Thu phí tự động không dừng: Các tuyến cao tốc trên toàn quốc đã sẵn sàng

30/07/2022 16:34

Kinhte&Xahoi Từ ngày 1/8/2022, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC). Đây là hình thức thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Do đó, chủ phương tiện không cần dừng xe lại trả tiền mà vẫn có thể đi qua trạm thu phí.

VEC sẵn sàng thu phí không dừng từ 1/8

 Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/8, toàn bộ các tuyến cao tốc trên cả nước sẽ phải áp dụng dịch vụ thu phí không dừng. Sau hơn 1 tháng ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ, mới đây, dịch vụ thu phí không dừng đã chính thức được Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vận hành.

Theo đó, tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đã chính thức áp dụng thu phí không dừng, về đích trước hạn so với yêu cầu của Chính phủ. Tiếp đó, các tuyến còn lại của VEC là Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng sẽ hoàn thành trước mốc 1/8.

Đây được cho là nỗ lực không nhỏ trong việc tháo gỡ những vướng mắc về vốn để hoàn thành dự án, đảm bảo mục tiêu minh bạch quá trình thu phí.

Từ ngày 1/8/2022, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc sẽ triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC)

Thông tin về tiến độ triển khai các dự án, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết: “Hàng tuần, hàng tháng chúng tôi đều có cuộc họp kiểm điểm tiến độ và ghi nhận mọi tiến độ ở công trường của đơn vị lắp đặt. Đến thời điểm này, chúng tôi đã thông được Cầu Giẽ - Ninh Bình, các dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây đều sẵn sàng và tổ chức thu trước hạn và đến dự án cuối cùng là Nội Bài - Lào Cai sẽ tổ chức thu đúng ngày 1/8".

Chỉ mất hơn 1 tháng cho việc lắp đặt và đưa vào sử dụng, theo đại diện VEC, nhà thầu cung cấp dịch vụ đã phải vận chuyển trang thiết bị bằng đường hàng không và chịu mọi chi phí phát sinh.

Đồng hành cùng VEC trong việc lắp đặt và triển khai hệ thống thu phí không dừng, ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH thu phí tự động VETC, cho biết: Khi triển khai 4 tuyến cao tốc của VEC, VETC còn cải tiến để nhanh hơn. Chúng ta đã có kinh nghiệm triển khai 7 năm để tốc độ triển khai nhanh hơn. Đó là lợi thế của VETC.

“Hiện, VETC đã triển khai các điểm dán thẻ miễn phí trên 4 tuyến cao tốc, trung bình mỗi ngày công ty dán được 3.000-4.000 xe. Chủ phương tiện không đủ điều kiện lỡ đi vào cao tốc sẽ được dán thẻ và nạp tiền ngay tại trạm thu phí”, ông Vinh cho hay.

Hiện, VETC đã triển khai các điểm dán thẻ miễn phí trên 4 tuyến cao tốc, trung bình mỗi ngày công ty dán được 3.000-4.000 xe

VETC cũng đã huy động hàng trăm nhân viên bao gồm của VETC, VEC và nhà đầu tư BOT để phân làn, phân luồng, ứng trực xử lý kịp thời các tình huống sự cố lỗi thẻ, hỗ trợ phương tiện nạp tiền vào tài khoản, nhất là tại các trạm có lưu lượng xe lớn.

Ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cũng cho biết thêm: 3 trạm thu phí trên tuyến Cầu Giẽ - Ninh Bình với 28 làn hiện đã đạt được gần 80% lượng phương tiện dán thẻ. Với sự kiên quyết vào cuộc của nhiều lực lượng, tỉ lệ phương tiện dán thẻ và sử dụng dịch vụ đạt 90% là không khó.

Cũng theo lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, việc áp dụng thu phí không dừng sẽ không tăng thêm chi phí so với hình thức thu phí thủ công.

Chuẩn bị sẵn sàng các phương án

 Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho hay, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho việc triển khai thu phí ETC trên toàn quốc từ ngày 1/8. Rất nhiều cuộc hội thảo giữa Cục Cảnh sát giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã diễn ra để tìm giải pháp tốt nhất giải quyết những tình huống trong quá trình thực hiện.

Cục Cảnh sát giao thông cũng đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, công an các địa phương có phương án phân luồng từ xa. Khi ở trạm thu phí này có sự cố, thì đồng thời các địa phương khác đều phải có phương án giải tỏa thống nhất dưới sự chỉ đạo tập trung của Cục Cảnh sát giao thông.

Sau gần hai tháng đưa vào hoạt động, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng luôn đảm bảo lưu thông an toàn, thông suốt

Đáng lưu ý, trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, không những xây dựng phương án trên văn bản mà cả triển khai trên thực tiễn, huy động chính quyền các cấp và lực lượng công an cơ sở. Chính vì vậy, thời gian vừa qua, những sự cố về mất an ninh trật tự, khiếu nại từ người dân hoặc những sự cố gây tắc đường đều được xử lý bài bản, đáp ứng được yêu cầu về bảo đảm an toàn giao thông thông suốt.

Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, đầu vào tổ chức 4 làn, đầu ra 2 làn đường nên chưa phù hợp. Cục Cảnh sát giao thông đã kiến nghị các đơn vị quản lý của ngành Giao thông Vận tải cũng như đơn vị thu phí tổ chức sao cho hợp lý và thông thoáng nhất. Nhiều camera cũng đã được lắp đặt, trên cơ sở đó xử phạt các phương tiện có hành vi vi phạm.

Trực tiếp kiểm tra tại nhiều tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, việc lắp đặt công nghệ thu phí đường bộ không dừng đến thời điểm này đã đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ.

“Chúng tôi phấn đấu đến ngày 1/8 này, sẽ áp dụng công nghệ thu phí đường bộ không dừng ở tất cả các tuyến đường trên toàn quốc vì thế tất cả các phương tiện đi vào đường cao tốc phải đủ các điều kiện. Trường hợp không đáp ứng được thì các chủ phương tiện có thể lựa chọn, vì các đường cao tốc hiện nay đều có đường song hành, ví dụ như cao tốc phía Đông có Quốc lộ 1A, tuyến Hà Nội - Hải Phòng có tuyến đường 5…”, ông Lê Đình Thọ nói.

Hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại

Cũng theo ông Lê Đình Thọ, riêng với các tuyến đường quốc lộ đang đầu tư, nâng cấp theo BOT, có áp dụng thu phí không dừng, nhưng vẫn dành một làn hỗn hợp để xử lý một số trường hợp chưa đủ điều kiện.

Tính toán của các chuyên gia kinh tế, việc áp dụng hệ thống thu phí ETC sẽ tiết giảm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng/năm. Bên cạnh những lợi ích có thể đo đếm được, việc đưa hệ thống thu phí ETC vào khai thác cũng đưa đến những lợi ích gián tiếp như: Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, tăng tuổi thọ động cơ cho chủ phương tiện, tiết kiệm chi phí bảo trì đường bộ cho chủ đầu tư, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa trên đường và góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về giảm thanh toán bằng tiền mặt…

Đặc biệt, hệ thống ETC có thể giúp Nhà nước, nhà đầu tư quản lý được các phương tiện tham gia giao thông trên cả nước, từ đó có thể thực hiện được nhiều chính sách quản lý hiện đại…

 Cách thức nạp tiền cho tài khoản giao thông

Để lưu thông trên tuyến cao tốc thu phí tự động, các tài xế còn phải nộp tiền vào tài khoản thu phí. Theo đó, chủ xe có thể nạp tiền tại các điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ ETC, chuyển khoản ngân hàng, nộp tiền vào ứng dụng, hoặc trên website, hoặc thanh toán qua app Momo, ViettelPay.

VETC đã liên thông với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, MB và Agribank. Nếu doanh nghiệp, chủ phương tiện có tài khoản ngân hàng nêu trên, tài khoản này sẽ được liên thông với tài khoản VETC và được nạp tiền tự động, không mất phí.

Chủ phương tiện không cần nạp tiền, mà chỉ cần duy trì số dư tối thiểu. Khi số dư trong tài khoản giao thông nhỏ hơn hoặc bằng số tiền mà khách hàng đăng ký, các ngân hàng sẽ tự động chuyển từ tài khoản cá nhân vào tài khoản VETC theo định mức mà khách hàng đã chọn. Khi đó, chủ phương tiện không cần duy trì số dư trong tài khoản giao thông.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-phi-tu-dong-khong-dung-cac-tuyen-cao-toc-tren-toan-quoc-da-san-sang-202286.html