Số liệu trên được nêu trong Dự thảo Báo cáo tổng kết, tác động của chính sách, thủ tục thi hành pháp luật về dẫn độ đang trưng cầu để lấy ý kiến đóng góp. Dự thảo cho rằng hoạt động dẫn độ ở Việt Nam nêu tại Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 đang bộc lộ nhiều bất cập; không khả thi và có xung đột với quy định của Điều ước quốc tế; chưa phù hợp với thông lệ quốc tế...
Hình minh họa.
Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 cũng không có quy định về biện pháp “bắt khẩn cấp” trước khi nước yêu cầu đưa ra yêu cầu dẫn độ chính thức. Tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế và trong nhiều điều ước quốc tế về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết lại có quy định này.
Tính đến tháng 5/2019, trong 1.200 người Việt phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài có 235 người bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều nghi phạm gây án tại Việt Nam đã bỏ trốn sang châu Âu nhằm lợi dụng quy định bắt buộc của pháp luật các quốc gia này về việc nước yêu cầu dẫn độ phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ, hoặc những người phạm tội hình sự thông thường nhưng đã sử dụng thủ đoạn gian dối để xin cấp quy chế tỵ nạn tại nước ngoài...
Theo Bộ Công an, ngoại trừ Việt Nam, hiện hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là EU không có tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015) do vậy việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ với tội phạm này gần như là không thể thực hiện được vì không mô tả được hành vi sai phạm của người bị yêu cầu dẫn độ, trừ trường hợp quốc gia được yêu cầu có thiện chí với Việt Nam.
Từ thực tế này, trong nhiều trường hợp cơ quan tố tụng của Việt Nam đã phải khởi tố bổ sung đối với bị can về tội danh khác để có thể dẫn độ người phạm tội về nước.
Dự báo số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn ra nước ngoài, tội phạm từ nước ngoài lẩn trốn vào Việt Nam, người nước ngoài bị kết án tại Việt Nam và người Việt Nam bị kết án phạt tù ở nước ngoài có xu hướng gia tăng, Bộ Công an đề xuất Quốc hội sớm ban hành đạo luật chuyên biệt về dẫn độ.