Thói quen sử dụng rượu, bia của người Việt đã thay đổi rõ rệt

10/02/2020 16:37

Kinhte&Xahoi Mặc dù người vi phạm đã bị xử phạt rất nặng, rất nghiêm nhưng dư luận xã hội vẫn tuyệt đối ủng hộ. Dịp Tết vừa qua, chúng ta cảm nhận rõ nhất sự thay đổi về nhận thức cũng như thói quen sử dụng rượu, bia rất có văn hóa.

Ưu tiên phòng chống dịch, nhưng không dừng kiểm tra nồng độ cồn

Người dân đã mời trà thay mời rượu, khi đó người mời rượu lại trở thành người khác lạ”, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong.

Tết lịch sử vì không có rượu, bia

Có thể nói chưa có một đạo luật, hay nghị định nào lại sớm đi vào cuộc sống nhanh và mạnh như Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng như Nghị định 100 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng, dịp Tết cổ truyền vừa qua là “Tết lịch sử” và rất văn minh, khi việc sử dụng rượu, bia đã được giảm xuống mức tối đa. Quan điểm của ông ra sao?

Qua theo dõi tình hình vào dịp Tết vừa qua, tôi cũng thấy việc triển khai Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100 của Chính phủ rất có tác dụng và sớm đi vào cuộc sống nhất.

Điều đó cho thấy, trách nhiệm của Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội trong quá trình làm luật này. Từ quá trình thảo luận, phản biện, thăm dò ý kiến đến khi đưa ra quyết định đều rất khó khăn. Chính phủ chuẩn bị rất công phu, còn Quốc hội đã phân tích, phản biện những cái được và không được, đồng thời đánh giá tác động rất khách quan, nghiêm túc.

Ngay từ đầu đã có nhiều người băn khoăn, liệu việc ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu bia có giống như Luật Phòng chống tác hại thuốc lá không? Nhiều người lo sợ luật không khả thi, rồi những tác động về kinh tế - xã hội, ngân sách, việc làm ra sao?...

Tất cả những băn khoăn lo ngại được đưa ra để Quốc hội cân nhắc, quyết định. Cuối cùng, để tạo bước chuyển biến trong quá trình làm luật, Quốc hội đã quyết định cứng rắn, dùng pháp luật để điều chỉnh hành vi. Điều đó vừa cho thấy vai trò của đại biểu, vừa là bài học kinh nghiệm rất tốt trong quá trình xây dựng luật.

Ông Phan Viết Lượng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Đáng lưu ý, sau khi Quốc hội ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Chính phủ cũng nhận định đúng tình hình, vào cuộc rất sớm, kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn và các cơ quan cũng vào cuộc rất đồng bộ. Đặc biệt, công tác tuyên truyền được triển khai rất hiệu quả khi việc thực hiện Nghị định 100 đúng vào dịp Tết cổ truyền. Đây cũng là một bài học quý giá trong triển khai thực hiện các dự án luật khác.

Cảm nhận của ông ra sao khi dịp Tết vừa qua, tỷ lệ người uống rượu, bia ở cả thành thị lẫn nông thôn đều giảm thiểu đáng kể?

Mặc dù đã áp dụng hình thức xử phạt rất nặng, rất nghiêm, có nhiều người bị xử phạt như vậy nhưng dư luận xã hội vẫn tuyệt đối ủng hộ. Dịp Tết vừa qua chúng ta cảm nhận rõ nhất điều đó. Ở khu vực thành thị đã vậy, ở nông thôn cũng có sự thay đổi rất lớn về nhận thức cũng như thói quen sử dụng rượu, bia. Người dân ứng xử với rượu, bia đã rất có văn hóa. Mọi năm, đến nhà nào cũng ép nhau uống, Tết năm nay họ không mời rượu nữa, thay vào đó là mời trà. Người mời rượu lại trở thành người khác lạ. Sự thay đổi về nhận thức này đã thành một nếp sinh hoạt, nét văn hóa rất hay, rất ý nghĩa, tạo sự chuyển biến rất rõ trong cuộc sống hằng ngày.

Nhiều người lâu nay tưởng chừng không bỏ được rượu, thậm chí còn lợi dụng ngày này, dịp kia để uống rượu, nhưng đợt Tết vừa qua chúng ta không còn thấy mấy ai làm chuyện đó. Điều này làm cho cuộc sống văn minh hơn rất nhiều. Khi tôi về quê, gặp một cụ bà khoảng 85 tuổi. Bà ấy nói với tôi rằng: “Chú ra Hà Nội nói với các bác lãnh đạo là Chủ tịch nước đã làm thêm một việc rất tốt cho xã hội. Chúng tôi gửi lời cảm ơn Chủ tịch nước”. Mấy lời cảm động của bà cụ chứng minh luật này rất thiết thực, hiệu quả, tác động trực tiếp đến đại đa số người dân.

Bên cạnh đó, luật và nghị định cũng làm giảm rất nhiều tình trạng hàng quán lấn chiếm vỉa hè, góp phần tạo thành nét văn minh mới. Rồi đối tượng chịu tác động của nghị định 100, như các chủ cửa hàng kinh doanh cũng chuẩn bị tái cơ cấu lại để chuyển hướng ngành nghề …

Nhưng nói như vậy không hẳn là không có những lo ngại trong quá trình thực thi nghị định 100, thưa ông?
 
Điều lo nhất hiện nay là việc thực thi có nghiêm không, lực lượng chức năng có triển khai đồng bộ, thường xuyên không? Nhiều người sợ hôm nay làm, ngày mai bỏ, rồi sợ không công khai, minh bạch; hay sự quyết liệt trong áp dụng mức phạt nặng biết đâu lại tạo ra một lợi thế cho một bộ phận thực thi pháp luật, từ đó xảy ra chung chi, tham nhũng vặt… Để khắc phục tình trạng này cần công khai, minh bạch và có giám sát thật hiệu quả. Phạt thế nào, thu từ đâu, cách thu thế nào phải rất minh bạch, công khai.

Đặc biệt, theo quy định mới đây, người dân có quyền giám sát lực lượng thực thi pháp luật và có quyền quay phim, chụp ảnh. Việc này sẽ rất tốt cho khâu giám sát, cần được phát huy. Ngành Công an cần nhận thức được trách nhiệm của mình và phải làm quyết liệt, liên tục theo tinh thần của luật. Các ngành khác cũng phải vào cuộc mạnh mẽ; nhân dân cần vào cuộc giám sát hiệu quả.

Cùng với đó, cũng đừng vì việc này mà gây ảnh hưởng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Một bộ phận bị tác động bởi chính sách có thể chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời nên có sự điều chỉnh chính sách sản xuất, chính sách thuế, tạo điều kiện cho họ chuyển đổi. Nhìn chung, các chính sách kinh tế phải thay đổi, quản lý phương tiện giao thông cũng phải thay đổi, rồi những chính sách đảm bảo quyền công dân cũng phải tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ. Đây là bài học sâu sắc của Quốc hội trong quá trình xây dựng, ban hành luật.

Pháp luật phải xuyên suốt 

Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình ra Quốc hội tới đây. Đáng lưu ý, dự thảo có đề xuất tăng mức phạt tối đa lên đến 75 triệu đồng trong lĩnh vực giao thông. Ông có ủng hộ phương án tăng mức phạt hành chính tối đa trong nhiều lĩnh vực, trong đó có giao thông?

Về xu hướng, quy định xử phạt hành chính đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Nhiều lĩnh vực đang quy định mức phạt rất nhẹ, không đảm bảo tính răn đe. Trước đây chúng ta đưa ra mức phạt rất nhân văn, chủ yếu mang tính giáo dục là chính, còn trừng trị, quyết liệt ngăn chặn thì chưa thể hiện đầy đủ. Quan điểm đó đến thời điểm này không còn phù hợp, trong một số lĩnh vực cần quy định phạt nặng, nếu không sẽ nhờn luật. Đặc biệt những lĩnh vực liên quan sức khỏe con người, liên quan trật tự, an toàn xã hội, quyền con người…thì phải chú ý nâng hình phạt lên.

Thế nhưng hình phạt nâng lên đó phải đi kèm với điều kiện thực thi phải đảm bảo hơn nữa. Hình phạt nặng mà thực hiện nghiêm, đúng thì chắc chắn người dân sẽ ủng hộ. Mặc dù vậy, trong quá trình xử phạt, người thực thi thường linh hoạt, họ sẽ lựa chọn khung hình phạt và ít trường hợp áp dụng khung cao nhất, nếu có cũng chỉ áp dụng trong trường hợp nghiêm trọng, cố tình vi phạm nên cần mạnh tay.

Theo quan điểm của tôi, cần có thay đổi trong xử phạt vi phạm hành chính, vừa giáo dục nhưng cũng phải nghiêm minh để răn đe, trừng trị những người cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng trật tự an toàn xã hội, ảnh hương đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Trước tìh hình dịch viêm phổi cấp do virus corona, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại việc thổi nồng độ cồn dễ dẫn đến lây nhiễm. Theo ông có nên “nới tay”, tạm dừng kiểm tra  hay tiếp tục kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trong trường hợp này?

Quan điểm dịch bệnh nguy cấp bao giờ cũng có việc lựa chọn ưu tiên khẩn cấp. Tuy nhiên, đừng vì công tác phòng, chống dịch mà làm ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật, bởi vì luật là xuyên suốt, là thường xuyên và không thể đứt quãng. Chính vì vậy, ngành y tế họ đưa khuyến cáo, đưa ra các giải pháp phòng ngừa virus corona, chứ không ai khuyến cáo dừng cả.

Điều quan trọng là phải có các giải pháp phòng chống dịch lây lan, ưu tiên chống dịch nhưng pháp luật vẫn thực thi. Chính vì vậy, trong quá trình kiểm tra nồng độ cồn, phải áp dụng các giải pháp phòng ngừa theo khuyến cáo, như khử trùng ống thổi, đeo khẩu trang, găng tay… Như vậy vừa giúp phòng ngừa dịch corona, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo việc thực thi pháp luật thông suốt, đồng bộ.

Cảm ơn ông!

*Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thoi-quen-su-dung-ruou-bia-cua-nguoi-viet-da-thay-doi-ro-ret-d116976.html