Vì nửa mét đất giết cả nhà em ruột: Chính quyền có vô can?

03/09/2019 10:16

Kinhte&Xahoi Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ việc anh trai giết 4 người trong gia đình em ruột vì tranh chấp đất đai.

Vụ thảm sát gia đình ở thôn Bồng, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội khiến 4 người tử vong đang khiến dư luận đặc biệt bức xúc. Chỉ vì mâu thuẫn trong việc tranh chấp đất đai, đối tượng Nguyễn Văn Đông (SN 1966, ở xã Hồng Hà) đã vung dao đâm liên tiếp nhiều nhát vào người thân của mình khiến cho 4 người trong gia đình em ruột của Đông tử vong, một số người khác cũng nguy kịch.

Hiện trường vụ việc đau lòng.

Hành vi giết người hàng loạt của Đông chắc chắn sẽ phải đối mặt với mức án cao nhất là tử hình. Vậy nhưng bên cạnh đó, dư luận vẫn băn khoăn rằng, nếu nguyên nhân vụ thảm án xuất phát từ tranh chấp đất đai như trên thì trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi không kịp thời nắm bắt, giải quyết.

Về điều này, trong buổi trao đổi với Pháp luật Plus, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trên thực tế không ít những vụ việc tranh chấp đất đai, dân sự không được thụ lý giải quyết đúng đắn, triệt để dẫn đến những vụ án đau lòng xảy ra.

Luật sư Cường nhận định, những tranh chấp dân sự phổ biến là tranh chấp về đất đai, thừa kế, kiện đòi tài sản. Tuy nhiên sự hiểu biết và mức độ nhận thức của đa số người dân nói chung về thủ tục giải quyết những tranh chấp dân sự này còn rất hạn chế, rất nhiều trường hợp người dân không biết phải kiện tụng như thế nào, thủ tục ra sao, ai sẽ có thẩm quyền giải quyết.

Theo quy định của pháp luật thì những tranh chấp về quyền sử dụng đất bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải ở cơ sở. Nếu vụ việc tranh chấp đã được hòa giải nhưng hòa giải không thành thì các đương sự mới được quyền gửi đơn tới Chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện (với đất đai không có giấy tờ) hoặc khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, rất nhiều người dân không biết về thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai, khi có tranh chấp, mẫu thuẫn xảy ra thì thường sẽ gửi đơn tới ủy ban nhân dân xã hoặc tới ủy ban nhân dân huyện để được giải quyết hoặc gửi đơn đến tòa án nhưng không đủ điều kiện thụ lý...

Đáng lẽ ra, khi phát hiện được những vụ việc tranh chấp, mẫu thuẫn căng thẳng ở địa phương thì chính quyền địa phương, đơn vị hòa giải cơ sở phải có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, tổ chức hòa giải theo quy định.

Trong trường hợp hòa giải không thành, không có kết quả thì phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để có những giải pháp phòng ngừa, đồng thời hướng dẫn các đương sự thủ tục khởi kiện đến tòa án hoặc gửi đơn yêu cầu đến Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện để được giải quyết kịp thời, nhanh chóng theo thẩm quyền, thủ tục luật định.

"Tuy nhiên, nhiều cán bộ cấp cơ sở do trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế, ngại va chạm, thậm chí vô cảm, thiếu trách nhiệm dẫn đến việc người dân không biết phải đi đâu, làm gì khi màu thuận, tranh chấp đất đai, tài sản không thể hòa giải được. Thực tế, có những trường hợp cán bộ cấp cơ sở không hướng dẫn thủ tục, không thụ lý giải quyết dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp" - luật sư Đặng Văn Cường nhận định.

Có rất nhiều người dân xách túi đi khiếu kiện nhiều năm, thậm chí hàng chục năm nhưng không được cơ quan nào thụ lý, giải quyết một cách đúng đắn, triệt để. Trong số đó nhiều trường hợp đã hết thời hiệu khiếu nại, hết thời hiệu khởi kiện do thiếu hiểu biết. Từ việc mất niềm tin vào pháp luật, mâu thuẫn ngày càng gia tăng, căng thẳng có thể lên đến đỉnh điểm bất cứ lúc nào và không ít vụ dẫn đến những hành vi không kiểm soát được.

Bởi vậy, theo Luật sư Đặng Văn Cường trong những vụ án mạng, thảm sát xảy ra xuất phát từ mâu thuẫn, tranh chấp không được giải quyết kịp thời thì các cơ quan chức năng cũng phải làm rõ nguyên nhân và xem xét trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức hòa giải, giải quyết tranh chấp để phát hiện, xử lý, loại bỏ các cán bộ thiếu lương tâm, trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, giảm thiểu những hệ quả đau lòng đã và đang xảy ra trong xã hội.

Chiều 1/9, CQĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Nguyễn Văn Đông (53 tuổi), trú tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội) về hành vi Giết người. Nguyễn Văn Đông là nghi phạm đã chém cả gia đình người em ruột làm 4 người tử vong vào sáng cùng ngày.

Bị can Nguyễn Văn Đông.

Bước đầu xác định, Nguyễn Văn Đông và người em trai là Nguyễn Văn Hải (50 tuổi) được bố mẹ để lại cho một mảnh đất và xảy ra tranh chấp. Sáng 1/9, khi nghe tin em trai khởi công xây nhà thì Đông vác dao sang truy sát dẫn đến án mạng đau lòng. Sau khi gây án, Đông quay về nhà, thản nhiên uống nước và có ý định tự tử bằng điện tại nhà tắm nhưng bất thành. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus