Thủ phạm vụ thảm sát tại New Zealand: Những chuyến đi thay đổi cuộc đời kẻ thủ ác

02/04/2019 09:46

Kinhte&Xahoi Brenton Tarrant, 28 tuổi, cướp đi sinh mạng của 49 người đang cầu nguyện trong nhà thờ Hồi giáo al Noor ngày 15/3. Anh ta bị buộc tội giết người và sẽ phải đối mặt với nhiều cáo buộc khác khi cuộc điều tra của cảnh sát có thêm kết quả

Quá khích qua những chuyến đi?

Người đàn ông này lớn lên tại New South Wales (Australia) có cha là nhân viên thu gom rác và mẹ làm giáo viên tiếng Anh. Năm 2010, ông Rodney, cha của Tarrant, qua đời ở tuổi 49 vì bệnh tật. Trong vòng một năm sau đó, Tarrant bỏ việc, đầu tư vào bitcoin với ước mơ đi vòng quanh thế giới. Năm 2013, Tarrant rời khỏi Australia và bắt đầu đăng tin tìm xe tải trên một diễn đàn du lịch.
Hai cô gái an ủi nhau trong lễ cầu nguyện ở Christchurch ngày 18/3.

"Tôi đang tìm một chiếc xe tải từ 2 - 9/7, sẵn sàng bay đến bất kỳ thành phố nào tại Australia để mua xe và trả tiền mặt, thanh toán thẻ debit trực tiếp hoặc viết séc", Tarrant viết.

Chuyến phượt của Tarrant có thể khởi đầu từ New Zealand, trước khi đối tượng tới Đông Nam Á, Trung Quốc, và sang Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan. Ngoài ra, Tarrant cũng đến châu Âu, thực hiện chuyến đi xuyên Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp.

Tarrant từng chia sẻ nhiều bức ảnh chụp tại Pakistan vào tháng 10/2018. "Xin chào, tôi là Brenton Tarrant và tôi đang đến Pakistan lần đầu tiên. Pakistan là một nơi tuyệt vời với những con người tốt bụng, mến khách nhất thế giới, còn vẻ đẹp của thung lũng Hunza và Nagar vào thu không đâu sánh bằng.

Tiếc thay, nhiều du khách lại tìm đến những quốc gia khác vì thủ tục xin visa Pakistan không thuận tiện. Hy vọng, trong tương lai gần, chính phủ sẽ tạo ra những thay đổi cần thiết để ngày càng nhiều người trên thế giới tới đây, tận hưởng vẻ đẹp của Pakistan", Tarrant viết.

Isar Ahmed, chủ khách sạn tại thung lũng Nagar, xác nhận rằng Tarrant từng nghỉ tại cơ sở lưu trú này từ 22-24/10 năm ngoái. Tarrant tới đây một mình. Ông Amed nhận định Tarrant là một vị khách khiêm nhường và bất ngờ trước vụ thảm sát Tarrant gây ra tại New Zealand. Tracey Gray, quản lý cũ của Tarrant tại phòng thể hình Big River, tin rằng chuyến đi bảy năm này đã biến đổi con người Tarrant. Tarrant đảm nhận vị trí huấn luyện viên thể hình từ năm 2009 tới 2011, chủ yếu làm việc với các khách hàng nhí.

"Anh ta từng làm trong ngành công nghiệp thể hình, một môi trường để giúp đỡ mọi người. Chúng tôi hỗ trợ tất cả khách hàng với đủ hạng cân nặng, đa dạng hình thể. Vì vậy, tôi nghĩ chuyện gì đó đã thực sự xảy ra trong những chuyến đi của con người này. Anh ấy chưa bao giờ thể hiện thái độ cực đoan trong những cuộc trò chuyện với tôi", Gray nói.

Gray cho biết Tarrant đã chia sẻ những kế hoạch của mình trước khi nghỉ việc: "Anh ta không nêu điểm đến cụ thể nào. Tôi hiểu rằng Tarrant muốn nhìn ngắm thế giới, tới càng nhiều nơi càng tốt. Anh ta chỉ muốn có thật nhiều trải nghiệm khác nhau".

Gray thực lòng không thể tin rằng một người cô từng trò chuyện và tiếp xúc hàng ngày lại có khả năng gây ra chuyện kinh khủng đến vậy. Bạn bè cũ của Tarrant cũng phỏng đoán rằng người đàn ông này đã trở nên quá khích qua những chuyến đi.

Trong bản tuyên bố dài 74 trang trước khi tiến hành vụ xả súng, Tarrant đã mô tả quá trình chuẩn bị từ chuyến đi châu Âu năm 2017. Anh ta tỏ ra tôn thờ chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng, và gọi những người da màu là "kẻ xâm lăng".

"Tại mỗi thành phố, thị trấn ở Pháp, đều có những kẻ xâm lăng. Dù tôi đi tới bất cứ đâu, thăm những cộng đồng dân cư nhỏ tới mức nào, những kẻ xâm lăng luôn ở đó. Cứ mỗi một người đàn ông hay phụ nữ Pháp ở đó, những kẻ xâm lăng đông gấp đôi. Tôi đã thấy đủ, đầy tức giận, tôi lái xe khỏi thị trấn và không chấp nhận lưu lại lâu hơn chút nào tại nơi bị nguyền rủa ấy, tôi hướng thẳng tới một thị trấn khác".

Những vụ tấn công tại châu Âu có thể đã khiến Tarrant ám ảnh, đặc biệt trước cái chết của Ebba Akerlund, cô bé 11 tuổi là một trong năm nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố ở Stokholm (Thuỵ Điển) vào năm 2017.

“Tuyên ngôn” của Tarrant còn nhắc đến những chuyến thăm Ba Lan, Ukraine, Iceland và Argentina. Dường như người đàn ông này ngày càng quan tâm tới chính trị Mỹ. Những gì Tarrant trải nghiệm tại từng điểm đến sẽ chiếm một phần quan trọng trong cuộc điều tra chống khủng bố về tính cách và quá khứ của Tarrant.

"Vì sao chuyện này có thể xảy ra ở New Zealand?"

Hành động của Tarrant đã gây ra không chỉ những hậu quả thảm khốc, mà còn là những sự bất ngờ. "Vì sao chuyện này có thể xảy ra ở New Zealand?", đó là câu hỏi được thắc mắc trên toàn thế giới sau vụ xả súng đối tượng gây ra. Cảnh sát nói rằng đây là cuộc tấn công chưa có tiền lệ, Thủ tướng New Zealand gọi đây là một trong những ngày đen tối nhất của đất nước.

New Zealand nổi tiếng là đất nước an toàn. Năm 2018, họ đứng thứ hai về Chỉ số Yên bình Toàn cầu 2018, chỉ sau Iceland. Chỉ số này được tính toán dựa vào mức độ tội phạm, nguy cơ khủng bố, mức ổn định chính trị và số lượng các cuộc chiến tranh đã tham gia. Cảnh sát ở New Zealand không thường xuyên mang súng.

Có rất ít vụ giết người ở đây, chỉ 35 vụ vào năm 2017, so với hơn 17.200 vụ ở Mỹ. Các vụ giết người liên quan đến súng càng hiếm hơn. Kể từ năm 2007, mỗi năm New Zealand có chưa đến 10 trường hợp như vậy, trừ năm 2009 có 11 vụ. Gần 5 triệu người New Zealand sở hữu hợp pháp khoảng 1,2 triệu khẩu súng.

Giấy phép được cảnh sát cấp sau khi kiểm tra lý lịch và huấn luyện sử dụng an toàn. Tuy nhiên, súng hiếm khi được nhìn thấy ở nơi công cộng. "Bố tôi gặp mẹ tôi, cô gái người New Zealand, khi ông là lính thủy đánh bộ bảo vệ sứ quán Mỹ tại Wellington. Tôi từng nói đùa rằng nhiệm vụ đó được coi là nguy hiểm tại một trong những quốc gia thanh bình nhất trên trái đất", tác giả Karina Bland viết trong bài viết bày tỏ nỗi ngạc nhiên khi vụ khủng bố nghiêm trọng xảy ra ở New Zealand. Không chỉ thanh bình, New Zealand còn nổi tiếng là có nền chính trị trong sạch.

Năm 2017, nước này là quốc gia ít tham nhũng nhất thế giới, theo bảng xếp hạng Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Năm 2018, nước này tụt xuống vị trí thứ hai, sau Đan Mạch. Các năm trước đó, New Zealand luôn nằm trong top đầu. Có khoảng 60.000 người Hồi giáo ở New Zealand, tức khoảng 1% dân số.

Đất nước này có 200 dân tộc và 160 ngôn ngữ. Hầu hết các nạn nhân vụ khủng bố ngày 15/3 đến là từ các đảo ở Fiji, nhưng cũng có người Afghanistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Somalia. Đối với Ahmed Tani, người đến Christchurch tị nạn vào năm 1999 để chạy trốn khỏi cuộc nội chiến ở Somalia, thành phố New Zealand này là một nơi trú ẩn an toàn.

Cảm giác yên bình đó bị lung lay lần đầu tiên vào trưa ngày 22/2/2011, khi một trận động đất mạnh 6,3 độ richter làm sụp đổ nhiều tòa nhà ở trung tâm Christchurch. Nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, 185 người thiệt mạng.

Trận động đất để lại hậu quả nặng nề. Nhà thờ Anh giáo mang tính biểu tượng bị sụp đổ một phần. Các em học sinh sống sót qua trận động đất gặp nhiền vấn đề tâm lý hơn so với các bạn đồng trang lứa ở nơi khác trên đất nước. Christchurch dần dần xây dựng lại sau bi kịch. Các tòa nhà mới mọc lên thay thế cho những đống đổ nát. Cộng đồng gắn bó với nhau hơn.

Trong những tuần sau khi trận động đất xảy ra, những người không quen biết nhau đôi khi ôm nhau và hỏi thăm: "Bạn có ổn không?". Christchurch lại một lần nữa hứng chịu nỗi đau với vụ xả súng ngày 15/3. Động cơ của Tarrant phản ánh vấn đề đang nổi lên ở Christchurch trong những năm gần đây: Sự trỗi dậy của một số nhóm theo chủ nghĩa cực đoan.

Tác giả Alexandra Nelson nhận xét rằng sau vụ tấn công này, New Zealand cần phải chú ý nhiều hơn đến các vấn đề phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng. Christchurch giờ đây đối mặt với nhiệm vụ khôi phục lại niềm tin vào cộng đồng và an ninh.

Thị trưởng Christchurch Lianne Dalziel cho biết mọi người trong thành phố sẽ đoàn kết để cùng nhau vượt qua thảm kịch. "Đó là những gì đã giúp chúng tôi vượt qua trận động đất", bà Dalziel nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường chào đón mọi người từ tất cả quốc gia, tất cả tôn giáo, tất cả nền văn hóa đến thành phố của chúng tôi".

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM