tổng cục cũng tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra Giao thông Vận tải... để kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp...; Yêu cầu các đơn vị này phải lắp đặt cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp các đơn vị vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe...”, Tổng Cục trưởng Nguyễn Văn Huyện kiến nghị.

Sẽ xử lý nghiêm các vi phạm

 Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp xe ô tô chở quá tải, cơi nới thành thùng hoặc che chắn không bảo đảm, gây rơi vãi vật liệu ra đường, đặc biệt là vi phạm vào ban đêm.

Tuy nhiên, tình trạng này vẫn gia tăng khi các công trường xây dựng ở Hà Nội hoạt động trở lại sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Trước thực tế này, các lực lượng chức năng phải tăng cường hơn nữa các biện pháp để xử lý nghiêm vi phạm.

Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội) cho hay: Nhiều đối tượng đã theo dõi hoạt động của lực lượng chức năng để thông báo cho phương tiện dừng hoạt động trên tuyến đường đơn vị kiểm tra.

Một số lái xe khi bị lực lượng cảnh sát môi trường và thanh tra giao thông vận tải kiểm tra còn có thái độ bất hợp tác, cố thủ trong xe hoặc bỏ xe lại khiến lực lượng chức năng phải sử dụng biện pháp cưỡng chế là cẩu kéo xe về nơi tạm giữ.

Lực lượng chức năng yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp xe quá tải

Để xử lý các vi phạm nói trên, theo Đại tá Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố Hà Nội), đầu năm 2022, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Sở Giao thông - Vận tải, giao cho Phòng Cảnh sát môi trường và Cảnh sát giao thông cùng lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các xe chở hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông.

Phòng Cảnh sát môi trường đang tiếp tục tăng cường lực lượng, bổ sung các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh với các hành vi chống đối, thiếu ý thức của lái xe, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phối hợp theo tuần, tháng, thống nhất với lực lượng thanh tra giao thông để có biện pháp đấu tranh xử lý các hành vi vi phạm.

Còn theo Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Lê Xuân Tiến, thời gian tới, các đội thanh tra giao thông vận tải quận, huyện, thị xã, các đội chuyên ngành sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt vào ban đêm đối với các công trình thi công, yêu cầu cam kết có cầu rửa sạch xe khi ra khỏi công trường, bảo đảm vệ sinh môi trường xung quanh khu vực thi công, tiến hành rửa đường trước 5h hằng ngày.

Đồng thời, xem xét tạm thời tước quyền sử dụng phù hiệu, giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm hoặc có phương tiện vi phạm nhiều lần.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các Sở Giao thông - Vận tải, các Cục Quản lý đường bộ chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông sử dụng thiết bị ghi hình để ghi lại hình ảnh, qua đó tiến hành xử phạt "nguội" vi phạm. Việc kiểm tra, giám sát bằng hệ thống camera để thu thập bằng chứng vi phạm là một giải pháp tốt hỗ trợ cho các lực lượng chức năng trong đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bị lừa 400 triệu đồng vì muốn làm cộng tác viên của Tiki

Muốn làm cộng tác viên của sàn giao dịch điện tử Tiki, chị L đã bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt 400 triệu đồng. Vụ việc một lần nữa cảnh báo về loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản theo hình thức tuyển cộng tác viên cho sàn giao dịch điện tử.

Tình trạng thi hộ, học hộ, gian lận bằng công nghệ cao lại “nóng”

Mặc dù pháp luật đã quy định mức phạt cụ thể về các hành vi học hộ, thi hộ, sử dụng công nghệ cao để gian lận trong thi cử nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhiều người vẫn bất chấp vi phạm. Việc thuê người học hộ, thi hộ, gian lận có khả năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-phat-hien-va-xu-phat-nghiem-cac-truong-hop-xe-qua-tai-200614.html