Việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ
“Chưa biết Tổng cục Hải quan chuyển chưa nhưng tinh thần là các nội dung dấu hiệu sai phạm đã công khai tại cuộc họp ngày 28/10. Tổng cục Hải quan sẽ tổng hợp báo cáo và chuyển sang công an điều tra, xử lý”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Tuy nhiên, xác nhận với Tiền Phong, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn khẳng định: Các đơn vị liên quan vẫn đang tập hợp, chưa có báo cáo kết luận cuối cùng gửi Thủ tướng.
Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia Đàm Thanh Thế cho hay, vụ việc được Chính phủ giao Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan chủ trì tổng hợp báo cáo. Đến nay, Ban chỉ đạo 389 vẫn chưa nhận được kết luận cuối cùng.
Trước đó, ngày 28/10, các bộ, ngành, cơ quan chức năng thảo luận về các dấu hiệu sai phạm của Asanzo như lừa dối người tiêu dùng, trốn thuế, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định dấu hiệu vi phạm cơ bản của Asanzo gồm: Vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu); việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”, cơ quan chức năng xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Đối với các vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã xác định nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Công ty Asanzo và các công ty có tên Asanzo đối với cả hàng xuất khẩu lẫn hàng lắp ráp để tiêu thụ trong nước.
Về hành vi vi phạm trốn thuế, cơ quan chức năng cũng chỉ ra các sai phạm của Asanzo, trong đó có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.