TP HCM: Thanh tra Sở Nội vụ vào cuộc vụ Phó giám đốc Ban bổ nhiệm cán bộ "thần tốc"

02/11/2019 10:11

Kinhte&Xahoi UBND TP HCM đã chỉ đạo Thanh tra Sở Nội vụ vào cuộc làm rõ vụ Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị có dấu hiệu “lạm quyền” khi bổ nhiệm hàng loạt cán bộ.

Theo công văn khẩn số: 9732/VP-VX của UBND TP HCM ký ngày 19/10/2019 yêu cầu Sở nội vụ khẩn trương rà soát lại nội dung phản ánh của báo chí và báo cáo UBND thành phố trước ngày 21/10/2019.

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, hiện Sở Nội vụ đã nắm được thông tin trên và cho lập tổ công tác thanh tra xử lý vụ việc trên do ông Đoàn Hồng Minh - Chánh Thanh tra Sở làm Tổ trưởng tổ công tác.

Quyết định bổ nhiệm cán bộ được cho là của ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM ký.

Như đã đưa tin trước đó, 3/10/2019, UBND TP HCM có Quyết định điều động bổ nhiệm ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4 về làm Giám đốc BQL DAĐTHTĐT thời gian là 5 năm do ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM ký quyết định.

Tuy nhiên, trước khi có Quyết định trên, với chức danh là Phó Giám đốc, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng đã ký quyết định bổ nhiệm hàng loạt cán bộ mà không thông qua sự phân công hay chỉ đạo của cơ quan quản lý.

Cụ thể là trước 2 ngày ông Tân được bổ nhiệm Giám đốc BQL DAĐTHTĐT thì ngày 1/10/2019, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng – Phó Giám đốc BQL DAĐTHTĐT được cho là đã “gấp rút” ký quyết định bổ nhiệm một số vị trí cán bộ chủ chốt trong BQL DAĐTHTĐT có dấu hiệu lạm quyền và chưa đúng quy trình. 

Theo luật sư Nguyễn Thanh Biên – Đoàn Luật sư TP HCM thì theo quy tại Điều 28 Nghị định 29/2012 của Chính phủ quy định Thẩm quyền bổ nhiệm, giải quyết thôi giữ chức vụ quản lý hoặc miễn nhiệm đối với viên chức quản lý: Đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện việc bổ nhiệm, giải quyết thôi giữ chức vụ hoặc miễn nhiệm đối với viên chức giữ chức vụ quản lý theo phân cấp.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện hoặc phân cấp việc bổ nhiệm, giải quyết thôi giữ chức vụ quản lý hoặc miễn nhiệm đối với viên chức.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP HCM.

Còn tại điều 7 Quyết định 27/2003 của Thủ tướng quy định Trình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo thì cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác đối với chức vụ sẽ bổ nhiệm.

Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, lãnh đạo đơn vị đề xuất nhân sự cụ thể qua các bước sau:
 
Đối với nguồn nhân sự tại chỗ: Thủ trưởng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch hoặc ý kiến giới thiệu của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị;

Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận, lựa chọn giới thiệu nhân sự trên cơ sở nhận xét đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị. Khi bổ nhiệm một chức vụ có thể giới thiệu từ 1 đến 3 người để lựa chọn;

Tổ chức họp lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị để trao đổi, thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ, công chức bổ nhiệm; thông báo danh sách cán bộ, công chức được lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; cán bộ, công chức được giới thiệu trình bày ý kiến về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan;

Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);

Đảng ủy hoặc Thường vụ Đảng uỷ cơ quan có ý kiến bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm;

Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số các thành viên trong tập thể lãnh đạo tán thành. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm.

Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác: Lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự hoặc cấp có thẩm quyền giới thiệu; Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận thống nhất về chủ trương và tiến hành một số công việc sau: đại diện lãnh đạo cơ quan gặp cán bộ, công chức được đề nghị bổ nhiệm trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác; làm việc với cấp uỷ và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác để trao đổi ý kiến về nhu cầu bổ nhiệm, tìm hiểu và xác minh lý lịch của cán bộ, công chức; trao đổi kết quả làm việc với cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức công tác; lấy ý kiến của cấp uỷ cơ quan về việc bổ nhiệm cán bộ, công chức; thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết; thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp nhận và quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp trên xem xét bổ nhiệm.

Đối với các trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải làm tờ trình kèm theo các hồ sơ cần thiết theo quy định hiện hành.

Có thể thấy, ông Dũng được UBND TP HCM giao nhiệm vụ tạm điều hành hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ tài chính của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trong với chức danh phó giám đốc khi đơn vị này vẫn đang "khuyết" vị trí giám đốc. Bản thân ông Dũng "tranh thủ" ra quyết định bổ nhiệm cán bộ trước 2 ngày UBND TP HCM ra quyết định về công tác cán bộ của đơn vị này khiến dư luận rất bức xúc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus