Việt Nam bãi bỏ một số quy định về sinh con thứ 3, hiểu thế nào cho đúng?

05/07/2020 15:59

Kinhte&Xahoi Chính sách về dân số luôn được cập nhật, thay đổi theo tình hình diễn biến dân số của quốc gia. Sau một thời gian dài áp dụng những quy định về giảm sinh con thứ 3, hiện nay Việt Nam đã có quyết định điều chỉnh mức sinh, trong đó có nội dung bãi bỏ một số quy định liên quan đến vấn đề này.

Chương trình điều chỉnh dân số nhằm bãi bỏ một số quy định không phù hợp, hướng đến một “dân số vàng” trong tương lai.

Vì sao trước đây phải giảm sinh con thứ 3?

Trước đây, theo quy định của pháp luật thì hành vi sinh con thứ 3 sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí kỉ luật đối với cán bộ, viên chức nhà nước, đảng viên. Theo Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số (PLDS) năm 2003 đã quy định rõ về nghĩa vụ của các cặp vợ chồng trong việc giữ mô hình gia đình có từ một đến hai con.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 10 quy định về Quyền và nghĩa vụ của mỗi cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động dân số và kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản là sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, như cặp vợ chồng sinh con lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên, cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên, phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh và một số trường hợp khác.

Thời điểm mà Chính phủ ban hành các quy định nói trên, Việt Nam đang đứng trước tình trạng tăng nhanh về dân số, cộng với tình trạng mất cân bằng về giới. Tuy nhiên, từ đó đến nay, sự thay đổi về dân số, cộng với nhiều diễn biến về tỉ lệ dân số, khiến Việt Nam liên tục đưa ra các điều chỉnh trong quy định của pháp luật.

Sau khi “siết” về xử lý vi phạm quy định về dân số, kế hoạch hóa gia đình vào những năm 1990, thì Điều 10 PLDS năm 2003 quy định các cặp vợ chồng được quyền tự quyết số con, thời gian sinh con và khoảng cách giữa các lần sinh. Từ đây cũng dẫn đến một số tranh cãi về chuyện “được sinh con thứ ba hay không”?.

Một thời gian sau khi ban hành PLDS 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của PLDS. Năm 2004, tỷ lệ sinh, tỷ lệ phát triển dân số tăng mạnh trở lại ở nhiều địa phương trong cả nước. 

Cạnh đó, một số quy định về xử phạt trong các điều luật lại có xu hướng mâu thuẫn nhau. Ví dụ như theo Điều 2 Nghị định 114/2006/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em thì đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ.

Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú.

Nhưng sau đó, Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (có hiệu lực kể từ 31/12/2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thay thế Nghị định 114/2006/NĐ-CP cũng không đề cập đến việc xử phạt khi sinh con thứ ba.

Những thay đổi liên tục về quy định pháp luật trong thời gian qua dẫn đến việc nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ vấn đề “có nên sinh con thứ ba hay không” và “sinh con thứ 3 có bị phạt hay không”. Đồng thời, cũng khá “gây khó” cho cán bộ kế hoạch hóa gia đình trong việc tuyên truyền chính sách đến từng nhà tại mỗi địa phương.

Chương trình điều chỉnh mức sinh được áp dụng như thế nào?

Trong bối cảnh ấy, cộng với tình trạng mức sinh đang xuống thấp tại nhiều nơi đi kèm tình trạng già hóa dân số, Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” ra đời. Trong đó có nội dung “bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên” tại những vùng đang có mức sinh thấp với mục đích nâng mức sinh để đạt mức sinh thay thế.

Có thể nói, nội dung của Quyết định đã phần nào “gỡ khó” cho công tác kế hoạch hóa gia đình, giúp cho địa phương hiểu rõ vấn đề và có cách xử lý phù hợp căn cứ vào tình hình và tỉ lệ dân số địa phương mình. Đồng thời, Quyết định cũng hướng đến “vì một Việt Nam dân số vàng”.

Mục tiêu lớn của chương trình là duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, phấn đấu tăng mức sinh ở những địa phương có mức sinh thấp, giảm mức sinh ở những địa phương có mức sinh cao góp phần thực hiện thành công Chiến lược dân số Việt Nam đến năm 2030 đảm bảo phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Tuy nhiên, sau khi ban hành, cũng đã có không ít tranh cãi xoay quanh nội dung bãi bỏ một số quy định về sinh con thứ 3 của Quyết định. Nhiều câu hỏi được đặt ra như nếu đã “lỗi thời”, tại sao không phải là bãi bỏ toàn bộ mà là bãi bỏ một số quy định?

Việc bãi bỏ này liệu có gây nguy cơ một cuộc bùng nổ dân số mới, khi mà dân số Việt Nam hiện nay đã vượt quá con số 97 triệu người, chiếm 1,25% dân số thế giới và xếp thứ 15 trong bảng xếp hạng dân số toàn cầu?

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thí điểm bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên không phải áp dụng trên phạm vi toàn quốc mà chỉ áp dụng ở nơi có mức sinh thấp.

Đồng thời, chỉ bãi bỏ những quy định không còn phù hợp với tình trạng dân số hiện hành, vẫn tiếp tục duy trì những quy định thích hợp. Theo bà Đặng Quỳnh Thư, Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục Dân số), đây là nội dung điều chỉnh chỉ áp dụng tại các vùng có mức sinh thấp và không có nghĩa rằng người dân hoặc cán bộ, đảng viên được khuyến khích sinh con thứ ba.

Thực tế, trước đây nhiều địa phương thường đặt ra quy định ngặt nghèo về việc các thôn, ấp, khu phố không có người sinh con thứ 3, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền là một số quy định xử phạt, kỉ luật, thậm chí gây sức ép.

Chương trình điều chỉnh mức sinh mới cộng với việc bãi bỏ một số quy định về sinh con thứ 3 nhằm mục đích điều chỉnh chính sách từ khuyến khích giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Mỗi phụ nữ có trung bình 2,1 con. Điều cần lưu ý là những chính sách này chỉ áp dụng ở nơi có mức sinh thấp, không phải trên toàn quốc.

Các địa phương có chính sách thí điểm sẽ khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, như: Hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, xây dựng kinh tế gia đình… Địa phương có mức sinh cao tiếp tục vận động người dân không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày, nhiều con, duy trì khẩu hiệu “dừng lại ở hai con để nuôi, dạy cho tốt”.  Được biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn các tỉnh, thành triển khai thực hiện chương trình này. 

Một số câu hỏi khác cũng được đặt ra, đó là sau khi Quyết định có hiệu lực thì đảng viên sinh con thứ 3 có bị xử lý kỉ luật hay không, khi một số quy định về vấn đề này vẫn còn “đối nhau chan chát”, và trên thực tế tại các địa phương mỗi nơi xử lý một kiểu?

Về vấn đề này, Điều 27 Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã đề cập đến vấn đề xử phạt đảng viên sinh con thứ ba trở lên. Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW về việc thực hiện một số điều trong Quy định 102-QĐ/TW cũng nêu rõ về nội dung này. Ngoài các trường hợp đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong Hướng dẫn số 04-HD/UBKTTW cũng đề cập đến một số trường hợp đảng viên sẽ không bị xử lý kỷ luật khi sinh con thứ ba trở lên.

Mai Ngọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bài 1: Junhee Beauty Center – ‘bàn tay vàng trong làng thẩm mỹ’ thực hiện xâm lấn không phép?

“Mấy ngày sau nâng mũi tại Junhee Beauty Center tôi cũng tự hỏi mình không hiểu sao lại nâng mũi ở cơ sở này vì thiết bị, phòng ốc quá sơ sài, thực sự nguy hiểm. Tôi cũng không biết loại chỉ cấy vào người tôi nguồn gốc xuất xứ ra sao, chất lượng như thế nào?…”. Đây là những lời khách hàng chia sẻ với phóng viên trong tâm trạng hoảng loạn vì lo lắng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/viet-nam-bai-bo-mot-so-quy-dinh-ve-sinh-con-thu-3-hieu-the-nao-cho-dung-d128683.html