Tăng cường xử phạt các vi phạm về cung cấp, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội

17/07/2021 11:05

Kinhte&Xahoi Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến hết tháng 6/2021, Cục đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp với số tiền là 217,5 triệu đồng.

Trong đó, ở lĩnh vực phát thanh, truyền hình, Cục đã xử phạt 2 tổ chức với số tiền là 40 triệu đồng, do đã vi phạm về báo cáo, giải trình với đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra về hoạt động lắp đặt, cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền không trung thực; Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phù hợp với giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Ở lĩnh vực thông tin điện tử, Cục đã xử phạt 5 cá nhân với số tiền là 177,5 triệu đồng về các vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cá nhân; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; Không trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin; Thực hiện không đúng quy định giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp; Đăng phát tác phẩm báo chí mà không được sự đồng ý cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật...

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội làm việc với các chủ tài khoản Facebook thông tin sai sự thật về dịch Covid-19

Cũng theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trong 6 tháng đầu năm 2021, các sở thông tin và truyền thông đã chủ động thực hiện rà soát, kiểm tra, xử phạt các đối tượng lan truyền tin giả (fake news) trên mạng xã hội, đặc biệt là thông tin liên quan đến dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, các sở tích cực thông tin về các sai phạm, tin giả phát tán trên các mạng xã hội xuyên biên giới để các đơn vị chức năng có cơ sở làm việc với các mạng xã hội, yêu cầu bóc gỡ thông tin kịp thời, không phát tán các tin giả gây hoang mang dư luận...

Giữa “cơn bão” thông tin thật - giả trên môi trường mạng như hiện nay, vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tăng cường cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân thông tin sai sự thật nhằm kích động, trục lợi... Khi tỉnh táo, hiểu rõ bản chất tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh thông tin mà họ quan tâm.

Lưck lượng chức năng Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Văn Duy - chủ tài khoản facebook có tên "Hà Nội Phố" do có hành vi "cung cấp thông tin sai sự thật".

Các cơ quan báo chí cũng tiếp tục thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh, lưu ý tránh đưa tin thụ động, một chiều, phải có phân tích, so sánh, đánh giá khách quan, trung thực, để Nhân dân hiểu được, biết được về tình hình dịch bệnh, các biện pháp, trách nhiệm phòng, chống dịch.

Đồng thời, các đơn vị truyền cảm hứng để Nhân dân thêm tin tưởng, ủng hộ và tích cực hợp tác, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tinh thần chung truyền thông là để “Dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng thành quả”...

Tại Điều 8 và Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-xu-phat-cac-vi-pham-ve-cung-cap-chia-se-thong-tin-tren-mang-xa-hoi-170136.html