Tránh bẫy thu nhập trung bình trong FDI

09/08/2018 15:31

Kinhte&Xahoi Cần làm sao để thay đổi được nhận thức của các doanh nghiệp nước ngoài đang coi Việt Nam là một thị trường đầu tư có chi phí thấp, lương nhân công thấp… sang một nấc thang đánh giá cao hơn, nhằm nâng cao được tiền lương, nâng cao được kĩ năng của lao động, nội địa hóa nhiều hơn… là những vấn đề Việt Nam cần quan tâm để hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới.

Thu hút FDI ấn tượng

Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng trong thu hút vốn FDI. Dòng vốn này tăng gần 10 lần trong 10 năm qua. Riêng năm 2016, Việt Nam đã vượt qua tất cả các thành viên ASEAN khác, trừ Singapore về thu hút FDI. Theo Tổ chức Tài chính quốc tế IFC, nếu xét theo tỉ trọng GDP bình quân đầu người, Việt Nam đã vượt cả Trung Quốc và Ấn Độ về thu hút FDI. Lượng vốn FDI vào Việt Nam trong mấy năm gần đây tăng nhanh. Tính đến cuối năm 2016, thu hút đầu tư được phản ánh qua nguồn vốn của hơn 25 nghìn dự án FDI được đăng kí.

Việt Nam có cơ hội tăng trưởng bứt phá trong giai đoạn dân số vàng (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)

Các dự án FDI đã mở độ phủ rộng tới 51 tỉnh, thành phố vào năm 2016. Năm 2017, tiếp tục là một năm kỉ lục thu hút FDI của Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tính đến tháng 12/2017, vốn đăng kí FDI ở Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong 4 năm qua, từ 20 tỉ USD năm 2014 lên gần 36 tỉ USD năm 2017. Ước tính vốn FDI giải ngân trong năm 2017 là 17,5 tỉ USD (một con số kỉ lục). FDI hiện đóng góp 55% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu, 18% nguồn thu thuế, tạo ra 3,7 triệu việc làm.

Mặc dù thu hút FDI có giá trị gia tăng cao là định hướng đúng, nhưng vẫn cần nhấn mạnh việc đầu tư vào những dự án có giá trị gia tăng thấp tiếp tục đóng vai trò quan trọng. Việt Nam có đông dân số độ tuổi trung bình trẻ, nhưng lao động có trình độ tay nghề cao mới chiếm 20% tổng lực lượng lao động. Ước tính cần phải tạo thêm trung bình 700 việc làm mỗi năm để bắt kịp tốc độ gia tăng của lực lượng lao động. Do đó, theo đánh giá của chuyên gia thì các dự án lắp ráp-chế tạo thâm dụng lao động (bao gồm may mặc, điện tử tiêu dùng) vẫn hấp thụ một lượng lớn lao động phổ thông, đặc biệt là ở những địa phương còn kém phát triển.

Các dự án FDI ở Việt Nam thời gian qua có nguồn vốn đến từ nhiều quốc gia (vùng lãnh thổ). Nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam phải kể đến: Các “con ròng châu Á” Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan (chiếm tới 49% tổng số dự án và 42% tổng vốn đăng kí trong giai đoạn 1988-2016); Nhật Bản chiếm 14% tổng số dự án và 12% vốn đăng kí; Trung Quốc có 7% tổng số dự án và 3% vốn đăng kí; Hoa Kỳ có 4% tổng số dự án và 5% tổng vốn đăng kí.

Phát triển tay nghề và kĩ năng lao động

Ông Kile Kelhofer - Giám đốc Quốc gia phụ trách Việt Nam, Campuchia, CHDCND Lào của IFC - Tổ chức đồng cấp với Ngân hàng Thế giới, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) mới đưa ra đánh giá mới đây: “Đi kèm với đổi mới và chính sách mở cửa kinh tế từ 30 năm trước, đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn đóng một vai trò quan trọng, là một động lực trong phát triển kinh tế của Việt Nam, cũng như hội nhập kinh tế quốc tế những năm qua. Chính sách FDI cũng như chính sách thương mại đã giúp cho Việt Nam hội nhập sâu hơn vào mạng lưới sản xuất của khu vực, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng việc làm cho người dân”.

Mặc dù những kết quả thu hút vốn FDI của Việt Nam vô cùng ấn tượng, nhưng ông Kile Kelhofer cũng lưu ý: “Cần nhận thấy rằng Việt Nam phải có những cải cách mang tính đột phá và những chính sách mang tính chiến lược, những đổi mới chính sách một cách chiến lược, để có thể thực hiện được các mục tiêu cao hơn, thu hút vốn FDI có giá trị cao hơn cho Việt Nam”.

“Phần lớn vốn FDI vào Việt Nam tập trung vào những ngành tìm kiếm thị trường cũng như những giá trị gia tăng còn tương đối thấp. Chỉ có một số các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nói đến thế mạnh của thị trường Việt Nam là có thể tìm được những lao động có trình độ kĩ thuật cao hay các chuỗi cung ứng ở địa phương có năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, phần đông các doanh nghiệp nước ngoài nói thị trường Việt Nam có cái hấp dẫn nhất là chi phí lao động thấp, hay chi phí năng lượng, những khuyến khích về thuế là ưu điểm mạnh nhất” - Giám đốc Quốc gia của IFC chỉ ra một số thực trạng đáng chú ý trong đầu tư FDI tại Việt Nam.

Theo ông Kile Kelhofer, “Trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi chính sách của các quốc gia, thì Việt Nam cũng cần có những thay đổi. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay trí tuệ nhân tạo, các hiệp định thương mại tự do, các xu hướng gia công trong sản xuất… là những xu hướng toàn cầu mà chính nguồn vốn FDI mới sẽ tập trung vào Việt Nam. Cần dịch chuyển lên nữa trong nấc thang giá trị, trong chuỗi giá trị, gia tăng giá trị, nâng cao tính đổi mới sáng tạo, kĩ năng của lao động… nhằm tránh cái bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam đang xây dựng chiến lược để thu hút vốn FDI thế hệ mới, nhằm đạt được những kết quả cao hơn”.

Tình hình thu hút đầu tư FDI tại các ngành nghề khác nhau

Một loạt các khuyến nghị được IFC nêu ra, thể hiện ở 8 nội dung đổi mới mang tính đột phá. Ông Kile Kelhofer cho rằng: “Những nội dung quan trọng có thể kể đến như là việc cần phải có một cơ quan đầu mối mạnh mẽ về FDI, với vị trí, chức năng nhiệm vụ, cũng như tầm ảnh hưởng, có cơ cấu tổ chức và ngân sách phù hợp. Hay những đổi mới về chính sách, những cải cách, cải thiện về chính sách để có thể thay đổi được nhận thức về Việt Nam từ việc coi đây là một thị trường đầu tư có chi phí thấp, chi phí nhân công thấp… sang một nấc thang đánh giá cao hơn trong chuỗi giá trị về thị trường đầu tư, nhằm nâng cao được tiền lương, nâng cao được kĩ năng của lao động, sử dụng “đầu vào” trong nước nhiều hơn, nội địa hóa nhiều hơn.

“Cần đưa ra một kế hoạch và thành công trong việc phát triển tay nghề và kĩ năng cho lao động trên toàn quốc” - là một điểm mà Giám đốc Quốc gia của IFC nhấn mạnh, dựa trên khuyến nghị của nhóm chuyên gia nghiên cứu độc lập - “Cần xóa đi những rào cản ở thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Xây dựng hành lang pháp lý mạnh mẽ để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi đến đầu tư ở Việt Nam… IFC cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy những hợp tác với Chính phủ Việt Nam, các đối tác tại Việt Nam, nhằm đạt được mục tiêu chung trong việc thu hút FDI thế hệ mới”.

 

 Theo hoanhap.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Không được hờ hững với thân phận con người!

Người được giao trọng trách thực thi công lý, định đoạt thân phận, số phận mỗi con người “vô phúc đáo tụng đình” không được bàng quang, dửng dưng, vô cảm xử sao cũng được!