Vì sao bầu Đức “ngán” dự án nuôi bò mà ông Trần Bắc Hà sốt sắng?

26/03/2020 15:44

Kinhte&Xahoi Trong kết luận điều tra vụ án ông Trần Bắc Hà thể hiện, vào năm 2015, ông Trần Bắc Hà từng mời ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HAGL) ra Hà Tĩnh họp. Cuộc họp này do ông Võ Kim Cự, lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chủ trì để kêu gọi HAGL đầu tư vào dự án nuôi bò tại đây.

Ông Đoàn Nguyên Đức (ảnh IT).

Liên quan đến dự án đầu tư nuôi bò tại Hà Tĩnh, kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) nêu rõ: Thời điểm tháng 3/2015, ông Trần Bắc Hà, lợi dụng chức vụ chủ tịch HĐQT của BIDV, trực tiếp làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến đầu tư, đề nghị chấp thuận chủ trương dự án chăn nuôi bò tại tỉnh Hà Tĩnh, cấp đất và áp dụng chính sách ưu đãi cho liên danh giữa Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng - con ông Hà, thành lập) với HAGL (công ty đang có dự án chăn nuôi bò hiệu quả tại tỉnh Gia Lai), dưới sự bảo trợ vốn của BIDV.

Tiếp đó, ông Trần Bắc Hà lại dùng 3 cá nhân không có năng lực, kinh nghiệm nuôi bò để thành lập Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà (viết tắt Công ty Bình Hà). Sau đó lập dự án nuôi bò với tổng mức đầu tư hơn 4.223 tỷ đồng, quy mô dự kiến 150 nghìn con bò/năm để xin vay vốn của BIDV thực hiện dự án.

Mặc dù Công ty Bình Hà mới thành lập, không đủ điều kiện vay vốn nhưng ông Trần Bắc Hà vẫn chỉ đạo cấp dưới cũng như BIDV chi nhánh Hà Tĩnh “rót” vào đây 2.687 tỷ đồng. Việc BIDV Hội sở và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh phê duyệt cấp tín dụng giải ngân cho Công ty Bình Hà vay với các sai phạm gây thiệt hại cho BIDV hơn 890 tỷ đồng.

Một chi tiết đáng chú ý trong vụ án này, khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT của HAGL cho biết: Khoảng cuối năm 2014, trên cơ sở đề nghị của ông Trần Bắc Hà, lúc đó là Chủ tịch HĐQT của BIDV, ông Đức có đón và chỉ đạo nhân viên HAGL dẫn đoàn công tác của tỉnh Hà Tĩnh, do ông Võ Kim Cự (lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh) làm trưởng đoàn và một số nhân viên dưới quyền, tham quan trang trại chăn nuôi bò của Tập đoàn HAGL tại tỉnh Gia Lai.

Đến đầu năm 2015, ông Hà gọi điện mời ông Đức ra Hà Tĩnh tham dự cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, để kêu gọi HAGL đầu tư dự án chăn nuôi bò tại đây. Cuộc họp này do ông Võ Kim Cự chủ trì, có sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành và ông Trần Bắc Hà cùng một số lãnh đạo cao cấp của BIDV.

Tại buổi làm việc, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Hà Tĩnh đứng ra kêu gọi đầu tư dự án nuôi bò và BIDV đứng ra cam kết tài trợ dự án, ông Đức có tham gia với vai trò khách mời, không phát biểu và không cam kết gì.

Sau khi trở về, với vai trò là Chủ tịch HĐQT của HAGL, ông Đức đã tổ chức cuộc họp HĐQT để bàn và đánh giá việc tham gia đầu tư dự án nêu trên. Tuy nhiên sau khi khảo sát các điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai… thấy địa bàn huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, nơi tỉnh Hà Tĩnh đang kêu gọi đầu tư không đủ điều kiện để chăn nuôi bò giống –bò thịt và trồng cỏ để nuôi bò, nên đã quyết định không tham gia vào dự án trên.
 
Tuy nhiên do HAGL đang là khách hàng vay vốn của BIDV, phụ thuộc vào ông Trần Bắc Hà nên ông Đức không thể trả lời ông Hà là không tham gia vào đầu tư dự án do Hà Tĩnh không đủ điều kiện để đầu tư.

Sau buổi làm việc trên khoảng 1-2 tháng, ông Hà nhờ ông Đức giới thiệu người có năng lực và kinh nghiệm để quản lý giúp khi thành lập công ty để đầu tư dự án. Ông Đức giới thiệu ông Đinh Văn Dũng (trước là nhân viên cũ của HAGL nhưng do một số lý do cá nhân, HAGL đã cho nghỉ việc).

Sau đó, ông Đức gọi ông Dũng đi Hà Tĩnh gặp Trần Duy Tùng (con trai ông Hà) để hỗ trợ làm dự án. Sau khi giới thiệu, bố con ông Hà làm việc với ông Dũng thế nào, thực hiện dự án ra sao ông Đức không biết và không tham gia.

Sau khi Công ty Bình Hà được thành lập để thực hiện dự án nuôi bò giống, bò thịt (bò Úc), nhưng do không có giấy phép nhập khẩu bò do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp và không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu bò nên Trần Duy Tùng có đặt vấn đề với ông Đức, nhờ HAGL hỗ trợ nhập khẩu bò trong giai đoạn đầu.

Ông Đức chỉ đạo bà Nguyễn Thị Kim Chi, Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn HAGL, thông qua hai công ty con của tập đoàn là Công ty CP bò sữa Tây Nguyên và Công ty CP chăn nuôi Gia Lai - đứng ra nhập khẩu bò giúp Công ty Bình Hà trong giai đoạn đầu.

Sau này, Công ty Bình Hà nhập khẩu trực tiếp. Đến khi một số lò mổ của Việt Nam vi phạm tiêu chuẩn Escas về giết mổ bò và bị cấm nhập khẩu bò (trong đó có Công ty Bình Hà) thì Công ty Bình Hà ký hợp đồng mua bò với hai công ty trên của HAGL.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, cụ thể việc mua bán thế nào do hai công ty trên trực tiếp làm việc, ông không biết và không tham gia.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tự tăng giá hàng hóa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Bạn đọc hỏi: Tôi làm nghề kinh doanh online, do đang dịch Covid-19 dẫn đến nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế tăng đột biến. Vì vậy, nhập khẩu trang y tế để bán giá cũng rất cao, khi tôi đăng bán trên mạng cũng phải tăng theo. Vậy nếu tôi bán với giá cao như vậy, có bị vi phạm pháp luật không ạ?phạm ngọc minh (Cầu Giấy, Hà Nội)

Theo Dân Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/vi-sao-bau-duc-ngan-du-an-nuoi-bo-ma-ong-tran-bac-ha-sot-sang-d120258.html