"Thành tích" của VAMC trong việc xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2013 - 2017 có gì nổi trội?

18/08/2023 13:51

Kinhte&Xahoi Theo đánh giá của NHNN thì hoạt động mua nợ xấu là một trong các giải pháp tình thế để giãn thời gian cho TCTD, từng bước xử lý khoản nợ xấu...

Mới đây, Thanh tra Chính phủ mới đây đã thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng. Tại văn bản này, Thanh tra Chính phủ có nhắc tới Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và chỉ ra nhiều tồn tại, bất cập tại đơn vị này.

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ xử lý nợ xấu theo Đề án 843. 

Trong giai đoạn 2013 - 2017, hoạt động chủ yếu của VAMC là mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt (TPĐB) có thời hạn theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

"Giải pháp tình thế"

Theo báo cáo và đánh giá của NHNN thì đây là một trong các giải pháp tình thế để giãn thời gian cho tổ chức tín dụng (TCTD) từng bước xử lý khoản nợ xấu và làm giảm nợ xấu trên sổ sách của các TCTD; khi bán nợ cho VAMC, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD giảm; tuy nhiên về bản chất thì nợ xấu không thay đổi và chỉ thay đổi khi TCTD thu được nợ bán cho VAMC thông qua xử lý tài sản, khách hàng trả nợ…

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Ảnh: Internet.

Thực tế, sau khi mua nợ, VAMC vẫn ủy quyền xử lý khoản nợ cho TCTD, nên về thực tế, TCTD vẫn phải thực hiện toàn bộ trách nhiệm thu nợ, xử lý khoản nợ; với hình thức ngày, NHNN xác định, minh bạch nợ xấu của hệ thống ngân hàng thông qua tách các khoản nợ xấu đã ghi nhận hoặc bị che giấu ra khỏi báo cáo tài chính của TCTD để tập trung về VAMC xử lý; giúp TCTD phân bổ tổn thất dự kiến phù hợp với khả năng, không làm suy giảm đột ngột chỉ tiêu an toàn hoạt động và mức độ lành mạnh tài chính của TCTD; hỗ trợ khách hàng tiếp tục vay vốn ngân hàng với các dự án có hiệu quả; cơ cấu nợ để giảm gánh nặng về tài chính, giúp Doanh nghiệp có điều kiện tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả kinh doanh; trong giai đoạn 2013 - 2017, VAMC đã phối hợp với các TCTD, góp phần trong việc đưa nợ xấu toàn ngành ngân hàng tại thời điểm 31/12/2017 về mức dưới 3%.

Theo số liệu của VAMC đến 31/12/2017, VAMC đã mua 26.274 khoản nợ của 16.835 khách hàng tại 42 TCTD.

Qua kiểm tra một số hồ sơ tại VAMC cho thấy. Việc xây dựng kế hoạch mua nợ bằng TPĐB tại VAMC. Qua kiểm tra cho thấy, trong công tác xây dựng kế hoạch mua nợ, việc tổng hợp, đánh giá tỷ lệ nợ xấu của TCTD, số liệu nợ xấu của TCTD chủ yếu được tổng hợp trên cơ sở thông tin trao đổi bằng điện thoại giữa VAMC và cơ quan TTGSNH là chưa bảo đảm tính minh bạch, khách quan, thiếu các văn bản, tài liệu pháp lý để chứng minh.

Việc chấp hành quy định về điều kiện Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC. Kiểm tra 13 hồ sơ mua nợ bằng TPĐB tại VAMC phát hiện 1 số bất cập, thiếu sót, vi phạm như: 

+) Tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa đáp ứng điều kiện mua nợ “tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ” theo quy định tại điểm c, khoản 1, điều 16 Thông tư số 19/2013/TT-NHNN, ảnh hưởng đến giá trị khấu trừ tài sản bảo đảm khi trích DPRR cụ thể theo quy định tại khoản 12, điều 1, Thông tư số 09/2014/TT-NHNN của NHNN như: (i) hồ sơ khoản nợ của Công ty TNHH Phúc Quang Hồng Anh tại BIDV; (ii) hồ sơ khoản nợ của nhóm khách hàng Công ty CP Địa ốc Sài Gòn M&C, Công ty CP Tư vấn Đầu tư xây dựng & Thương mại Minh Quân, Công ty CP Đầu tư Liên Phát, Công ty CP Tân SUPERDECK - M&C tại MSB; (iii) hồ sơ khoản nợ của Đỗ Văn Bình và Lưu THị Chung tại MSB; (iv) hồ sơ khoản nợ của Diệp Mỹ Xuyên, Hứa Thụy Ngân Anh, Đoàn Lê Phát, Lưu Tuấn Khương, Công ty TNHH Ngân Thạnh tại Sacombank.

Ngoài ra việc Sacombank thực hiện đấu giá TSBĐ là “Quyền tài sản phát sinh từ Dự án Khu nhà ở Long Bình, quận 9, TP HCM” khi chưa có ủy quyền của Công ty TNHH Ngân Thạnh là không đúng quy định tại Điều 195, điều 431 Bộ Luật Dân sự 2015.

Vị trí thực hiện Dự án Khu nhà ở Long Bình, quận 9, TP HCM. Ảnh Viettimes.

+) TSBĐ của khoản nợ xấu tại thời điểm bán nợ cho VAMC chưa được quy định tại giá bởi tổ chức thẩm định giá độc lập là không thực hiện đúng theo quy định tại khoản 12, điều 1 Thông tư số 09/2014/TT-NHNN của NHNN, ảnh hưởng đến giá trị khấu trừ của TSBĐ khi trích lập DPRR cụ thể (như: khoản nợ của Công ty CP Đầu tư Y tế Việt Nam tại BIDV; khoản nợ của Công ty TNHH Hùng Vương Huế tại Bắc Á Bank; Khoản nợ của Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An và khoản nợ của Công ty CP Hàng Hải Đông Đô).

+) Việc NHNN quy định điều kiện khoản nợ xấu bán cho VAMC theo điều 16 Thông tư số 19/2013/TT-NHNN chỉ nêu “có tài sản bảo đảm”, không quy định cụ thể về giá trị TSBĐ so với khoản nợ bán nên còn bất cập.

+) TSBĐ của khoản nợ xấu bán nợ cho VAMC không đáp ứng điều kiện theo quy định, ảnh hưởng đến mệnh giá TPĐB sử dụng để vay tái cấp vốn. Kiểm tra hồ sơ pháp lý TSBĐ của 38 hồ sơ mua nợ xấu bằng TPĐB của 6 TCTD tương ứng với mệnh giá TPĐB được tái cấp vốn của 13 TCTD (đến 31/12/2017) phát hiện 34 hồ sơ nợ xấu (BIDV 8 hồ sơ, PG Bank 4 hồ sơ, SHB 10 hồ sơ, SeaBank 3 hồ sơ, ABbank 5 hồ sơ, Agribank 4 hồ sơ) tại thời điểm bán nợ cho VAMC có vi phạm….

+) Về quy định xét duyệt điều kiện để vay tái cấp vốn TCTD: Theo quy định của NHNN, một trong các tiêu chí cơ quan TTGSNH phải đánh giá trong quy trình xét duyệt để được tái cấp vốn là TCTD phải có “khả năng trích lập dự phòng rủi ro đối với trái phiếu VAMC”, nhưng lại không quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá. Theo NHNN báo cáo hiện đang tiến hành xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 18/2015/TT-NHNN.

+) Việc xét duyệt điều kiện mua nợ xấu tại LPB tại VAMC: Năm 2014 - 2015 VAMC mua 5 khoản nợ của LPB, dư nợ gốc là 1.032 tỷ đồng nhưng các khoản nợ này chưa phải là nợ xấu theo quy định tại khoản 1 điều 8 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ. Theo báo cáo của VAMC, đến thời điểm thanh tra năm 2018, các khoản nợ của VAMC mua trên trên đã được VAMC và LPB tất toán.

+) Việc hạch toán, theo dõi lãi phải thu phát sinh sau thời điểm bán nợ cho VAMC: Tại Sacombank không hạch toán theo dõi ngoại bảng khoản lãi (trong hạn, quá hạn) phát sinh từ sau thời điểm bán nợ cho VAMC do đã chuyển thành khoản đầu tư. Tại VAMC theo dõi trên cơ sở số liệu TCTD báo cáo định kỳ hàng tháng. Theo báo cáo của NHNN, VAMC đã hạch toán ngoại bảng lãi phát sinh của các khoản nợ xấu mua của TCTD năm 2017, 2018.

 +) Việc theo dõi, quản lý tiền thu hồi nợ xấu tại VAMC: Theo quy định tại điều 31 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 của Chính phủ, sau khi bán nợ xấu cho VAMC nhận TPĐB thì TCTD phải tiếp tục theo dõi, quản lý và đôn đốc thu hồi đối với khoản nợ đã bán; số tiền thu hồi được phải nộp ngay vào tài khoản phong tỏa của VAMC mở tại TCTD. Kiểm tra thấy ABbank đã thu tiền của 28 khách hàng nhưng không nộp đầy đủ, kịp thời vào tài khoản của VAMC theo quy định, đáng chú ý có khoản nộp chậm 164 ngày, tổng số tiền thu nộp chậm là 472 tỷ đồng, chiếm 93% tổng số tiền thu hồi nợ.

+) Việc xử lý vi phạm đối với TCTD trong việc được VAMC ủy quyền quản lý hồ sơ gốc, thu giữ TSĐB, thu hồi nợ, xử lý bàn TSBĐ. Kết quả kiểm tra của VAMC phát hiện một số TCTD (PNB, VPB, Agribank, SCB, MSB, NAB, Sacombank, OcenBank, VIB, Eximbank, LPB, DongABank) vi phạm quy định về mua, bán nợ bằng TPBĐ, nhưng VAMC không xử lý theo thẩm quyền bằng các hình thức đơn phương chấm dứt hợp đồng mua, bán nợ, chấm dứt hoạt động ủy quyền, khởi kiện ra tòa hoặc báo cáo NHNN xử lý theo thẩm quyền đối với các TCTD có vi phạm theo quy định.

Họat động mua bán nợ theo giá thị trường chậm triển khai

Đối với việc mua bán nợ theo giá thị trường được thực hiện từ tháng 8/2017, VAMC đã mua 6 khoản nợ của 5 TCTD với dư nợ gốc 2.938 tỷ đồng, giá mua nợ 3.141 tỷ đồng. 

Qua kiểm tra 5 hồ sơ thấy, hoạt động mua bán nợ theo giá thị trường tại VAMC chậm triển khai theo Thông tư số 19; VAMC mua nợ năm 2017 theo phê duyệt của NHNN vượt vốn điều lệ thực cấp cho VAMC; quá trình mua nợ chưa tuân thủ đúng, đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá tài sản, quy trình mua bán nợ, như: mua khoản nợ của Công ty CP Địa ốc thương mại và Xây dựng Thành Ngọc không đúng phương án NHNN phê duyệt; không đánh giá sơ bộ khoản nợ và lập phương án mua nợ sơ bộ theo quy trình mua, bán nợ đối với khoản nợ của Công ty CP Thuận Kiều tại Vietinbank; ủy quyền cho Sacombank nhận thế chấp TSBĐ không đủ điều kiện làm tài sản bảo đảm đối với khoản nợ của Công ty CP Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang;

Không thuê tư vấn thẩm định, xác định giá khởi điểm để đấu giá bán khoản nợ của Công ty TNHH Việt Thuận Thành tại Agribank và sử dụng kết quả thẩm định giá không đúng quy định tại điều 32 Luật giá; thực hiện chưa đầy đủ quy trình quản lý, xử lý khoản nợ theo quy định của VAMC; mua khoản nợ của Công ty CP Thuận Kiều tại Vietinbank khi chưa có Nghị quyết của HĐTV; Công ty CP Thẩm định giá BTC Value thẩm định giá khoản nợ của Công ty CP Hoàn Cầu Khánh Hòa, Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại Sacombank, Công ty CP Đầu tư và Thẩm định giá Việt Nam thẩm định giá khoản nợ của Công ty CP Thuận Kiều tại Vietinbank không đúng quy định.

Ngoài ra, trong giai đoạn từ 2014 - 2016, VAMC không tổ chức kiểm tra việc TCTD thực hiện miễn, giảm  lãi theo ủy quyền của VAMC được quy định tại điều 40, Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 của NHNN.

Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài Chính, chỉ đạo kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với vi phạm của Công ty CP Thẩm định giá BTC Value (Công ty Thẩm định giá và thẩm định viên thẩm định khoản nợ của Công ty CP Hoàn Cầu Khánh Hòa và Công ty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang tại Sacombank), Công ty CP Đầu tư và Thẩm định giá Việt Nam (Công ty thẩm định giá và thẩm định viên thẩm định khoản nợ của Công ty CP Thuận Kiều tại Vietinbank) do không thực hiện đúng quy định thẩm định giá tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ và Thông tư số 31/2014/TT-BTC ngày 7/3/2014 của Bộ Tài chính.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin khi sự việc có diễn biến mới.

Tường Vân - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dựng chuyện “câu view”: Đừng làm xấu hình ảnh người Việt

Mạng xã hội thời gian qua đã xuất hiện không ít tình huống phản ánh cách hành xử tiêu cực, kém văn hóa của một số người. Đó có thể chỉ là những vở kịch được dàn dựng để “câu view” kiếm lợi nhuận, nhưng đã làm xấu hình ảnh người Việt.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/thanh-tich-cua-vamc-trong-viec-xu-ly-no-xau-tai-cac-to-chuc-tin-dung-giai-doan-2013--2017-co-gi-noi-troi-d197381.html