Tuần qua, Tòa soạn nhận được thắc mắc của bạn đọc ở quận 10, TP.HCM. Nội dung thư, bạn đọc hỏi:
“Tôi bị Cơ quan Thi hành án dân sự kê biên quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở để bán đấu giá thu hồi tiền trả cho chủ nợ nhưng bán đấu giá nhiều lân không thành. Mặc dù tôi không có yêu cầu định giá lại tài sản và thời hạn ghi trong chứng thư thẩm định giá đã hết hiệu lực nhưng Chấp hành viên đã đề nghị giảm giá trị tài sản đưa ra đấu giá.
Xin Tòa soạn cho biết, quy định của pháp luật về thẩm định giá lại tài sản và giảm giá tài sản kê biên trong trường hợp không có người tham gia đấu giá?”
Ảnh minh họa
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 06/3/2015 của Bộ Tài chính ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05, 06 và 07, Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 05 - Quy trình thẩm định giá quy định: “Thời hạn có hiệu lực của kết quả thẩm định giá được xác định trên cơ sở đặc điểm pháp lý, kinh tế - kỹ thuật của tài sản thẩm định giá; biến động về pháp lý, thị trường liên quan đến tài sản thẩm định giá và mục đích thẩm định giá nhưng tối đa không quá 6 (sáu) tháng kể từ thời điểm chứng thư thẩm định giá có hiệu lực”.
Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo Điều 99 Luật Thi hành án dân sự và Điều 1 của Luật số
64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, cụ thể:
“1. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Chấp hành viên có vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 98 của Luật này dẫn đến sai lệch kết quả định giá tài sản;
b) Đương sự có yêu cầu định giá lại trước khi có thông báo công khai về việc bán đấu giá tài sản. Yêu cầu định giá lại chỉ được thực hiện một lần và chỉ được chấp nhận nếu đương sự có đơn yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thẩm định giá và phải nộp ngay tạm ứng chi phí định giá lại tài sản.
2. Việc định giá lại tài sản kê biên được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 98 của Luật này”.
Chứng thư thẩm định giá là kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được lập thành văn bản và chỉ được sử dụng vào mục đích đã ghi trong hợp đồng. Chấp hành viên ký hợp đồng thẩm định giá với tổ chức thẩm định giá nhằm mục đích xác định giá khởi điểm của tài sản đã kê biên để đưa ra bán đấu giá. Theo Khoản 3 Điều 32 Luật Giá số 11/2012/QH13 ngày 20/6/2012 quy định về thời hiệu của chứng thư thẩm định giá như sau:
“Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá”.
Trường hợp bạn hỏi thì sau khi có kết quả thẩm định giá tài sản đã được đưa ra bán đấu giá và bán nhiều lần vẫn không có người mua. Như vậy, kết quả thẩm định giá đã được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.
Do đó, nếu không thuộc các trường hợp định giá lại tài sản kê biên theo quy định trên thì Chấp hành viên thực hiện việc giảm giá tài sản theo Điều 1 của Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự, quy định “Xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành” như sau:
“Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức bán đấu giá về việc tài sản đưa ra
bán đấu giá lần đầu nhưng không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì Chấp hành viên thông báo và yêu cầu đương sự thỏa thuận về mức giảm giá tài sản.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, nếu đương sự không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không được về mức giảm giá thì Chấp hành viên quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá”.
Theo KD&PL