GS Hồ Ngọc Đại và bộ SGK công nghệ giáo dục có số phận thăng trầm.
Người lớn không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ
Sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ mà phần lớn bị đánh giá là “vượt chương trình” hay “quá khó với học sinh lớp 1”.
GS. Hồ Ngọc Đại cho biết, ông mở trường Thực nghiệm công nghệ giáo dục tại Hà Nội từ năm 1978 và phát triển bộ sách riêng phù hợp với phương châm giáo dục “lấy học sinh làm trung tâm”. Một năm sau, cả nước thống nhất học chung bộ sách cải cách giáo dục lần thứ ba, riêng trường Thực nghiệm công nghệ giáo dục học sách của GS.Hồ Ngọc Đại.
Đến năm 1986, khi có năm tới 650.000 học sinh lớp 1 bị lưu ban, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Bình đã khuyến khích các địa phương học theo bộ sách này, hướng đến chương trình công nghệ giáo dục được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành.
Năm 2000, Bộ GD-ĐT thống nhất một bộ SGK chung trên toàn quốc. Sách công nghệ giáo dục bị đưa ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, khi phát hiện nạn học sinh “ngồi nhầm lớp” khá phổ biến, năm 2006, GS. Hồ Ngọc Đại đã mở đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Nâng cao chất lượng dạy Tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số” và Lào Cai là địa phương đề nghị áp dụng đầu tiên.
Hai năm sau, Bộ GD-ĐT đồng ý cho thí điểm bộ sách này ở 5 tỉnh gồm Tây Ninh, Kon Tum, Kiên Giang, Đắk Lắk, An Giang. Từ đó mỗi năm chương trình được nhân rộng thêm ở các tỉnh khác. Đến năm 2013, thuật ngữ “thí điểm” đã được bỏ đi khi sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục được xem là tài liệu, phương án dạy học chính thức để các tỉnh, thành lựa chọn.
Theo đó, phụ huynh nào đồng ý cho con học theo bộ sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục thì học, còn phụ huynh nào không đồng ý, trường sẽ chuyển học sinh đó sang lớp khác. Tuy nhiên, nếu phụ huynh đã chuyển lớp cho con học theo bộ sách Tiếng Việt trước đó thì không thể chuyển ngược lại cho học bộ sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục.
Thực tế tại một số địa phương áp dụng chương trình này, số lượng các trường đăng ký thực hiện dạy Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã ngày một tăng dần. Tính đến năm học 2014-2015, cả nước có 37 tỉnh, thành áp dụng chương trình dạy học theo công nghệ giáo dục. Con số này tiếp tục tăng lên thành 48/63 tỉnh, thành sau hai năm.
Từ khi ấp ủ chương trình, GS. Hồ Ngọc Đại đã có những tính toán rõ ràng: “Tôi đưa vào sách lớp 1 những thứ tốt đẹp nhất với mong muốn đất nước có một thế hệ khác, tự xác định được thời đại của mình. Trẻ con làm gì cũng có cái lý.
Vì vậy, người lớn không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ con, bố mẹ không nên lấy mình làm chuẩn cho trẻ con, không có quyền áp đặt trẻ. Đặc biệt, bố mẹ hãy cho các con được hưởng những cái mới chưa ai có.
Người lớn, giáo viên phải “chịu thua” để dạy trẻ. Tôi đã tính toán hết, cũng phải làm thực nghiệm mấy chục năm, nghiên cứu rồi điều chỉnh. Tôi dạy phép toán đại số cho học sinh lớp 1, hệ đếm, phép toán trên tập hợp. Đối với quá khứ của các vị là cao nhưng trẻ con chấp nhận được”.
Làm thế nào để bộ SGK công nghệ giáo dục vẫn “sống”?
Không bất ngờ trước thông tin bộ sách lớp 1 công nghệ giáo dục bị loại từ vòng thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại cho biết ông sẽ không sửa bộ sách vì đó là công trình của cả đời mình. Ông còn chia sẻ, tâm trạng của mình hiện thanh thản, vì đó là bộ sách của Nhà nước, ông ăn lương Nhà nước chứ không phải bộ sách của cá nhân mình.
Tuy nhiên, GS Hồ Ngọc Đại đặt câu hỏi về việc 15 người trong hội đồng thẩm định hơn hay 930.000 học sinh đang theo học bộ sách đã tồn tại 40 năm qua hơn? Giữa bộ sách đang thuê người viết vội được thông qua hay bộ sách ông nghiên cứu cả cuộc đời hơn? Thẩm định bộ sách là việc nghiêm túc, không phải chỉ là cuộc họp biểu quyết thông qua của 15 người.
Liệu có mâu thuẫn không khi bộ sách công nghệ giáo dục chủ yếu dạy ở vùng sâu, vùng xa, trong khi cả 15 thành viên của hội đồng đều đánh giá “không đạt” vì có gần 300 nội dung, chi tiết cần phải sửa, bỏ; nhiều phần bị cho là “vượt chương trình” hoặc “quá khó so với học sinh lớp 1”.
Trước câu hỏi làm thế nào để bộ sách công nghệ giáo dục vẫn “sống” trong khi Bộ GD-ĐT không thẩm định, GS Hồ Ngọc Đại dẫn câu nói: “Không tình huống nào không có lối thoát vì chân lý sẽ tồn tại”. Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đổi mới về nguyên lý triết học. Bản chất triết lý đặt ra câu hỏi: “Dạy trẻ con để làm gì?”. Đó không phải đổi mới về câu chữ, hình thức SGK.
Chia sẻ về hiệu quả của bộ SGK công nghệ giáo dục, chị Nguyễn Thúy Hằng cho biết: “Con tôi cũng học chương trình này và giờ đã lên lớp 4. Cả hai mẹ con cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi con đã trải qua những năm tháng đầu cấp một cách vui vẻ và nhẹ nhàng.
Giờ chỉ vì lý do nào đó mà phủ nhận cả một công trình nghiên cứu của một giáo sư đã dành tâm huyết cả đời cho sự nghiệp giáo dục thì không biết phải nói sao!”. Còn anh Bùi Ngọc Phúc (một phụ huynh có con học chương trình công nghệ giáo dục) cũng chia sẻ: “Nói thật, nếu nói giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, vậy các con học chương trình SGK nào mà giảm tải, đến trường cảm thấy hạnh phúc là thành công rồi”.
Bộ GD-ĐT nói gì?
Trao đổi với báo chí, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết về quy trình thẩm định, Bộ trưởng GD-ĐT thành lập Hội đồng thẩm định theo Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT. Số lượng các thành viên lẻ, trong đó hội đồng ít gồm 7 người, nhiều là 15 người.
Về cơ cấu, hội đồng thẩm định bao gồm giáo sư đầu ngành về chuyên môn, giảng viên trường đại học và giáo viên. Thành viên chuyên gia đến từ ba miền Bắc, Trung, Nam, gồm cả thành thị và vùng sâu, vùng xa để đánh giá SGK có tính chất đa dạng vùng miền. Theo quy trình, sau khi tiếp nhận bản thảo SGK do tác giả và nhà xuất bản gửi, thành viên hội đồng thẩm định sẽ đọc trong 15 ngày.
Trong buổi làm việc tập trung đầu tiên, các thành viên thống nhất lịch làm việc, nghe các tác giả SGK trình bày về nội dung và quan điểm xây dựng sách. Sau đó, hội đồng sẽ có thời gian làm việc độc lập, phân tích và kết luận về bản thảo SGK. Tại buổi công bố kết quả này, hội đồng và tác giả SGK tiếp tục đối thoại.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định, hội đồng thẩm định đánh giá công tâm với những ý tưởng mới, đa dạng. Có như vậy, SGK được thẩm định và phê duyệt mới đáp ứng được kỳ vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông trong bối cảnh triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi.
Cũng theo ông Tài, hiện tại, hội đồng tiến hành thẩm định vòng 2 đối với SGK lớp 1 và dự kiến công bố kết quả vào tháng 10/2019. Về việc, sách Tiếng Việt và Toán của GS Hồ Ngọc Đại bị đánh giá chưa đạt, Bộ GD-ĐT chưa nhận được được bất cứ phản hồi nào với kết quả thẩm định này. Đồng thời, TS Thái Văn Tài cũng thông tin năm học tới sẽ có 1,9 triệu học sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với đổi mới về phương pháp và kỹ năng. |