Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí
Chiều 20/3, Viện trưởng VKSND TC Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Nêu chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho biết, thời gian qua, một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đại biểu đang là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị Viện trưởng cho biết, quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Trả lời chất vấn, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí chia sẻ, đây là vấn đề cá nhân ông trăn trở, suy nghĩ, và đã phát biểu ở một số hội nghị.
Nhấn mạnh tinh thần phải xử lý nghiêm đối tượng cầm đầu, chủ mưu, vụ lợi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo ông Trí, trong thực tiễn có những trường hợp thực hiện do “mệnh lệnh” của cấp trên, hoặc cấp trên gợi ý, nhưng cấp dưới phải chấp hành.
Rồi cạnh đó còn có việc cấp dưới tham mưu, nhưng tham mưu không đầy đủ nên dẫn đến rủi ro… Theo Viện trưởng, nếu những trường hợp trên khắc phục hoàn toàn hậu quả hoặc hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án mà áp dụng vào trường hợp miễn, giảm, tha, đối với luật hiện hành là vướng.
Do vậy, ông Trí đề nghị rà soát, sửa lại các điều luật cụ thể ảnh hưởng đến vụ việc, cá nhân gây hậu quả không lớn nhưng vẫn bị xử lý hình sự, còn nếu không xử lý thì vi phạm pháp luật.
Viện trưởng ví dụ vụ Việt Á, cơ quan điều tra, kiểm sát, toà phải ngồi lại với nhau nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền chủ trương phân hoá làm ba loại, trong đó có trường hợp xử lý nghiêm; một loại là giảm, còn một loại là không xử lý hình sự nhưng xử lý kỷ luật Đảng, xử lý hành chính.
“Đó là phương án xử lý từng vụ án cụ thể, còn để áp dụng cho các vụ án trên toàn quốc là chưa có”, ông Trí cho hay.
Theo ông, trường hợp “chấp hành mệnh lệnh cấp trên mà làm sai thì không kỷ luật” phải được cụ thể hoá bằng pháp luật, nếu không sẽ bị vướng, dù Đảng đã có quy định. “Đây là việc lớn, tôi đề nghị phải có chủ trương, phân công rà soát về mặt pháp luật, chủ trương, chính sách, điều khoản luật cụ thể để điều chỉnh”, ông Trí nêu.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Lê Minh Trí tiếp tục đề nghị xem lại tội “cố ý làm trái” trong Bộ Luật Hình sự. Mức độ xác định thiệt hại 100 triệu đồng trong tình hình hiện nay là không phù hợp.
"Mức chế tài, khung hình phạt tù, theo tôi nên giảm. Cần tăng chế tài phạt tiền để đảm bảo xử lý nghiêm đối tượng chủ mưu cầm đầu, chiếm đoạt vụ lợi, nhưng nhân văn đối với những người rủi ro”, ông Lê Minh Trí nói.
Hải Anh - TTTĐ