Từ vụ Công ty Phúc Sơn và các Đại án: Vì sao cùng nhận tiền, "quà" nhưng bị xử lý tội danh khác nhau?

10/03/2024 09:58

Kinhte&Xahoi Vì sao cùng là các cán bộ nhận quà, tiền của doanh nghiệp nhưng có thể bị xử lý về các tội danh khác nhau, có khi chỉ bị kỷ luật, hãy cùng Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường phân tích...

Ngày 8/3, theo Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” do Nguyễn Văn Hậu và đồng phạm thực hiện xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Bất động sản Thăng Long (Công ty Bất động sản Thăng Long) và các đơn vị liên quan theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 16/QĐ-CSKT-P7 ngày 26/02/2024.

Căn cứ lời khai của Nguyễn Văn Hậu, các bị can, đối tượng liên quan, tài liệu điều tra xác minh tại 3 tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan; thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, ngày 7/3/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an quyết định:

Khởi tố bổ sung vụ án về các tội “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” xảy ra tại tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Quãng Ngãi, tỉnh Vĩnh Long và các đơn vị có liên quan.

Khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam, khám xét đối với 9 bị can, gồm:

1: Bà Hoàng Thị Thuý Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

2: Ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, cùng về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Các bị can (từ trái qua): Hoàng Thị Thuý Lan và Lê Duy Thành.

3: Ông Cao Khoa, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.

4: Ông Đặng Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi, cùng về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

5: Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi.

6: Ông Phạm Ngọc Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, nguyên Trưởng phòng Kỹ thuật & Chất lượng Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi.

7: Ông Lê Quốc Đạt, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nguyên Trưởng phòng Quản lý Đầu tư Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi

8: Ông Phạm Ngọc Cương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Phúc Sơn, cùng về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.

9: Ông Đặng Trung Hoành, Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự.

Ngày 8/3/2024, sau khi Viện kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp đánh giá: Tội nhận hối lộ là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ.

Tội danh này xâm phạm đến tính đúng đắn của hoạt động công vụ, gây ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và nhà nước, xói mòn niềm tin của nhân dân đối với các cấp chính quyền.

Bởi vậy, trong thời gian qua không ít các cán bộ đã bị xử lý về tội danh này trong các "đại án tham nhũng".

Trong nhóm tội phạm về tham nhũng thì có nhiều tội danh khác nhau như: Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ, Tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ... Trong đó nhận hối lộ thường kéo theo tội đưa hối lộ, môi giới hối lộ...

Đó là những hành vi có tính chất thỏa thuận giữa người có chức vụ quyền hạn và người khác để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ và chuyển giao lợi ích.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Cũng theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định của Hướng dẫn 02-HD/UBKTTW của Ban chấp hành Trung ương, Điều 15 Quy định 37-QĐ/TW và quy định tại Khoản 2, Điều 22, Mục 3, Chương II Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Như vậy, quy định của Đảng và pháp luật về phòng chống tham nhũng thì cán bộ lãnh đạo, người có chức vụ quyền hạn không được nhận quà, lợi ích từ cấp dưới hoặc từ các tổ chức cá nhân trong phạm vi quản lý của mình.

Bởi vậy, trường hợp cán bộ lãnh đạo nhận quà của cấp dưới hoặc của tổ chức cá nhân do mình quản lý thì tùy vào từng trường hợp có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự:

Hành vi nhận quà trái quy định mà chưa thực hiện hành vi trái pháp luật và không có sự thoả thuận với người đưa quà về công việc phải làm thì người nhận quà sẽ bị xử lý kỷ luật.

Trong trường hợp các dịp lễ, tết, kỷ niệm cá nhân hoặc những lần gặp gỡ với cấp dưới, với tổ chức cá nhân thuộc mình quản lý mà họ tặng quà thì cán bộ đảng viên không được nhận, nếu quà đó được người tặng quà chuyển giao mà không thể trả được ngay thì phải lập biên bản và báo cáo, giao nộp quà đó với tổ chức.

Trường hợp của cán bộ lãnh đạo, của người có chức vụ quyền hạn nhận quà trái quy định nhưng việc nhận quà đó không kèm theo thỏa thuận gì, người nhận quà cũng không thực hiện công việc gì trái pháp luật thì hành vi nhận quà này là trái quy định, người nhận quà trái quy định sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Trường hợp vì nhận quà hoặc vì động cơ cá nhân khác mà người có chức vụ làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 bộ luật hình sự;

Trường hợp có sự thoả thuận giữa người tặng quà (cá nhân, tổ chức) và người nhận quà (người có chức vụ quyền hạn) về công việc phải làm, giá trị lợi ích sẽ chuyển giao thì đây là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Người thực hiện hành vi đưa hối lộ sẽ bị xử lý hình sự theo điều 364 bộ luật hình sự. Người nhận hối lộ xử lý hình sự về tội nhận hối lộ theo điều 354 Bộ luật hình sự.

"Chính vì vậy qua các vụ án hình sự về tội phạm tham nhũng và chức vụ thời gian qua có những cán bộ xác định là nhận tiền, quà của tổ chức cá nhân nhưng không bị xử lý hình sự về tội nhận hối lộ mà có người bị xử về lý về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc thậm chí chỉ bị xem xét xử lý kỷ luật.

Đây là vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật về hình sự cũng như các quy định về phòng chống tham nhũng theo quy định pháp luật hiện nay.

Bản chất việc tặng quà, cho tiền là quan hệ dân sự, chỉ trong những trường hợp nhất định thì hành vi mới là vi phạm pháp luật phải bị xử lý bằng chế tài kỷ luật, hành chính hoặc hình sự.

Bởi vậy không phải mọi hành vi nhận quà, nhận tiền của doanh nghiệp, cá nhân thì người có chức vụ quyền hạn đều bị xử lý về tội nhận hối lộ.

Chỉ có trường hợp nào nhận tiền, nhận quà do có sự thỏa thuận về công việc phải làm, lợi ích được hưởng thì mới bị xử lý về tội nhận hối lộ.

Còn trường hợp nhận quà mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức cá nhân thì sẽ bị xử lý về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nếu nhận quà mà không có sự thỏa thuận, không làm trái công vụ gây thiệt hại thì không phạm tội mà chỉ bị kỷ luật", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cũng phân tích rõ: Để buộc tội đối với các bị can trong vụ án này thì cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm, chứng minh bị can đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ.


Hành vi nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua khâu trung gian, mục đích của hành vi nhận hối lộ là để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi đưa hối lộ được thực hiện như thế nào, giữa ai với ai, số tiền và số lần đưa nhận hối lộ, mục đích của việc đưa tiền để chứng minh tội phạm, làm căn cứ xử lý với các bị can theo quy định của pháp luật.

Thông thường là khi đã khởi tố bị can về tội nhận hối lộ thì sẽ có bị can bị khởi tố về tội đưa hối lộ. Chỉ trừ trường hợp người đưa hối lộ bị ép buộc, chưa bị phát hiện nhưng chủ động tố giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 7, Điều 364 Bộ luật hình sự: "

"Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.".

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xem xét xử lý đối với hành vi của người đưa hối lộ theo quy định của pháp luật.

Bản chất của hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ là có sự "thoả thuận" giữa người có chức vụ quyền hạn với người thuộc cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khác (gọi là người đưa hối lộ) về việc người đưa hối lộ sẽ chuyển giao lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để người có chức vụ quyền hạn nhận và thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ đưa ra nhằm có lợi cho người đưa hối lộ.

Hành vi đưa hối lộ có thể thỏa thuận bằng văn bản, bằng lời nói hoặc bằng hành vi.

Có những trường hợp là "thỏa thuận ngầm", Ví dụ người có chức vụ quyền hạn cứ thực hiện một công việc nào đó có lợi cho cá nhân doanh nghiệp thì cá nhân doanh nghiệp đó lại "biếu quà", người có chức vụ quyền hạn ý thức được việc mình làm như vậy thì sẽ được nhận quà, sự việc lặp lại nhiều lần và hai bên đều "ngầm hiểu" là công việc đó sẽ có phần trăm, sẽ có quà... thì cơ quan tố tụng cũng xác định đây là "thỏa thuận ngầm" về hành vi đưa nhận hối lộ.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi đưa hối lộ có thể đưa trước hoặc đưa sau.

Nếu cơ quan tố tụng có chứng cứ để chứng minh đã có sự thỏa thuận ngầm thì sau khi xong việc mới đưa quà vẫn có thể quy kết là đưa nhận hối lộ.

Bởi vậy qua những vụ án như vụ chuyến bay giải cứu, vụ án Việt Á thì không ít người nhận hối lộ là "nhận sau", không có thỏa thuận bằng văn bản, bằng lời nói nhưng cơ quan tố tụng chứng minh có sự "thỏa thuận ngầm" như một "thông lệ" trước đó thì hành vi nhận quà đó cũng được xác định là nhận hối lộ và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

"Điều 354 bộ luật hình sự quy định hành vi nhận lợi ích trước khi thực hiện công việc hay nhận lợi ích sau khi thực hiện công việc mà có sự thỏa thuận giữa lợi ích và công việc phải làm thì vẫn là hành vi đưa nhận hối lộ.

Ngoài ra điều luật cũng quy định hành vi nhận hối lộ có thể là nhận trực tiếp hoặc nhận qua khâu trung gian.

Nếu có người trung gian thì sẽ xử lý người trung gian này về tội môi giới hối lộ.

Nếu đưa nhận trực tiếp thì sẽ xử lý hai bên về hai tội danh khác nhau là về hành vi đưa hối lộ và hành vi đưa hối lộ nhận hối lộ", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho hay.

"Một điều cũng đáng chú ý là tội nhận hối lộ theo điều 354 bộ luật hình sự 2015 quy định hành vi nhận lợi ích phi vật chất cũng xử lý về tội danh này.

Bởi vậy chỉ cần chứng minh có sự thoả thuận giữa người có chức vụ quyền hạn và người khác về công việc phải làm và lợi ích được hưởng, lợi ích có thể là phi vật chất thì hành vi cũng được xác định là nhận hối lộ và bị xử lý về tội nhận hối lộ chứ không chỉ xử lý liên quan đến việc nhận lợi ích vật chất, tiền bạc", Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.

 Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.".

Duy Khương - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốchttps://phapluatplus.vn/tu-vu-cong-ty-phuc-son-va-cac-dai-an-vi-sao-cung-nhan-tien-qua-nhung-bi-xu-ly-toi-danh-khac-nhau-196784.html