Trên các nẻo đường ngày xuân: Không để có ngoại lệ vi phạm nồng độ cồn

25/02/2024 10:44

Kinhte&Xahoi Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, thay vì người dân cả nước phải chứng kiến, nghe nhìn về nhiều vụ tai nạn thảm khốc trong những ngày Tết, thì khắp nơi, lực lượng Cảnh sát giao thông đều siết chặt công tác kiểm tra, giám sát và xử lý người tham gia giao thông sau khi uống bia, rượu... để góp phần hạn chế tai nạn giao thông tối đa.

Xử phạt tăng, tai nạn giảm

Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã xử lý 71.409 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 200 tỉ đồng trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn 2024. Trong đó, hơn 29.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cả nước xảy ra 4 vụ chống người thi hành công vụ tại Bắc Giang, Bình Định, Hòa Bình và Yên Bái làm 4 đồng chí bị thương. Lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 đối tượng giao cơ quan điều tra xử lý.

Riêng các Đội tuần tra, kiểm soát cao tốc thuộc Cục CSGT đã xử lý 843 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 1 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe 401 trường hợp, tạm giữ 99 phương tiện. Trong đó phát hiện 1.014 tài xế vi phạm qua hệ thống camera giám sát.

Cũng theo Cục CSGT, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) dịp nghỉ Tết vừa qua cũng được kéo giảm rõ rệt về số người chết. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 541 vụ TNGT, làm chết 214 người, bị thương 504 người. So với 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, số người tử vong do TNGT giảm 24,38%.

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên cả nước cơ bản được bảo đảm. Lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, nhất là các ngày trước và sau kỳ nghỉ Tết dẫn đến ùn ứ tại các tuyến ra vào cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, TP HCM và các tuyến cao tốc.

Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông dẫn tới những hệ lụy đau lòng. (Ảnh: TL).

Lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã chủ động tổ chức lực lượng, phương tiện nắm tình hình, bố trí phương tiện cẩu kéo cứu hộ; phối hợp phân luồng từ xa, điều tiết giao thông theo đúng nội dung các phương án của Cục nên tình hình trên các tuyến được khắc phục nhanh hơn, sớm đưa tình trạng giao thông trở lại ổn định, bình thường.

Đặc biệt, lực lượng CSGT Công an các đơn vị, địa phương đã hỗ trợ, giúp đỡ, kết hợp tuyên truyền cho người dân làm ăn xa về quê đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và quay trở lại các thành phố lớn để làm việc, học tập... sau kỳ nghỉ Tết.

Điển hình, CSGT đã hỗ trợ nước uống, thức ăn và các nhu yếu phẩm khác miễn phí, tặng mũ bảo hiểm, phối hợp thay dầu xe miễn phí, giúp đỡ sửa xe, giúp đỡ người dân ốm đau trên đường di chuyển... với gần 2.000 mũ bảo hiểm, hơn 1 triệu chai nước, hơn 42.000 khăn lạnh, hơn 2.000 áo mưa, gần 3.000 suất ăn nhẹ, hơn 1.500 phần quà và một số nhu yếu phẩm khác.

Một số vụ việc cụ thể như Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3, Cục CSGT đã dùng xe CSGT mở đường đưa xe cấp cứu đến Bệnh viện Nhi cấp cứu kịp thời 1 cháu nhỏ; CSGT Hà Nội đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ một cặp vợ chồng và 2 con nhỏ gồm 1 cháu mới 6 tháng tuổi ở Nam Định đi lạc trong đêm mưa rét. CSGT Phú Thọ kịp thời đưa người dân bị đột quỵ trên đường đến bệnh viện cấp cứu.

CSGT Đồng Nai hỗ trợ, giúp phối hợp với nhà xe đưa người dân bị mất ví tiền, phải đi bộ về quê sum vầy với gia đình. CSGT Lâm Đồng kịp thời giúp đỡ đưa một sản phụ đang chuyển dạ trên chiếc xe bị hư hỏng giữa đèo đến bệnh viện an toàn.

CSGT Quảng Ngãi ngăn chặn và chăm sóc một bé gái nghi bị kẻ xấu dụ dỗ. CSGT Quảng Trị giúp đỡ đưa 2 người nước ngoài cùng phương tiện bị ngã về trụ sở nghỉ ngơi, ăn tối…

Ngoài các địa phương siết chặt việc kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Nghệ An... thì CSGT ở một số tỉnh còn phối hợp với công an huyện, xã, tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn về tận các làng xã, đường quê, kiệt, hẻm... Việc kiểm tra, thổi nồng độ cồn đối với người điều khiển ô tô, xe máy thậm chí diễn ra từ sáng sớm.

Đó là chưa có thống kê, so sánh khác về việc giảm thiểu các vụ gây gổ, đánh nhau, thậm chí sát hại nhau do rượu, bia quá chén. Người dân đã được bình yên, vui khỏe trước tay lái trên các nẻo đường hồi hương, du lịch, thăm viếng ngày Xuân.

Không có ngoại lệ xử lý vi phạm giao thông

Trước đó, ngày 05 tháng 12 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 1300/CĐ-TTg về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024; nhờ đó, tai nạn giao thông trên cả nước đã bước đầu được kiềm chế.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công an quyết liệt chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương: Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là trên đường bộ, nhất là các tuyến đường cao tốc.

Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định, chở quá số người quy định, đi không đúng phần đường, làn đường, đi ngược chiều đường, dừng, đỗ trái phép, quay đầu xe, tránh, vượt không đúng quy định, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không nhường đường cho xe ưu tiên, đi vào làn dừng khẩn cấp...

Ngăn chặn và xử lý triệt để các vụ đua xe trái phép, tụ tập gây rối trật tự công cộng, vi phạm khi qua đường ngang, phương tiện thủy chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, không bảo đảm an toàn kỹ thuật, không trang bị dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn.

CSGT trên toàn quốc sẽ tiếp tục xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn trong năm 2024. (Ảnh minh họa: TL)

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam có giải pháp siết chặt kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình, xử lý kịp thời đối với các phương tiện vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, nhất là vi phạm về tốc tộ; chấn chỉnh ngay tình trạng chậm trễ cập nhật và xử lý thông tin liên quan đến phương tiện vi phạm từ thiết bị giám sát hành trình…

Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, các Sở Giao thông vận tải và các đơn vị kinh doanh vận tải có phương án bảo đảm năng lực vận tải, chất lượng và an toàn đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa, nhất là dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong dịp nghỉ Tết, chú trọng đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe chở quá số người quy định, tăng giá vé trái quy định. Đồng thời, chỉ thị nêu rõ, thường xuyên tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm các quy định “Đã uống rượu, bia - không lái xe”; “Không sử dụng điện thoại khi lái xe”; “Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện”; “Thắt dây an toàn khi ngồi trên xe ô tô”, “Tuân thủ quy định về tốc độ”…

Theo lãnh đạo Bộ Công an, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, CSGT toàn quốc ứng trực 100% quân số để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; huy động các lực lượng khác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Quá trình tuần tra, CSGT đã xử lý kiên quyết những tài xế vi phạm nồng độ cồn theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không ngày nghỉ.

Trong một tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT trên phạm vi toàn quốc theo Kế hoạch số 634 của Bộ Công an, cả nước đã xử lý hơn 340.000 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền hơn 869 tỷ đồng.

Trong đó, đã xử lý hơn 100.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 465 tỷ đồng; xử lý hơn 84.000 trường hợp vi phạm tốc độ, phạt tiền hơn 162 tỷ đồng; xử lý hơn 7.900 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng; xử lý 592 trường hợp lái xe dương tính với ma túy…

Trước dịp Lễ hội đầu Xuân 2024, Bộ Công an yêu cầu lực lượng CSGT tiếp tục chủ động phòng ngừa, giải quyết nhanh ùn tắc giao thông trên các tuyến đường, khu vực diễn ra lễ hội; kiềm chế TNGT; tập trung tuyên truyền, xử phạt vi phạm với những hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT.

Tăng cường công tác xử lý các vi phạm về xe dừng đỗ, các phương tiện đón trả khách, các điểm trông giữ phương tiện và các vi phạm khác là nguyên nhân gây nên ùn ứ giao thông, gây mất trật tự, ATGT. Bộ Công an cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện có hiệu quả đợt cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT, đây là tiền đề kéo giảm TNGT trong năm 2024.

Trong đó, công an các địa phương thực hiện thường xuyên, quyết liệt, không có ngoại lệ vi phạm nồng độ cồn. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn được thực hiện không có ngày nghỉ, kiên quyết hình thành thói quen, văn hóa đã uống rượu, bia không lái xe.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường phòng, chống đua xe trái phép; chống người thi hành công vụ; xử lý nghiêm các thanh, thiếu niên điều khiển xe lạng lách, đánh võng gây rối trật tự công cộng, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông; Tăng cường đấu tranh chống tội phạm trên các tuyến giao thông…

Phương Uyên- Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/tren-cac-neo-duong-ngay-xuan-khong-de-co-ngoai-le-vi-pham-nong-do-con-d204757.html