Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ TKS Prosteta S+ đang quảng cáo lừa dối người tiêu dùng?

27/08/2019 08:40

Kinhte&Xahoi Dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, nhưng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) TKS Prosteta S+ do Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô chịu trách nhiệm phân phối (MST: 0107653562. Địa chỉ: Số 66, phố Đốc Ngữ, Phường Vĩnh Phúc, Quận Ba Đình, Hà Nội) lại được quảng cáo như “thần dược” chữa bệnh phì đại tuyến tiền liệt, khiến người tiêu dùng nhẫm lẫn là thuốc chữa bệnh.

Sản phẩm TKS Prosteta S+ được quảng cáo nổ công dụng như thuốc chữa bệnh?

Thực phẩm BVSK TKS Prosteta S+ hiệu quả hơn cả điều trị ở bệnh viện Bạch Mai?

Tại website có địa chỉ tksprosteta.com được cho là của Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô tại chuyên mục khách hành chia sẻ có đăng tải bài viết với tiêu đề “Đồng hành cùng người chiến sĩ 61 tuổi ở Hưng Yên đẩy lùi Phì đại tuyến tiền liệt”. Bài viết kể về câu chuyện của một người đàn ông tên Trần Thoa, 61 tuổi, ngụ tại số 134 đường Lê Lai, phường Lê Lợi, Tp Hưng Yên.

Người này phát hiện bị Phì đại tuyến tiền liệt từ hơn chục năm trước sau khi đi khám tổng thể ở bệnh viện Bạch Mai. Ông Thoa đã điều trị theo lời của bác sĩ ở bệnh viện (dùng Tây y), nhưng hiệu quả không cao. Sau đó, ông Thoa chuyển sang uống Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ TKS Prosteta S+, chỉ sau 3 tháng sử dụng sản phẩm, vấn đề tiểu đêm của ông đã hoàn toàn chấm dứt.

Nội dung quảng cáo trên web: tksprosteta.com, nói về ông Thoa sau khi dùng 3 tháng TKS thì khỏi hoàn toàn phì đại tiền tuyến liệt.

Nội dung quảng cáo nói trên không những khiến người bệnh nghi ngờ khả năng chữa bệnh của bệnh viện và bác sĩ, mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về luật quảng cáo. Đồng thời, khiến người bệnh hiểu nhầm tác dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ lại có khả năng thay thế thuốc chữa bệnh.

Quảng cáo sai phép đã rõ ràng nhưng chưa bị xử lý?

Theo giấy xác nhận nội dung quảng cáo số 00462/2017/ATTP-XNQC sản phẩm TKS Prosteta S +, do Cục An toàn thực phẩm cấp cho Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô, thì công dụng của sản phẩm chỉ là hỗ trợ giảm phì đại tiền tuyến, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu đêm... Thế nhưng, trái với những nội dung đã được cấp phép quảng cáo, thì sản phẩm này lại được “hô biến” thành thuốc điều trị có thể chữa dứt điểm bệnh lý liên quan đến tuyến tiền liệt, có khả năng thay thế thuốc chữa bệnh.

Không những thế, nội dung quảng cáo sản phẩm TPBVSK TKS Prosteta S+ còn nổi bật lên với 3 ưu điểm được cho là “hiếm có - khó tìm” là: “Kết quả sau 3 tháng xử lý cho những trường hợp bị Phì đại tuyến tiền liệt và bị suy giảm ham muốn: 90% người bệnh cảm thấy sự giảm đi rõ rệt của tiểu khó, tiểu đêm, tiểu nhiều lần… sau 10-15 ngày đầu sử dụng; Chấm dứt tình trạng tiểu lâu, tiểu khó sau 1 tháng sử dụng; Sau 3 tháng thì cuộc sống quay trở lại bình thường, hết hẳn tiểu đêm tiểu nhiều lần và hài lòng với chuyện chăn gối”. Thậm chí sản phẩm còn có tác dụng “tăng cường sinh lý phái mạnh, Ức chế sự phát triển tế bào, u, bướu, tiêu mủ”.

Quảng cáo trên web: tksprosteta.com, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh.

Việc quảng cáo thực phẩm chức năng thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh là hành vi gian dối, đánh lừa người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng lầm tưởng TPBVSK có tác dụng chữa khỏi bệnh, làm gián đoạn quá trình điều trị bệnh của người bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ và tính mạng của người bệnh.

Liên quan đến những sai phạm nói trên của Công ty TNHH Y Dược Kinh Đô, Tạp chí Hàng hoá và Thương hiệu HN sẽ liên hệ làm việc với Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và các cơ quan liên quan để tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong các bài viết tiếp theo...

Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, việc quảng cáo TPCN phải tuân thủ theo Luật Quảng cáo 2012 của Quốc hội, Nghị định 181/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành chi tiết một số điều của Luật Quảng cáo, Thông tư số 09/2015 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn quảng cáo các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân không quảng cáo TPCN có tác dụng chữa bệnh. Không dùng hình ảnh, thư cảm ơn của bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh nhân để quảng cáo cho sản phẩm. Hành vi cố ý quảng cáo TPCN có tác dụng điều trị bệnh được đánh giá thuộc mức nghiêm trọng và cần được xử lý nghiêm minh, thậm chí thu hồi giấy phép. 


Vũ Thắm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: HATAP