Ủng hộ đề xuất cấm phân lô, bán nền

25/06/2019 15:49

Kinhte&Xahoi Một lần nữa xoá bỏ hình thức phân lô, bán nền trong các dự án phát triển nhà ở lại được các chuyên gia đề xuất nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ cũng như thực trạng hoang hóa các khu đô thị hiện nay.

Việc cấm phân lô, bán nền sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ

Mới đây, thông tin 6 doanh nghiệp bán dự án 'ma' ở Bình Tân gây hoang mang cho nhiều khách hàng. Các đối tượng đã giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền, rao bán các “dự án đất nền không hợp pháp” thông qua hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn.

La liệt dự án “ma”

Cụ thể, các đối tượng yêu cầu khách “đặt tiền cọc” dao động từ 50 - 400 triệu đồng và hứa hẹn sẽ trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở trong khoảng thời gian từ 6 - 12 tháng.

Qua rà soát, chính quyền quận Bình Tân khẳng định có 09 khu đất qua thông tin quảng cáo là dự án đất nền, nhà ở nhưng thực chất không có pháp lý và đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân tại 06 phường: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.

Tương tự, từ cuối năm 2017 đến nay, Công ty cổ phần địa ốc Alibaba bị báo chí “bóc mẽ” liên tục vì không được cấp phép dự án khu dân cư nào tại Đồng Nai nhưng vẫn rao bán 28 dự án đất nền tại huyện Long Thành (27 dự án); huyện Xuân Lộc (1 dự án) và công ty này vừa rao bán thêm 1 dự án ảo tại huyện Nhơn Trạch. 

Theo quảng bá dự án này có diện tích 11 hécta, quy mô 539 nền và giá 5,2 triệu đồng/m2. Như vậy đến ngày 23-6-2019, Alibaba đã bán 29 dự án đất nền “khống” tại Đồng Nai.

Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ khẳng định: “Đến nay, trên địa bàn huyện chưa cấp phép dự án khu dân cư nào cho Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Vì thế, người dân không nên bỏ tiền ra mua những dự án đất nền không hề có thật”.

Dù UBND tỉnh và lãnh đạo huyện Long Thành nhiều lần lên tiếng xác nhận Alibaba không có dự án tại Long Thành cũng như các huyện, thành phố khác trong tỉnh, song công ty này vẫn không dừng hành vi ngang nhiên rao bán đất nền qua mạng.

Cách đây 1 tháng, UBND quận 12 (TP.HCM) đã phải phát đi cảnh báo về tình trạng phân lô trái phép hàng loạt công trình xây dựng trên địa bàn quận. Trong đó, chỉ riêng ở phường Thạnh Xuân đã có 10 lô đất bị các đối tượng tự ý san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và phân lô bán nền trái phép.

Cấm phân lô bán nền

Để hạn chế tình trạng ngang nhiên rao bán dự án ma, Bộ Xây dựng từng đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xoá bỏ hình thức chia lô, bán nền trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị. 

Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ qua đô thị.

Ông Nguyễn Mạnh Hà khi đó còn giữ chức vụ Cục trưởng, Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng, đây là chủ trương cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu không làm mạnh việc xóa bỏ phân lô, bán nền thì lợi ích sẽ chỉ phục vụ cho các chủ đầu tư và giới đầu cơ, trong khi rủi ro và thiệt hại luôn rơi vào người tiêu dùng.

Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, đề xuất xóa bỏ phân lô, bán nền không mới, việc này đáng lẽ phải được tiến hành từ lâu. Nhưng thực tế có sự bắt tay ngầm giữa chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, vì vậy tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, giới đầu cơ vi phạm pháp luật. Hệ lụy là rất nhiều các khu đô thị bị hoang hóa. 

"Việc cấm phân lô, bán nền sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ cũng như thực trạng hoang hóa ở các khu đô thị hiện nay. Đặc biệt khi chủ trương này được áp dụng sẽ loại bỏ được chủ đầu tư yếu kém về nguồn vốn. Qua đó, hạn chế được dòng tiền không bị “đọng” vào bất động sản quá lâu, khách hàng cũng giảm thiểu được rủi ro khi tham gia dự án" - ông Võ cho biết. 

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở và thị trường bất động sản tại các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về trình tự thủ tục đầu tư; về huy động vốn và mua bán, chuyển nhượng của các chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới để quản lý tốt thị trường. 

Tăng cường kiểm tra các dự án phát triển nhà, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối hạ tầng với hệ thống hạ tầng khu vực đô thị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thanh Thuỷ - Phú Thọ: Dai dẳng “nạn” khai thác trái phép khoáng sản thách thức pháp luật?

Đầu năm 2019, sau thời gian “tạm lắng” thì hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Thanh Thuỷ lại diễn ra trên địa bàn xã Đào Xá với chiêu bài “đơn xin hạ cốt nền” của các hộ dân trong khu vực. Khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận việc hạ cốt nền thì một số người dân đã cho các đối tượng đưa máy móc, phương tiện vận tải vào khai thác khoáng sản. Sau khi có phản ánh của dư luận và người dân, lãnh đạo huyện Thanh Thuỷ ban hành văn bản về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc san gạt, hạ cốt nền theo quy định, không để xảy ra tình trạng san gạt, hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép…

Nguồn: Hoà Nhập