Thái Nguyên: Mỹ phẩm Linh Nga 'núp bóng' hàng xách tay, bán mỹ phẩm lậu?

01/07/2019 09:18

Kinhte&Xahoi Nhiều sản phẩm mỹ phẩm núp dưới tên gọi… “hàng xách tay” đang được bày bán công khai tại chuỗi cửa hàng mang thương hiệu “Linh Nga Cosmetics” (đường Z115, Thái Nguyên).

Thật giả khó lường

Ghi nhận tại chuỗi cung ứng mỹ phẩm Linh Nga “lớn và đáng tin cậy số 1 tại Thái Nguyên”, nơi đây bày bán đa dạng về mẫu mã, chủng loại từ son môi, kem dưỡng trắng da, xịt khoáng… và “khoác trên” mình những thương hiệu nổi tiếng như Fresh Soy Face cleanser, 3CE, BB…

Mỹ phẩm Linh Nga Cosmetics (Chi nhánh Thái Nguyên) kinh doanh mỹ phẩm lậu “núp bóng” hàng xách tay?

Dù khác nhau về thương hiệu, mẫu mã sản phẩm nhưng các sản phẩm tại chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Linh Nga (hay còn có tên gọi Linh Nga Cosmetics) đều có điểm chung là có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc….với giá cả dao động từ 100.000 VNĐ cho đến cả triệu đồng một sản phẩm tùy thuộc vào nhu cầu cũng như độ “chịu chơi” của từng thượng khách.

Khi khách hàng tìm đến chuỗi cửa hàng và tỏ ý muốn tìm hiểu, mua sản phẩm mỹ phẩm ngay lập tức sẽ có nhân viên đon đả dẫn khách đi “tham quan” cửa hàng đồng thời không quên giới thiệu, tư vấn nhiệt tình cho khách hàng về công năng cũng như “chốt” giá cho từng sản phẩm.

Cầm trên tay “combo” 03 sản phẩm son, kem nền, kem chống nắng được nhân viên giới thiệu là “hàng xách tay chính hãng”, theo quan sát, phía hộp son ngoài in những dòng chữ nước ngoài thì không có bất cứ thông tin gì để đảm bảo đây là hàng chính hãng, an toàn về chất lượng (tem phụ đề tiếng việt, tên cơ quan công bố sản phẩm, đơn vị nhập khẩu... ) theo luật định. Tương tự với sản phẩm kem nền, kem chống nắng.

Phía ngoài sản phẩm không có bất cứ thông tin gì để đảm bảo đây là hàng chính hãng, an toàn về chất lượng.

Khi khách hàng tỏ ra bất an khi sử dụng mỹ phẩm có thể gây kích ứng da, tác dụng phụ ngoài ý muốn, nhân viên cửa hàng sẽ nhanh chóng trấn an và khẳng định chắc nịch về độ an toàn của sản phẩm mà không cần hỏi hoặc “liếc” thông tin sản phẩm trên tay khách hàng

“Chị có thể yên tâm về sản phẩm bên em hoàn toàn không có tác dụng phụ hay gây kích ứng da” – một nhân viên cho hay.

Khi PV đề nghị cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT), nhân viên tại cơ sở "lúng túng" và không cung cấp được bất cứ giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm ngoài những lời cam kết “suông” về hàng xách tay chính hãng 100%.

Nhân viên chuỗi cửa hàng mỹ phẩm Linh Nga Cosmetics cầm trên tay sản phẩm mỹ phẩm giới thiệu công năng cho khách hàng.

Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền nghi ngờ, liệu chăng đây là chiêu bài để lấy lòng tin để đánh tráo, trà trộn sản phẩm hàng giả, hàng nhái dưới vỏ bọc hàng xách tay? Ai dám chắc chắn rằng sản phẩm đến tay người tiêu dùng là sản phẩm chất lượng khi không đủ cơ sở pháp lý chứng minh và kiểm định chất lượng sản phẩm do cửa hàng phân phối?

Trả lời báo chí, Chi cục Quản lý thị trường Thái Nguyên cho biết, với những sản phẩm mỹ phẩm nếu muốn đưa ra thị trường kinh doanh, được nhập từ nước ngoài bắt buộc phải có tem phụ đề tiếng Việt để người tiêu dùng nhận biết những thành phần và hướng dẫn cách sử dụng. Ngoài ra, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa sản phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Hàng xách tay là hàng lậu

Với tâm lý “sính ngoại” của chị em phụ nữ, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng điều này, bất chấp luật định, sức khoẻ của người tiêu dùng để thu lời bất chính và khi xảy ra rủi ro, thiệt hại không ai khác lại chính là … khách hàng!

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty TNHH L’Oreal Việt Nam tiết lộ về thực trạng một số cửa hàng bán mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhập lậu nhưng lại “sống chết”, một mực khẳng định là hàng nhập khẩu, hàng xách tay.

“Sợ bị nhận biết và mang tiếng là hàng giả nên giờ người bán hàng thường khẳng định là mỹ phẩm xách tay. Xách tay kiểu gì khi trong vòng một tuần có thể cung cấp hàng ngàn cây mascara chuốt mi. Đặc biệt, có nhiều sản phẩm mỹ phẩm của nước ngoài chưa hề được công bố cũng đã được bán tại nhiều chuỗi cửa hàng của Việt Nam, trong đó có cả những chuỗi cửa hàng danh tiếng”, bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh cho biết.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội khẳng định “hàng xách tay” chính là hàng lậu và đang được này bán công khai trên thị trường bất chấp luật định

Theo ông Vũ Vinh Phú, sở dĩ hàng “xách tay” có sức hấp dẫn do tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng. Lợi dụng tâm lý đó, không ít gian thương đã sử dụng chiêu bài quen thuộc để kiếm lời trên lòng tin của người tiêu dùng là trà trộn hàng giả, hàng nhái trong vỏ bọc hàng xách tay.

Cũng trao đổi về việc này, đại diện Công ty luật Minh Khuê cũng cho biết: “Hàng xách tay được xem là loại hàng hóa không có chứng từ nhập khẩu, phiếu gửi hàng không được xem là một loại chứng từ nhập khẩu do hàng hóa không thông qua kê khai hải quan”.

Như vậy hàng mỹ phẩm xách tay được coi là hàng nhập lậu theo quy định tại điểm d khoản 7 điều 3 của Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Để hạn chế tình trạng nhập lậu qua kênh này, bên cạnh việc tăng cường quản lý hàng hóa, quà biếu, tặng từ nước ngoài vào Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Khoản 7, điều 3, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định hàng nhập lậu bao gồm:

a) Hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;

b) Hàng hóa nhập khẩu thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện mà không có giấy phép nhập khẩu hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định kèm theo hàng hóa khi lưu thông trên thị trường;

c) Hàng hóa nhập khẩu không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan;

d) Hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo theo quy định của pháp luật hoặc có hóa đơn, chứng từ nhưng hóa đơn, chứng từ là không hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý hóa đơn;

đ) Hàng hóa nhập khẩu theo quy định của pháp luật phải dán tem nhập khẩu nhưng không có tem dán vào hàng hóa theo quy định của pháp luật hoặc có tem dán nhưng là tem giả, tem đã qua sử dụng. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vụ 8B Lê Trực: Quy hoạch hay giấy phép xây dựng có giá trị pháp lý cao hơn?

Năm năm qua, vụ việc 8B Lê Trực luôn là vấn đề nóng được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm. Dư luận vẫn mặc nhiên cho rằng trăm phần nghìn tòa nhà 8B Lê Trực đã vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật xây dựng và vi phạm tuyệt đối đến giấy phép xây dựng mà Sở Xây dựng đã cấp phép cho công trình từ năm 2014. Tuy nhiên, việc quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố phê duyệt có trước (cho đến nay vẫn là quy hoạch xây dựng chi tiết duy nhất cho lô đất có ký hiệu L30 gồm 20 tầng và chiều cao công trình là 70m) và giấy phép xây dựng (GPXD) do Sở Xây dựng cấp sau nhưng lại cấp sai không đúng với quy hoạch xây dựng chi tiết và sai với tiêu chuẩn thiết kế nhà cao tầng, vậy thì quy hoạch chi tiết hay GPXD có giá trị pháp lý cao hơn?

Nguồn: GĐ&PL