Những năm qua, dịch vụ đối với người khuyết tật (NKT) đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là đối với đường hàng không. Khi vận chuyển hành khách khuyết tật các hãng hàng không đã làm tốt công tác vận chuyển, có sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân viên nhà ga, bố trí xe nâng để NKT vận động ngồi xe lăn có thể lên thẳng khoang hành khách.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, một hành khách của Vietjet Air đã “tố” hãng hàng không phân biệt đối xử đối với hành khách là NKT. Sự việc nhận được rất nhiều ý kiến và chia sẻ của cộng đồng. Nhiều người bức xúc vì việc Vietjet Air phản hồi quá muộn đối với hành khách này. Không ít người nói rằng sau sự việc này sẽ tẩy chay hãng hàng không Vietjet Air.
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam cho biết, Luật NKT và Công ước Quốc tế về quyền của NKT, cũng như Luật giao thông hàng không, đường bộ, đường sắt,... đã quy định rất rõ về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phục vụ các đối tượng là NKT.
Điều 20 - Di chuyển cá nhân (Công ước về quyền của NKT do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 13/3/2007)
Các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp hiệu quả để bảo đảm cho NKT di chuyển cá nhân thuận tiện một cách độc lập tối đa có thể được, bao gồm bằng những cách sau:
a. Tạo điều kiện cho NKT di chuyển cá nhân theo cách thức và vào thời gian họ chọn, với giá thành vừa phải;
b. Tạo điều kiện cho NKT tiếp cận phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển và các hình thức trợ giúp hoặc người trợ giúp tại chỗ, trong đó có bằng cách cung cấp những tiện ích như vậy với giá thành vừa phải;
c. Cung cấp đào tạo thích hợp về kỹ năng di chuyển cá nhân cho NKT và đội ngũ nhân viên chuyên môn làm việc với người khuyết tật;
d. Khuyến khích các cơ sở sản xuất phương tiện, thiết bị và công nghệ hỗ trợ di chuyển có tính đến mọi khía cạnh về sự di chuyển của người khuyết tật.
Điều 42. Phương tiện giao thông công cộng (Luật NKT năm 2010)
1. Phương tiện giao thông công cộng phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật; có công cụ hỗ trợ lên, xuống thuận tiện hoặc sự trợ giúp phù hợp với đặc điểm của người khuyết tật.
2. Phương tiện giao thông công cộng để NKT tiếp cận sử dụng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
3. Đơn vị tham gia vận tải công cộng phải đầu tư và bố trí phương tiện bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận trên các tuyến vận tải theo tỷ lệ do Chính phủ quy định trong từng thời kỳ.
4. Phương tiện giao thông công cộng đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giao thông tiếp cận được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế khi sản xuất, nhập khẩu. |
Ông Đặng Văn Thanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp hội về NKT Việt Nam
“Vietjet Air không phải lần đầu từ chối NKT, việc làm này của Vietjet đã vi phạm về quyền của NKT khi tham gia giao thông. Việc từ chối hành khách là không hợp lý khi họ đã mua vé và đăng ký hỗ trợ cho NKT.
Các hãng hàng không nói chung và Vietjet Air nói riêng đều có quy định rất rõ về việc hỗ trợ các đối tượng yếu thế như NKT, người già, trẻ nhỏ... Bản thân cán bộ, nhân viên của hãng lại vi phạm ngay nội quy của hãng, chưa nói đến quy định tiếp cận giao thông đối với NKT trong luật, cũng như Công ước Quốc tế đã quy định”. - ông Thanh chia sẻ.
Theo ý kiến của ông Đặng Văn Thanh, Hãng hàng không Vietjet Air cần phải có hình thức xử lý thỏa đáng để quyền của NKT được thực thi một cách triệt để. Đồng thời, Vietjet Air nên có những buổi tập huấn nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về việc vận chuyển hành khách là NKT. Không để tình trạng này tiếp tục xảy ra.
Trong thời gian tới cần có kiến nghị đối với Bộ giao thông vận tải, đặc biệt là đối với hãng hàng không quốc gia làm sao có hướng phục vụ tốt nhất cho tất cả mọi người. Những người yếu thế như NKT phải được bình đẳng như mọi người về quyền tiếp cận đối với tất cả các dịch vụ về giao thông công cộng.
Ngày 18/3, anh Nguyễn Khánh Lâm đã đặt mua cặp vé chặng bay Hà Nội đi Đà Nẵng chuyến 16h55 chiều 4/4 và hôm 21/3 đã gọi điện cho Tổng đài Vietjet đặt trước dịch vụ Wheelchair Cabin (WCHC) dành cho hành khách là NKT không có khả năng tự di chuyển.
Tuy nhiên, điện thoại viên lại không có câu trả lời chắc chắn. Anh Lâm đã gọi đến phòng vé nhiều lần nhưng không có người nhấc máy. Sau đó anh gửi email cho Vietjet yêu cầu xác nhận nhưng vẫn không có phản hồi. Mãi đến ngày 4/4, khoảng 3 tiếng trước giờ bay thì anh mới nhận được điện thoại từ Vietjet, thông báo từ chối cung cấp dịch vụ.
Cặp vé hành khách đặt ngày 18/03/2019 chặng bay Hà Nội - Đà Nẵng nhưng bị hãng Vietjet Air từ chối phục vụ.
|
Theo Hòa nhập