Từ 5-2 sẽ khai trương tuyến xe điện hồ Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long. Ảnh minh họa
Cụ thể, tuyến xe điện có lộ trình:
Chiều đi: Đinh Tiên Hoàng (điểm đầu – Bến xe điện Bờ Hồ) – Hàng Đào – Hàng Ngang - Hàng Buồm – Mã Mây – Hàng Bạc – Hàng Ngang – Hàng Đường – Đồng Xuân – Hàng Giấy – Quán Thánh – Nguyễn Biểu – Hoàng Thành Thăng Long (điểm cuối), với giá vé 245.000đ/xe /7 khách.
Chiều về: Hoàng Thành Thăng Long (điểm đầu - Cổng số 9 phố Hoàng Diệu) – Hoàng Diệu – Hoàng Văn Thụ - Hùng Vương – Phan Đình Phùng – Hàng Cót – Hàng Lược – Hàng Mã – Hàng Chiếu – Đào Duy Từ - Mã Mây – Hàng Bạc – Hàng Bồ - Lương Văn Can – Lê Thái Tổ - Hàng Khay – Đinh Tiên Hoàng (điểm cuối), với giá vé 245.000đ/xe/7 khách.
Từ 1-2 đến 9-2 (tức từ 22 đến 30 tháng Chạp), các đơn vị triển khai chương trình khuyến mại miễn phí chiều đi từ hồ Hoàn Kiếm đến Hoàng thành Thăng Long, với số lượng 10 xe hoạt động liên tục trong ngày.
Ngoài khai trương tuyến xe diện, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội sẽ tổ chức chương trình chào mừng 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024) và đón Xuân Giáp Thìn 2024.
Hoạt động thả cá chép trong Lễ ông Công ông Táo tại Hoàng thành Thăng Long diễn ra hằng năm. Ảnh minh họa.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình trưng bày Tết Việt chào xuân Giáp Thìn 2024 với nhiều hoạt động tái hiện các nghi lễ truyền thống độc đáo kéo dài từ ngày 2-2 (23 tháng Chạp năm Quý Mão) đến ngày 18-2 (mùng 9 Tết Giáp Thìn) với ý nghĩa “tống cựu, nghênh tân”. Chương trình gồm một chuỗi các nghi lễ như: Lễ ông Công ông Táo, lễ ban sóc, phất thức, thướng tiêu, lễ khai xuân, khai ấn...
Theo đó, Không gian trưng bày Tết Nguyên đán dân gian truyền thống diễn ra từ ngày 20-1, tái hiện không gian sinh hoạt ngày tết của một gia đình thị dân ở kinh thành với các phong tục như thờ cúng gia tiên và các vị thần, treo tranh tết, câu đối tết, đốt pháo tết, gói bánh chưng, xin chữ đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, thú chơi hoa tết...
Còn không gian trưng bày tết cung đình sẽ giới thiệu tới người dân và du khách lễ Chính đán thời Lê Trung hưng. Theo truyền thống xưa, lễ Chính đán được tổ chức vào sáng sớm ngày mồng Một với nghi thức đại triều trang trọng, tôn nghiêm, diễn ra tại sân điện Kính Thiên.
Năm nay, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trình chiếu phim 3D “Lễ Chính đán thời Lê”. Bộ phim sẽ mang đến cho du khách một trải nghiệm 360 độ, tái hiện không khí tôn nghiêm và độc đáo của lễ Chính đán nơi cung đình xưa với các nghi thức như: Rước Biểu vào sân điện Kính Thiên; rước xa giá vua sang điện Kính Thiên; lễ tuyên biểu mục...
Đặc biệt, dịp này, lần đầu tiên Hoàng thành Thăng Long khai trương và đưa vào sử dụng hệ thống hướng dẫn thuyết minh tự động (auto guide) từ ngày 5-2, với việc trang bị cho du khách tai nghe thuyết minh trong suốt quá trình tham quan.
Hoàng Lân - Hà Nội mới