Tranh chấp tài sản Công ty Mai Ninh: Chuyên gia và luật sư nói gì?

22/08/2018 15:28

Kinhte&Xahoi “Không phải thành viên Công ty vẫn được tòa chia tài sản” tại Bản án Dân sự Sơ thẩm mà TAND quận Hoàng Mai tuyên. Chúng tôi đã có những ý kiến đánh giá về vụ việc này từ các luật sư và nhà chuyên môn.

Năm 1995, ông Nguyễn Việt Tú lúc đó công tác tại Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Thương mại và bà Nguyễn Thị Diệu Ninh sống với nhau có một người con chung nhưng đến năm 2003 mới đăng ký kết hôn. Bà Diệu Ninh có mối quan hệ quen biết với vợ chồng ông Lê Ngọc Sáng và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai.

Năm 2001, bà Ninh và bà Mai thành lập Công ty TNHH ĐT & TM Mai Ninh. Trong đó, bà Mai và bà Ninh mỗi người có 50% cổ phần. Trong thời gian này, Công ty Mai Ninh liên kết với Công ty TNHH SX & TM Thanh Hà do bà Trần Lê Oanh làm đại diện góp tiền mua 2.000m2 đất tại địa chỉ CC2 thuộc dự án khu nhà ở Bắc Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Công ty Mai Ninh lấy 848,5m2 đất. Vợ chồng ông Sáng và bà Mai nộp tiền cho bà Ninh và có ông Tú viết giấy nhận tiền.

Biên bản thỏa thuận góp vốn thực hiện dự án Trung tâm thương mại và thành lập công ty Mai Ninh.

Ông Tú cũng là người thay mặt công ty đi nộp 1.187.900.000 đồng, nhận 5 phiếu thu tiền.Toàn bộ thuế đất, nghĩa vụ tài chính với nhà nước và việc xây dựng một nhà 6 tầng tại khu phố công cộng 2 Bắc Linh Đàm đã được công bố đầy đủ trong hồ sơ của công ty Mai Ninh. Vừa qua, ông Tú đã gửi đơn kiện lên Toà án nhân dân quận Hoàng Mai về việc giành quyền sở hữu 848,5m2 đất tại địa chỉ CC2 khu nhà ở Bắc Linh Đàm và giá trị xây dựng 1/2 ngôi nhà 6 tầng tại địa chỉ trên. Ngày 4/7/2018, TAND quận Hoàng Mai tiến hành xét xử sơ thẩm bằng bản án số 10/2018/DS-ST và đã tuyên cho ông Tú thắng kiện.

Trao đổi với báo chí về vụ kiện này, ông Đỗ Văn Chỉnh – nguyên Thẩm phán TANDTC, nguyên Trưởng ban Thanh tra TANDTC đánh giá: Theo Giấy chứng nhận ĐKKD thì Công ty Mai Ninh có vốn điều lệ 3 tỷ đồng, gồm hai thành viên góp vốn là bà Nguyễn Thị Diệu Ninh và Nguyễn Thị Tuyết Mai (giá trị góp vốn mỗi người 1,5 tỷ đồng). Như vậy, ông Tú không phải là thành viên Công ty, không được pháp luật ghi nhận là người có góp vốn vào Công ty Mai Ninh. Theo chứng cứ thì ông Tú cũng không hề cho Công ty Mai Ninh vay tiền để hoạt động.

Vì vậy, nếu ông Tú có tranh chấp về số tiền cho rằng mình đã nộp năm 2001 thì đây phải coi là tranh chấp quyền sở hữu về tài sản giữa ông Tú và bà Ninh liên quan đến số tiền mà bà Ninh góp vốn vào Công ty Mai Ninh. Tức là ông Tú phải kiện đối với cá nhân bà Ninh chứ không thể khởi kiện Công ty Mai Ninh. Cần hiểu rằng, quan hệ tranh chấp tài sản giữa thành viên Công ty hoàn toàn tách biệt với tranh chấp tài sản với công ty vì công ty là một pháp nhân độc lập.

Do đó, đáng lẽ phải hướng dẫn ông Tú khởi kiện đúng đối tượng (bà Ninh) thì Thẩm phán Hoàng Đình Trung của TAND quận Hoàng Mai lại thụ lý vụ án và xác định không đúng quan hệ pháp luật của vụ án (cho đây là quan hệ “Tranh chấp đòi tài sản” đối với công ty) nên áp dụng pháp luật, xác định địa vị tham gia tố tụng và đưa ra phán quyết không đúng theo quy định Luật Doanh nghiệp năm 2014 (từ Điều 47 đến Điều 54).

Đồng quan điểm với ông Đỗ Văn Chỉnh, Luật sư Đặng Vũ Mão – Công ty Luật TNHH MTV Trần Bros cho biết: Về quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án, ngay tại đơn khởi kiện của ông Nguyễn Việt Tú, thì ông Tú khẳng định vốn điều lệ của Công ty Mai Ninh là 3 tỷ đồng trong đó ông Tú góp 1,5 tỷ đồng và bà Mai góp 1,5 tỷ đồng.

Tại thời điểm góp vốn để thành lập công ty do ông Tú đang công tác tại Bộ Thương mại nên không được tham gia gia kinh doanh. Vì thế, ông Tú đã ủy nhiệm cho bà Nguyễn Thị Diệu Ninh, trên cơ sở đó ông Tú khởi kiện đòi tài sản của công ty và ông Tú cho rằng ông Tú phải được quyển sử dụng và sở hữu 50% đối với quyền sử dụng đất và tài sản trên đất.

Như vậy, quan hệ pháp luật ở đây là tranh chấp phần vốn góp trong Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Mai Ninh và tòa án khi thụ lý phải xác định đây là vụ án dân sự “Tranh chấp kinh doanh thương mại”. Tuy nhiên, ngay từ khi thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai đã xác định đây là vụ án dân sự “Tranh chấp đòi tài sản” là không đúng bản chất sự việc tranh chấp.

Còn về yêu cầu khởi kiện của ông Tú, trên cơ sở các tài liệu chứng cứ có trong vụ án có thể thấy việc ông Tú khởi kiện yêu cầu xác định mình quyền sở hữu giá trị hạ tầng diện tích 848,5 m2, yêu cầu xác định quyền sở hữu 1/2 giá trị ngôi nhà 6 tầng là không có cơ sở. Bởi Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Mai Ninh đã được các thành viên góp vốn và được pháp luật thừa nhận thông qua chứng nhận đăng ký kinh doanh Công ty TNHH có hai thành viên trở lên do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp cho công ty ghi nhận trong danh sách thành viên góp vốn có hai người là Nguyễn Thị Diệu Ninh và Nguyễn Thị Tuyết Mai với tổng số vốn góp là 3 tỷ đồng (trong đó bà Mai và bà Ninh mỗi người 50% là 1,5 tỷ).

Ngoài ra, mọi giấy tờ tài liệu có trong hồ sơ đều khẳng định Công ty Mai Ninh là chủ sử dụng đối với 848,5 m2 và là chủ sở hữu đối với tài sản trên đất là căn nhà 06 tầng tại địa chỉ CC2 Bắc Linh Đàm.

Về bản án tranh chấp đòi tài sản của ông Nguyễn Việt Tú và Công ty Mai Ninh, Luật sư Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cũng nêu rất rõ quan điểm của mình về bản án tòa tuyên:Có thể nói mối quan hệ pháp luật vụ việc này phải được coi là tranh chấp về thương mại chứ không phải tranh chấp về dân sự. Vậy nên, ở vụ án này, ngay từ mối quan hệ pháp luật đã sai lầm ngay từ lúc thụ lý.

Cần phải lưu ý là bà Ninh với ông Tú là vợ chồng, trong toàn bộ hồ sơ đều thể hiện chỉ có bà Ninh và bà Mai trong công ty Mai Ninh. Không có bất cứ tài liệu nào thể hiện ông Tú là thành viên của công ty. Vậy thì phải tách ra làm 2 vụ kiện, vụ kiện đòi tài sản là vụ kiện ly hôn (nếu ly hôn) hoặc vụ kiện tranh chấp hôn nhân gia đình, trong đó có kiện đòi tài sản với nhau để xác định tài sản của ông Tú và bà Ninh ở đây là tài sản chung hay riêng và tài sản chung của họ có nằm trong Công ty Mai Ninh được bao nhiêu. Nhưng toà lại gộp cả hôn nhân gia đình vào trong tranh chấp giữa Công ty Mai Ninh thì tôi cho rằng khôngkhách quan. Chưa thấy có bất cứ tài liệu nào có nói đến ông Tú là thành viên của công ty Mai Ninh.

Cứ cho rằng ông Tú có cơ sở để góp tiền, chứng từ là ông Tú nộp tiền, nhưng là nộp tiền cho Công ty Mai Ninh. Trong nghĩa vụ Công ty Mai Ninh hợp tác với Công ty Thanh Hà và chứng từ nộp tiền đều là Công ty Thanh Hà. Còn người đi nộp tiền có thể là ông Tú, cũng có thể là một người khác. Vậy sau này, nếu là một người khác đi nộp tiền rồi bảo là của người đó góp tiền thì không được”.

Theo đánh giá từ phía các luật sư thì Công ty Mai Ninh làm đơn kháng cáo bản án mà TAND quận Hoàng Mai tuyên là có căn cứ. Cơ quan phúc thẩm cấp cao hơn cần xem xét lại hồ sơ vụ án để có những quyết định đảm bảo quyền lợi cho các bên có liên quan. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin tới bạn đọc.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM