Thanh niên “hổ báo” đập xe sau va chạm với bà bầu: “Khe cửa” nào thoát tội?

25/09/2020 15:51

Kinhte&Xahoi “Kể cả trong trường hợp định giá tài sản bị hủy hoại không đủ 2 triệu đồng nhưng xác định được hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự thì vẫn có thể khởi tố”, luật sư Quách Thành Lực phân tích.

Chiều 24/9, trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm nam thanh niên được cho là đã xảy ra va chạm giao thông rồi dùng hung khí đập phá xe máy của người đi đường.

Theo nội dung clip, sau khi xảy ra va chạm trên đường Trường Chinh (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội), một nam thanh niên trong nhóm này bị thương ở chân. Riêng người phụ nữ mang bầu thì ngồi bên vệ đường, được người dân lại gần hỏi han, chăm sóc.

Hình ảnh nam thanh niêm hùng hổ cầm gậy sắt đập phá xe máy người đi đường (Ảnh chụp màn hình).

Bất ngờ, một nam thanh niên khác trong nhóm cầm vật giống gậy sắt 3 khúc chạy ra giữa đường với thái độ hung hăng, chỉ tay về phía xa giống như đang thách thức một ai đó.

Sau đó, nam thanh niên này dùng gậy sắt vụt liên tiếp vào phần đầu một chiếc xe máy đang dựng giữa đường.

Bước đầu, cơ quan công an đã tiến hành tạm giữ một nam thanh niên (17 tuổi, trú ở quận Hai Bà Trưng) trong nhóm này. Đối tượng bị tạm giữ đang liên quan đến 1 vụ án “Cố ý gây thương tích”, bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Nhìn nhận sự việc gây phẫn nộ dư luận này dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Nam thanh niên bị triệu tập về hành vi đập phá tài sản sinh năm 2003, trú phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã đủ 16 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm mình thực hiện.

Điều 178 Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định: Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Trong vụ việc này, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ tiến hành các hoạt động điều tra có thể bao gồm: Thực nghiệm điều tra để kiểm tra, xác minh tài liệu, tình tiết có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả thực nghiệm điều tra vào biên bản.

Tiến hành thành lập Hội đồng định giá tài sản để kết luận về giá của tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng. Khi kết luận định giá khẳng định giá  tài sản bị cố ý làm hư hỏng tài có trị giá từ 2.000.000 đồng thì hoàn toàn có cơ sở vững chắc để khởi tố hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Luật sư Quách Thành Lực cho rằng cần xử nghiêm những hành vi côn đồ như trường hợp cụ thể này.

Tuy nhiên, trong trường hợp giá định tài sản bị hủy hoại, hư hỏng không đủ 2 triệu đồng, nếu quá trình điều tra xác định được hành vi của người này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc tài sản bị hủy hoại, cố ý làm hư hỏng là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ thì vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản”.

Theo luật sư Lực, độ tuổi 16-17, cá nhân thường chưa kiểm soát được cảm xúc của mình, dễ nổi nóng, hành động tùy tiện, bột phát nên dễ mắc sai lầm. Tuy nhiên, Luật hình sự xác định độ tuổi này khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự về mọi loại tội. Đây là một sự cảnh tỉnh, lời nhắc nhở cho các bạn trẻ trong ứng xử xã hội cần phải tuân thủ pháp luật, điều chỉnh hành vi, cảm xúc cho phù hợp.

Anh Thế - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Mua nợ xấu và rủi ro pháp lý khó tin: Kỳ 1- Điều luật bị hiểu sai và hệ lụy

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội (NQ42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, kể cả rủi ro pháp lý khiến người mua nản lòng. Nhằm góp một tiếng nói đưa NQ42 vào cuộc sống, Báo TNVN khởi đăng loạt bài phản ánh những rủi ro pháp lý và 'cạm bẫy' trong tranh chấp mua bán nợ xấu.

Tham gia BigBuy24h, giàu chưa tới những mất tiền tỷ, mất nhà

Hàng chục lá đơn của những người tham gia sàn thương mại điện tử BigBuy24h gửi đến cơ quan chức năng và báo chí, tố cáo công ty này lừa đảo, chiếm đoạt tiền của họ, khiến bây giờ họ đứng trước cảnh nợ nần, mất tiền, mất nhà.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/ban-doc/thanh-nien-ho-bao-dap-xe-sau-va-cham-voi-ba-bau-khe-cua-nao-thoat-toi-20200925152110110.htm