Thủ tướng yêu cầu xem xét kỹ lưỡng về điện mặt trời, điện LNG trong Quy hoạch điện VIII

13/06/2022 06:55

Kinhte&Xahoi Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Bộ Công thương làm rõ việc không phát triển điện mặt trời đến năm 2030 có trái Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị hay không.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chỉ đạo liên quan đến một số vấn đề trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông đã đọc tờ trình ngày 3/6/2022 của Văn phòng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch điện VIII trên cơ sở tờ trình của Bộ Công thương.

Ảnh minh họa

Theo Thủ tướng, dự thảo Quy hoạch điện VIII lần này được chuẩn bị tương đối công phu, cơ bản đã bám sát tỉnh thần chỉ đạo tại Thông báo Kết luận số 92/TB-VPCP ngày 31/3/2022 của Thường trực Chính phủ.

Trong đó, Bộ Công thương đã xây dựng quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ theo 2 kịch bản gồm kịch bản cơ sở và kịch bản cao (hướng đến Zero Carbon 2050).

Về góc độ quản lý ngành, Bộ Công thương đã lựa chọn kịch bản cao. Theo đó, tổng công suất lắp đặt đến 2030 (không tính điện mặt trời mái nhà, nguồn đồng phát (tự cung tự cấp)) là 145.930MW.

Trong đó, điện than là 37.467MW, chiếm 25,7%; Thủy điện 28.946MW, chiếm 19,8%; LNG nhập khẩu 23.900MW, chiếm 16.4%; (4) Nguồn tuabin sử dựng khí khai thác trong nước 14.930MW, chiếm 10,2%; Điện gió trên bờ 16.121MW, chiếm 11%; Điện gió ngoài khơi 7.000MW, chiếm 4,8%; Điện mặt trời quy mô lớn 8.736MW, chiếm 6%; Nguồn khác (sinh khối, thủy điện tích năng, pin kưu trữ, hydrogen...) 3.830MW, chiếm 2,8%; Nhập khẩu điện 5.000MW, chiếm 3,4%.

Cơ cấu này hướng đến giảm mạnh điện than, tăng mạnh điện gió trên bờ và ngoài khơi; Không phát triển điện mặt trời: Phát triển LNG để thay thế nguồn điện than ô nhiễm và nguồn thủy điện tới hạn.

Người đứng đầu Chính phủ cơ bản đồng ý đưa nội dung về Quy hoạch điện VIII ra họp Thường trực Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Việc này để sớm ban hành quy hoạch này trong tháng 6.

Tuy nhiên, trước khi họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Công thương làm rõ được tính khả thi của quy hoạch, trong đó quan trọng nhất là từ nay đến năm 2030 phải đảm bảo cân đối được điện cho nhu cầu sử dụng điện, nhất quyết không được để thiếu điện.

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong 10 năm (2021 - 2030) sẽ không phát triển thêm điện mặt trời, giữ nguyên như hiện tại là 8.736MW. Còn lại số dự án đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất 6.200MW thì giãn tiến độ tới sau 2030.

Tuy nhiên, cuối tháng 5/2022, Bộ Công thương đã có văn bản xin ý kiến về hướng xử lý với số dự án điện mặt trời phải giãn tiến độ đến sau 2030. Theo đó, số dự án này được chia thành hai phần gồm: 1.925MW đã có trong Quy hoạch điện VII mở rộng đã được chấp thuận đầu tư và 4.120MW dự án điện mặt trời có trong Quy hoạch điện VII mở rộng nhưng chưa được chấp thuận đầu tư.

Đề nghị này khác với các báo cáo trước đây của Bộ Công thương, nên Thủ tướng yêu cầu cơ quan này có quan điểm rõ ràng về đề xuất hướng xử lý 6.200MW dự án điện mặt trời trên trước khi xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương cũng cần làm rõ việc không phát triển điện mặt trời đến năm 2030 có trái Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị không và với xu thế giá thành điện mặt trời ngày càng giảm, công nghệ pin tích năng phát triển với chi phí hợp lý hơn thì việc không phát triển điện mặt trời đã thực sự hợp lý chưa?

Về quy hoạch điện khí LNG nhập khẩu, Bộ Công thương được yêu cầu xem xét kỹ lưỡng tính khả thi và hiệu quả của phát triển điện khí LNG đến 2030. Hiện, dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra phương án phát triển loại năng lượng này đến 2030 là 23.900MW, chiếm 16,4% tổng nguồn điện.

Theo lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công thương đã giải thích tương đối khả thi với các số liệu tính toán đưa ra việc quy hoạch nguồn điện khí là phù hợp. Tuy nhiên, theo tính toán của bộ này, nhu cầu cần nhập khẩu LNG như dự thảo Quy hoạch điện VIII sẽ là khoảng 14 - 18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13 - 16 tỷ m3 vào 2045, cao hơn mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nêu là "Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng LNG khoảng 8 tỷ m3 vào 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào 2045".

Mặt khác, do cuộc chiến tranh Nga - Ukraina, giá đầu vào khí LNG nhập khẩu dao động trong phạm vi 15 - 20 cent/kw, trong khi giá điện thương phẩm của ta hiện chỉ 6 - 7 cent/kw là trở ngại trong tương lai đối với việc ký kết các hợp đồng mua bán điện PPA giữa chủ đầu tư và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vì sẽ phải phải mua đắt bán rẻ.

Cùng với đó, việc phụ thuộc đến 16,4% vào nguồn khí LNG nhập khẩu vào năm 2030 sẽ đặt chúng ta vào rủi ro nhập khẩu giá khí cao khi có sự biến động địa chính trị trong khu vực và quốc tế từ nay đến 2030.

Ngoài ra, LNG bản chất vẫn là năng lượng hóa thạch, chỉ giảm phát CO2 50% so với nhiệt điện than. Đồng thời, theo xu thế của Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), các định chế tài chính sau 2025 sẽ có xu hướng ngưng tài trợ cho các dự án điện khí LNG.

Vì vậy, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương cần cân nhắc, xem xét thận trọng tỷ lệ điện khí LNG nhập khẩu đến 16,4% vào năm 2030 có khả thi và an toàn hay không và có trái với tinh thần Nghị quyết 55 hay không?

Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thu-tuong-yeu-cau-xem-xet-ky-luong-ve-dien-mat-troi-dien-lng-trong-quy-hoach-dien-viii-198606.html