Thói hư tật xấu ngày Tết

10/01/2021 12:15

Kinhte&Xahoi Trong thời kỳ hiện đại, bên cạnh việc đón Tết là niềm vui thì cũng xuất hiện không ít thói hư tật xấu, những biến tướng nghi lễ vốn là nét đẹp của cha ông để lại.

Lạm dụng rượu bia

 Sau mỗi kỳ nghỉ Tết, những con số thống kê TNGT của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia lại khiến chúng ta nhói lòng. Khảo sát gần đây của một đơn vị độc lập cho thấy, 86% số lái xe được hỏi thừa nhận đã từng điều khiển xe sau khi uống rượu bia (con số này vào dịp Tết hẳn còn cao hơn nhiều!); 63% nghĩ rằng họ tự nhận thức được “giới hạn” của bản thân khi uống rượu bia trước khi điều khiển xe. Những lái xe này liệu có biết, theo thống kê, gần 40% số vụ TNGT ở nước ta có liên quan đến nồng độ cồn cao trong máu người điều khiển phương tiện giao thông hay không? Điều đáng suy nghĩ là đã có hơn một phần ba số người tham gia khảo sát cho rằng đó là hành vi có thể chấp nhận được trong văn hóa Việt Nam!

Hiện nay, khá đông lái xe cho rằng việc nhậu nhẹt quá đà rồi điều khiển là điều bình thường trong xã hội ta; dù biết hành vi này gây nguy hiểm cho bản thân, cộng đồng và bị pháp luật nghiêm cấm, nhưng họ vẫn thực hiện! Để thay đổi hành vi sai trái, nguy hiểm, trước hết phải bắt đầu từ nhận thức. Mà thay đổi nhận thức lại là một quá trình đầy khó khăn.

Thói quen “gặp nhau lần nào cũng rượu” trong ngày Tết của người Việt, lấy khả năng uống rượu để đánh giá “phong độ” đàn ông rồi ép nhau uống…, đã thâm căn cố đế, nên không thể thay đổi một sớm một chiều, hay giải quyết xong qua một vài chiến dịch. Việc này phải được tiến hành từ sớm, khi những công dân tương lai còn đang ngồi trên ghế nhà trường; phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên, liên tục trên quy mô xã hội và lan tỏa đến từng cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia giao thông.

Việt Nam đang ở tốp đầu các nước có tỷ lệ người dân uống rượu, bia cao trên thế giới. Riêng các dịp lễ, Tết, tỷ lệ này tăng cao gấp đôi, gấp ba ngày thường. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm có các biện pháp quản lý phù hợp, thì rượu, bia sẽ ngày càng gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, sức khỏe, làm gia tăng tai nạn giao thông…

Biến tướng quà Tết và những tật xấu khác

Quà Tết xưa nay vốn là một nét văn hóa của người Việt, thể hiện sự tri ân, quan tâm và sẻ chia mỗi khi Tết đến, Xuân về. Thế nhưng quà Tết bây giờ là chuyện phải làm và đôi khi là nỗi ám ảnh với nhiều người. Tệ nhất là nạn tặng quà Tết cho nhau vì vụ lợi. Không tặng quà sợ bị cho là kém trong quan hệ, ngoại giao.

Món quà là sự tính toán thiệt hơn để tìm cơ hội trong công việc, bỏ qua cho điều sai trái. Cách tặng quà như vậy chỉ có ở môi trường làm việc thiếu chuẩn mực. Món quà Tết lúc này được xem như món hàng đầu tư, phương tiện hối lộ, không cần biết mối quan hệ giữa người tặng và người nhận. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm 2019, có 6 cá nhân nộp lại quà tặng trị giá 182 triệu đồng; ba vụ việc nhận quà không đúng quy định với tổng trị giá gần 4 tỷ đồng đã bị xử lý. Năm 2018 có 10 người nộp lại quà tặng cho đơn vị với tổng số tiền là 145 triệu đồng… Những con số này liệu đã phản ánh đúng thực tế hay chưa? Hy vọng mỗi cấp, mỗi ngành, cho đến mỗi cá nhân không chỉ biết hô hào theo chỉ thị của Ban Bí thư, không chỉ biết nói suông “không tặng quà Tết”, “không nhận quà Tết”.

Trong một năm mà người dân cả nước đã vô cùng chật vật chống chọi với đại dịch Covid-19 và miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục hứng chịu nhiều đau thương, mất mát do thiên tai, bão lũ, lúc này, khi Xuân đang đến thật gần, cần biết bao những món quà Tết đến đúng địa chỉ những gia cảnh khó khăn. Đây cũng là tinh thần chủ đạo của Chỉ thị 48-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2021 của Ban Bí thư, bảo đảm để mọi nhà, mọi người đều được vui Xuân, đón Tết.

Theo đó, Chỉ thị nhấn mạnh: Đặc biệt quan tâm chăm lo các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, miền núi; công nhân, người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp...

Dành sự quan tâm đến đúng đối tượng, khi ấy, tặng và nhận quà Tết trở thành một câu chuyện nhân văn. Điều đó khác xa với những món quà Tết chỉ mang nặng tính lễ nghi hình thức, càng khác với những món quà Tết biến tướng, núp bóng quà Tết để mưu cầu, vun vén lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Có như vậy Tết mới đúng nghĩa.

Ngoài ra, Tết đến kéo theo những tệ nạn cờ bạc, đá gà ăn tiền... và các hình thức mê tín dị đoan có ở nhiều nơi. Đây là những việc ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, các gia đình cũng cần nhắc nhở nhau để ăn Tết, chơi Tết lành mạnh.

 Minh Hạnh - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/thoi-hu-tat-xau-ngay-tet-406417.html