Vi phạm về phòng, chống dịch COVID-19 - Kỳ cuối: Xử lý nghiêm để răn đe

08/05/2020 17:04

Kinhte&Xahoi Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều vụ vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19 đã được các cơ quan tố tụng điều tra, truy tố, xét xử. Với những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn kịp thời của TAND TC, toà đã tuyên những mức án nghiêm khắc với các bị cáo, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, mang tính răn đe...

Áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng

Phó Chánh án TAND quận Ba Đình, Chủ tọa phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Văn Tỉnh, SN 1982, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội, tội "Chống người thi hành công vụ", thẩm phán Lê Thị Minh Huệ, cho hay, thực hiện theo hướng dẫn của Nghị quyết 45 ngày 30-3-2020, của TAND TC hướng dẫn về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19 và theo hướng dẫn mới nhất (Văn bản số 141A của TAND TC), TAND quận Ba Đình đã sớm đưa vụ án này ra xét xử.

Phó Chánh án TAND quận Ba Đình, thẩm phán Lê Thị Minh Huệ.- Luật sư Nguyễn Minh Long. Ảnh: H.Đỗ

Về mặt tố tụng, vụ án liên quan đến bị cáo Tỉnh được điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn. Vụ án xảy ra ngày 21-3-2020, ngày 20-4-2020, CQCA ra Bản kết luận điều tra và Thông báo kết quả điều tra. Hồ sơ vụ án được chuyển VKSND cùng cấp ngày 21-4-2020 truy tố bị can Đặng Văn Tỉnh về tội "Chống người thi hành công vụ". Ngày 23-4, TAND quận Ba Đình nhận hồ sơ và đưa vụ án ra xét xử và trong phòng 6 ngày mở phiên tòa. Theo quy định mới tại Điều 455 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2015 giúp cho thủ tục rút gọn được áp dụng rộng rãi hơn trong thực tiễn xét xử. Theo đó, Điều 319 Bộ Luật TTHS năm 2003 nêu, thủ tục rút gọn được áp dụng khi có đủ các điều kiện (người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang; sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng; tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng; người phạm tội có căn cước, lai lịch rõ ràng...).

Thẩm phán Lê Thị Minh Huệ cho biết, tại tòa, bị cáo Tỉnh tỏ ra ăn năn. Bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Căn cứ hồ sơ vụ án, thái độ của bị cáo, HĐXX đã tuyên bị cáo 12 tháng tù là mức án đảm bảo răn đe, phòng ngừa, nhất là trong thời điểm cả nước chống dịch như chống giặc, vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và phục vụ chính trị địa phương.

"Thực hiện đúng chỉ đạo, TAND quận Ba Đình ưu tiên những vụ việc chuẩn bị giải quyết những vụ việc sắp hết hạn và những vụ việc liên quan đến việc phòng chống Covid-19. Theo hướng dẫn mới nhất của TAND TC, TAND quận Ba Đình đã bố trí phòng xử tối đa không quá 20 người; yêu cầu người tham dự phiên tòa đeo khẩu trang, khử khuẩn tay trước khi vào phòng xử, yêu cầu giãn cách 2m" - lời thẩm phán Huệ.

Hướng dẫn cụ thể các hành vi của người phạm tội

Trước đó, ngày 30-3, Hội đồng thẩm phán của TAND TC gửi Công văn số 45/TANDTC-PC tới Chánh án TAND các cấp, Chánh án Tòa án Quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND Tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống Covid-19.

Trao đổi với PV báo PL&XH, luật sư Nguyễn Minh Long, Cty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho hay, Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn cụ thể các hành vi của người phạm tội thuộc trường hợp “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” (điểm e khoản 1 Điều 240 BLHS hiện hành quy định về tội “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người), bao gồm các hành vi sau: Trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Như vậy, quy định này đã cụ thể hóa các hành vi thuộc trường hợp được quy định tại điểm e khoản 1, có ý nghĩa hướng dẫn chi tiết các hành vi vi phạm để làm căn cứ khởi tố hình sự đối với những đối tượng có hành vi này. BLHS mới chỉ quy định chung chung và chưa có Nghị định, Thông tư hướng dẫn thế nào là các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Hướng dẫn mới đã cụ thể hóa hành vi phạm tội, làm cơ sở để cơ quan tố tụng có thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người vi phạm để làm gương cho xã hội trong tình hình khẩn cấp chống dịch của toàn đất nước như hiện nay. Đặc biệt, hướng dẫn có ý nghĩa răn đe, giáo dục cho người dân trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng, phức tạp nhưng vẫn có những đối tượng bất chấp sự an toàn của bản thân, cộng đồng mà trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; khai báo y tế gian dối, không đầy đủ gây hậu quả làm lây lan dịch bệnh cho nhiều người khác; làm phức tạp tình hình phòng, chống dịch bệnh trên cả nước đã và đang bị nhiều người lên án nhưng chưa có hình thức xử phạt thích đáng được báo chí đưa tin liên tục.

Về các hành vi khác của người dân có thể xảy ra trong thời gian “vàng” phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, công văn đã quy định cụ thể hơn các hành vi có thể bị khởi tố hình sự và các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với những hành vi này như: Đưa thông tin trái phép về cá nhân, bí mật đời tư làm xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh, người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh (tội "Làm nhục người khác"- Điều 155 BLHS); Lợi dụng dịch bệnh đưa thông tin không đúng sự thật về thuốc,... để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác (tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" - Điều 174 BLHS); Đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh ra khỏi biên giới để thu lợi bất chính (tội "Buôn lậu"- Điều 188 BLHS); Lợi dụng sự khan hiếm hàng hóa để mua vét hàng thuộc hàng bình ổn giá hoặc được Nhà nước định giá nhằm bán lại thu lợi bất chính (tội "Đầu cơ"- Điều 196 BLHS); Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh (tội "Chống người thi hành công vụ"- Điều 330 BLHS). Đối với người có trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, đầy đủ gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý theo tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", Điều 360 BLHS.

Quy định tại Điều 3.2 Công văn về việc đưa ra xét xử các vụ án liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid -19 với điều kiện đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Điều này thể hiện sự ưu tiên xét xử các đối tượng vi phạm quy định liên quan phòng, chống dịch Covid-19.

"Hiện, cả nước đồng sức đồng lòng cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, dựa trên những tình huống thực tế phát sinh trong thời gian qua liên quan đến một số đối tượng có những hành vi chống đối quy định phòng, chống dịch của cá nhân..., TAND TC ban hành hướng dẫn mới này có ý nghĩa thiết thực, tạo hành lang pháp lý vững chắc để các cơ quan tố tụng có thẩm quyền áp dụng pháp luật xử lý thật nghiêm minh những đối tượng có hành vi gây hại cho cộng đồng, làm phức tạp tình hình phòng, chống dịch bệnh và gây hoang mang dư luận" - luật sư Long nói.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/vi-pham-ve-phong-chong-dich-covid-19-ky-cuoi-xu-ly-nghiem-de-ran-de-191972.html