GS. Ngô Đức Thịnh qua đời lúc 6h30' ngày 6/6, sau thời gian dài sức khỏe suy yếu và chống chọi bệnh tật, hưởng thọ 77 tuổi.
GS. Ngô Đức Thịnh sinh năm 1944, quê ở Hải Hậu, Nam Định. Năm 1980 ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, được phong hàm giáo sư năm 2002. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, sau nghỉ hưu ông thành lập trung tâm nghiên cứu chuyên sâu về đạo Mẫu. Ông giữ chức Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam từ khi thành lập năm 2008. Ông nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017.
GS. Ngô Đức Thịnh là một trong những nhà nghiên cứu quan tâm tới văn hóa truyền thống, sự nghiệp bảo tồn các giá trị truyền thống. Đặc biệt, ông là người nặng lòng với đạo Mẫu. Ông bắt đầu nghiên cứu về đạo Mẫu khá sớm, từ giai đoạn trước thập niên 80 của thế kỷ trước.
Năm 1992, ông ra mắt cuốn sách "Hát văn". Năm 1996, ông xuất bản hai tập "Đạo Mẫu" (sau này ông hoàn thiện và tái bản với tên "Đạo Mẫu ở Việt Nam"). Năm 2008, ông xuất bản cuốn “Lên đồng, hành trình của thần linh và thân phận”. Ông được xem là một trong những người đầu tiên đặt nền móng lý luận cho thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.
UNESCO công nhận Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Giáo sư Ngô Đức Thịnh là một trong những nhà nghiên cứu đóng góp lớn trong quá trình để thế giới công nhận tín ngưỡng bản địa của người Việt. Ban đầu ông từng phản đối việc đệ trình hồ sơ, sau lại trở thành một trong số cố vấn cho hồ sơ trình UNESCO vì nhận thấy ý thức của chuyên gia và người dân tốt hơn.
Nhiều năm gắn bó với đạo Mẫu, GS. Ngô Đức Thịnh luôn tâm niệm làm sao để có những tổ chức, câu lạc bộ để tập hợp các thanh đồng hoạt động theo chuẩn. Quản lý không trói buộc mà phải tạo điều kiện để người ta thực hiện theo đúng pháp luật. Trong nhiều lần trả lời phỏng vấn về đạo Mẫu, GS. Ngô Đức Thịnh luôn tâm niệm phải tránh xu hướng thương mại hóa làm xói mòn những giá trị tốt đẹp của đạo Mẫu.
Tình Lê