VKS đề nghị không giảm án tù cho Phan Sào Nam

09/03/2019 09:47

Kinhte&Xahoi VKSND Cấp cao cho rằng mức án 5 năm tù là nhẹ nên không có căn cứ để kháng nghị giảm hình phạt với Phan Sào Nam.

Chiều 8/3, phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo, kháng nghị của 83 bị cáo trong vụ đánh bạc trực tuyến chục nghìn tỷ đồng tại TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục với phần tranh luận.

Luật sư Hoàng Hướng bào chữa cho bị cáo Phan Sào Nam (cựu chủ tịch công ty VTC online) đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm giảm nhẹ hình phạt cho thân chủ bởi có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ mới: từng xây trường từ thiện cho học sinh vùng cao, ông nội là người có công với cách mạng và được VKSND Phú Thọ kháng nghị theo hướng có lợi.
Phan Sào Nam được cho xét xử vắng mặt ở phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Giang Huy.

Theo bản án sơ thẩm, Nam bị tuyên phạt mức án tổng hợp 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền. Ở giai đoạn sơ thẩm, Nam đã nộp được hơn 1.300 tỷ đồng trong số 1.500 tỷ đồng hưởng bất chính từ điều hành game bài. Số tiền Nam tự nguyện nộp khắc phục hậu quả chiếm, luật sư tính toán lên tới hơn 90%.

Khi cấp sơ thẩm tuyên án, bị cáo này không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả". Kháng nghị của VKS cấp sơ thẩm có lợi cho Nam theo hai hướng: đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả" và bỏ tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức".

Sáng nay, khi nêu quan điểm, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận cả ba nội dung kháng nghị của VKSND Phú Thọ: áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tự nguyện khắc phục hậu quả", không áp dụng tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức", không tịch thu tiền đánh bạc của các con bạc. Ba nội dung kháng nghị này liên quan tới 82 bị cáo, trong đó có Phan Sào Nam.

Tuy nhiên, chiều nay Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Hà Nội Lê Tư Quỳnh giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng, những tình tiết giảm nhẹ mới cho bị cáo Nam mà luật sư đưa ra là có lý, nhưng mức án cấp sơ thẩm tuyên với cựu chủ tịch công ty VTC Online đã nhẹ nên không có căn cứ đề nghị giảm hình phạt.

VKSND Cấp cao tại Hà Nội nhận định đây là vụ án có đồng phạm, hành vi tổ chức đánh bạc có sử dụng công nghệ cao, có sự câu kết chặt chẽ giữa những người thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo tiếp nhận ý chí, phân công nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, "phạm tội có tổ chức" đã được sử dụng để định khung hình phạt nên cấp sơ thẩm áp dụng làm tình tiết tăng nặng là không đúng quy định.

VKS cấp phúc thẩm cũng đề nghị cho 36 bị cáo được hưởng tình tiết "tự nguyện khắc phục hậu quả" và 43 bị cáo phạm tội Đánh bạc không phải nộp tiền đánh bạc.

VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSND Phú Thọ, chấp nhận một phần kháng cáo, giảm hình phạt tù cho 16 bị cáo; không chấp nhận đề nghị giảm án, hưởng án treo của 20 bị cáo.

Kết thúc phần tranh luận, trong lời nói sau cùng, tất cả các bị cáo có mặt tại phiên tòa chỉ nói xin giảm án, hoặc hưởng án treo.

HĐXX quyết định nghị án kéo dài và tuyên án vào 13h30 ngày 12/3.

Theo bản án sơ thẩm, Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung (cựu giám đốc công ty Nam Việt, đang bỏ trốn), Nguyễn Văn Dương đã kết nối, hợp tác lập, vận hành tổ chức đánh bạc trực tuyến qua các cổng game bài: Rikvip/Tipclub, 23zdo, Zon/Pen...

Với 27 tháng vận hành, đường dây tạo mạng lưới đánh bạc trực tuyến lớn nhất cả nước với 25 đại lý cấp một, gần 6.000 đại lý cấp hai, thu hút gần 43 triệu tài khoản. Tổng doanh thu gần 10.000 tỷ đồng.

Do bảo kê đường dây này, cựu tổng cục Phan Văn Vĩnh bị phạt 9 năm, cựu cục trưởng Nguyễn Thanh Hóa bị phạt 10 năm tù cùng về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phải nhận mức án lần lượt 10 và 5 năm tù về hai tội Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền. 88 bị cáo còn lại nhận hình phạt thấp nhất là 40 triệu đồng, cao nhất là 3 năm 6 tháng tù về các tội: Rửa tiền, Mua bán trái phép hóa đơn, Tổ chức đánh bạc, Đánh bạc, Sử dụng mạng internet chiếm đoạt tài sản.

Theo HATAP/ Vnexpress

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM