Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch

26/06/2022 15:00

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng, minh bạch và công khai để các nhà đầu tư tới Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư 2022 tại Đà Nẵng

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, trước 600 đại biểu (Doanh nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ cam kết mạnh mẽ về xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng và minh bạch.

Tại sao nên đầu tư vào Việt Nam và Đà Nẵng?

Theo Thủ tướng, Việt Nam là nước đang phát triển, đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mọi người dân, doanh nghiệp phải hoạt động theo luật pháp và được luật pháp bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng một cách tốt nhất; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa để phát huy tối đa năng lực của tất cả mọi người, mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư cho sự phát triển.

Việt Nam xác định con người là trung tâm, là chủ thể vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, đạo đức, tài năng và phẩm chất của con người để thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng nhấn mạnh: Việt Nam xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, đặc biệt chú trọng đến tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Không "hy sinh" tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trải qua rất nhiều năm chiến tranh, Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, Việt Nam không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải.

Đồng thời, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất, hiệu quả; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ phải dựa trên nền tảng bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, ổn định chính trị, an ninh, an toàn, an dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022

Theo Thủ tướng, Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, với quy mô xuất nhập khẩu khoảng gấp đôi GDP của cả nước, trong bối cảnh hiện nay, việc phải đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng là hết sức quan trọng và Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Thủ tướng cho rằng, chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể ứng phó, chống chọi được với những biến động của tình hình, những cú sốc từ bên ngoài và giữ được lòng tin, sự yên tâm của các nhà đầu tư.

Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới bởi sau các cuộc chiến tranh và 35 năm đổi mới, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, hạ tầng và thể chế.

“Chúng tôi biết sức mạnh của mình ở đâu để phát huy và nhân lên và cũng biết chỗ yếu của mình ở đâu để cùng nhau và cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp kịp thời khắc phục”, Thủ tướng chia sẻ.

UBND thành phố Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Chấp thuận chủ trương đầu tư...cho các nhà đầu tư

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng cho biết, nhờ cách tiếp cận đúng đắn và những giải pháp phù hợp Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn khi thiếu thuốc, vaccine, năng lực y tế hạn chế nhưng đã kiểm soát được dịch bệnh thành công trên phạm vi cả nước, chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tự tin mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh hết sức khó khăn, chịu tác động mạnh từ tình hình thế giới, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, đời sống người dân được cải thiện tích cực hơn, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Theo dữ liệu mà Nikkei công bố cho tháng 5/2022, Việt Nam tăng 48 bậc lên vị trí thứ 14 trên thế giới về Chỉ số Phục hồi COVID-19. S&P Global Ratings nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng "Ổn định".

Bên cạnh đó, Việt Nam đang đẩy mạnh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó chưa bao giờ việc xây dựng các tuyến đường cao tốc được triển khai mạnh mẽ như hiện nay. Cùng với đó, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đang được triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Các nhà đầu tư đi thực địa tại các dự án trọng điểm của TP Đà Nẵng (Ảnh: PV)

Nên đầu tư vào lĩnh vực nào tại Việt Nam và Đà Nẵng?

Các thông tin từ Diễn đàn đầu tư tại Đà Nẵng 2022 đã phân tích rất rõ về những tiềm năng, lợi thế, cơ hội của địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trong những năm qua sau khi chia tách khỏi tỉnh Quảng Nam.

“Thành phố đã và đang “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể. Đó chính là điểm mạnh nhất của Đà Nẵng. Ai tới Đà Nẵng thời điểm khi chia tách tỉnh và thời điểm này thì mới thấy sự khác biệt”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu ra một số lĩnh vực mà Việt Nam và Đà Nẵng đang ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài như: công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp dược, trang thiết bị y tế, các ngành công nghiệp nền tảng như chế biến chế tạo, vật liệu, các ngành đổi mới, sáng tạo, phát triển thị trường vốn…

Một góc Dự án Khu công nghệ cao tại Đà nẵng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm: “không hình sự hóa quan hệ kinh tế - dân sự, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm nhưng đồng thời bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chân chính trên thị trường vốn, thị trường bất động sản…Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhưng chưa thể bao phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị, đề xuất với các cơ quan, các cấp có thẩm quyền để hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách.

Chính quyền địa phương làm gì để thu hút doanh nghiệp?

Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng yêu cầu Đà Nẵng tiếp tục phát huy mạnh mẽ những kết quả đã đạt được, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Các cấp, các ngành phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, đặc biệt là đẩy mạnh, tích cực hơn nữa trong cải cách thủ tục hành chính với doanh nghiệp và người dân.

Tại Diễn đàn, TP Đà Nẵng sẽ công bố thông tin về tiến độ lập quy hoạch phân khu theo Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam và Đà Nẵng trên tinh thần “chân thành, tin cậy và trách nhiệm”, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, cùng Việt Nam hoàn thiện cơ chế, chính sách, huy động tối đa mọi nguồn lực, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra tới năm 2025, 2030, 2045; xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Cũng tại buổi diễn đàn xúc tiến đầu tư này, UBND thành phố Đà Nẵng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; chủ trương nghiên cứu đầu tư; thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án và thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 27 dự án trong và nước ngoài. Đồng thời, khen thưởng cho 11 doanh nghiệp, tổ chức có đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố trong thời gian qua.

N.Dương - Hồng Quảng - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đông Anh (Hà Nội): Bắt đối tượng trốn 2 lệnh truy nã, trộm 93 điện thoại

Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh, TP Hà Nội cho biết, đơn vị vừa bắt khẩn cấp các đối tượng Nguyễn Nam Trường (SN 2003, ở phường Vân Dương, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh); Nguyễn Văn Sự (SN 2003, ở huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) và Phạm Khắc Anh Tuấn (SN 1984, ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) về hành vi trộm cắp tài sản, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/xay-dung-moi-truong-dau-tu-lanh-manh-binh-dang-va-minh-bach-199569.html