Trách nhiệm giải ngân

14/04/2023 09:57

Kinhte&Xahoi Không có tiền để tiêu đã nguy, nhưng có tiền không tiêu được cũng nguy không kém. Đáng tiếc, đó lại đang là sự thật. Và cũng không phải chỉ ở địa phương mà còn ở các bộ, ngành.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ, họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh VGP

Chính vì thế, hôm qua (13/4), ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ đã phải họp với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công.

Theo Bộ KH&ĐT, đến nay, 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án trên 34,942 nghìn tỷ đồng, đạt 91,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn còn lại chưa giao kế hoạch là gần 3,4 nghìn tỷ đồng của 8 cơ quan.

Thế nhưng, trong quý I/2023, tổng số giải ngân của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chỉ đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Trong đó đáng chú ý, có 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%), 4 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, “nhìn chung tiến độ giải ngân của các đơn vị này trong những tháng đầu năm của những năm gần đây số lượng giải ngân đều thấp”. Nguyên nhân được chỉ ra chủ yếu giải ngân vốn đầu tư công thấp là công tác tổ chức thực hiện (lập kế hoạch, chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án) chưa sát sao, chưa phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tất nhiên, khi được “gõ” thì các bộ, ngành đều cam kết phấn đấu sẽ nỗ lực giải ngân cao nhất theo kế hoạch được giao.

2023 là năm đặc biệt, có vị trí “bản lề”, nên kế hoạch đầu tư công của cả nước khoảng 711 nghìn tỷ, hiện đã phân bổ trên 700 nghìn tỷ (còn trên 4.000 tỷ chưa phân bổ). Mục đích để thúc đẩy tăng trưởng. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, trở thành “nhiệm vụ chính trị trọng tâm”.

Để thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công để cuối năm đạt mục tiêu đề ra.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, tổng số vốn đầu tư công được giao cho 17 bộ, cơ quan trung ương thuộc tổ công tác số 1 không lớn (chỉ chiếm khoảng 5% tổng số vốn đầu tư công của cả nước). Nhưng nhiệm vụ được giao thì phải nỗ lực hoàn thành để góp phần vào kết quả chung của cả nước. Chính vì thế, tại cuộc họp với 17 bộ, ngành, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu, đại diện các bộ, ngành, cơ quan phải trao đổi thẳng thắn, nêu rõ khó khăn, vướng mắc ở chỗ nào, khâu nào, để làm rõ trách nhiệm và có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả.

Trong các nguyên nhân, có thủ tục hành chính và lãnh đạo bộ, ngành chưa quan tâm một cách đầy đủ. Đã đến lúc phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để thúc đẩy biện pháp rốt ráo, giải pháp cụ thể, tránh hô hào trách nhiệm chung chung, khó “định lượng”.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sự thật đằng sau hàng loạt nhóm “dạy” cách bùng nợ

Mỗi ngày hàng chục bài chia sẻ về cách thức quỵt nợ được đăng tải trên các hội nhóm bùng nợ trên mạng xã hội, liệu rằng sự nhiệt tình “giúp” người vay trốn nợ này là vô tư hay đằng sau đó là những mưu đồ gì?

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/trach-nhiem-giai-ngan-d192460.html