VKSND tối cao đã báo cáo Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội vụ án Hồ Duy Hải

22/07/2020 10:59

Kinhte&Xahoi Viện KSND tối cao sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.

Ông Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao phát biểu.

Chiều ngày 21/7/2020, VKSND tối cao tổ chức Họp báo về kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành (26/7/1960 - 26/7/2020).

Tham dự buổi họp báo có ông  Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân, chủ trì buổi Họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Trần Công Phàn - Phó viện trưởng Viện KSND tối cao - cho biết thời gian vừa qua, cơ quan này cùng các cơ quan tố tụng đã kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử nhiều vụ đại án.

Một số vụ trong đó có bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ có chức vụ cao như ông Đinh La Thăng - nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM; Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông; Nguyễn Văn Hiến, nguyên đô đốc, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…

Trong quá trình thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát đã áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; kiên quyết yêu cầu cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa tài sản… Qua đó hạn chế được tình trạng bị can tẩu tán hoặc che giấu, hợp thức hóa tài sản...".

                                        Thủ trưởng một số cơ quan VKSNDTC trả lời câu hỏi tại buổi họp báo.

Trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan tới vụ án Hồ Duy Hải, được sự ủy quyền của lãnh đạo VKSND Tối cao, ông Hồ Đức Anh, Vụ Trưởng Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự cho hay: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng với hai người bị giết. Vụ án phức tạp kêu oan kéo dài và đã qua nhiều cấp xét xử.

Viện kiểm sát nhận thấy quá trình xử lý vụ án từ điều tra, xét xử có nhiều sai sót, nhiều mâu thuẫn, nhiều tình tiết quan trọng chứng minh hành vi phạm tội chưa được cơ quan tố tụng địa phương làm rõ. 

Vừa rồi phiên giám đốc thẩm diễn ra tại TAND Tối cao. Sau phiên tòa, Viện kiểm sát đã có báo cáo gửi Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để theo dõi chỉ đạo. Nội dung báo cào này khẳng định kháng nghị là có căn cứ đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và hoàn toàn cần thiết.

Hiện tại Viện kiểm sát đang tập trung nghiên cứu quyết định giám đốc thẩm, đồng thời theo dõi ý kiến, kiến nghị nếu có từ các cơ quan liên quan. 

Quan điểm của Viện trưởng Viện KSND tối cao là, sẽ thực hiện quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải theo quy định tại điều 404 Bộ luật tố tụng hình sự.

Hiện tại VKSND Tối cao đang tập trung nghiên cứu Quyết định số 05 ngày 8/5 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao về vụ án Hồ Duy Hải".

Ông Nguyễn Hồng, Phó Thủ Trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC trả lời câu hỏi của phóng viên.

Cũng liên quan tới vụ án Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Hồng Quân, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSND tối cao khẳng định: "Không có việc VKSND tối cao vào làm việc với Công an Long An về vụ án Hồ Duy Hải, đây là thông tin không chính xác".

Buổi họp báo diễn ra rất cởi mở, dân chủ, nhiều câu hỏi của phóng viên đưa ra đã được các cán bộ VKS trả lời thẳng thắn.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về những vấn đề liên quan đến các hoạt động kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành và một số vấn đề được dư luận xã hội quan tâm trong thời gian gần đây, như: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng.

Vai trò của Viện kiểm sát trong công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng; những kết quả đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân trong công tác cải cách tư pháp.

Điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

1. Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

2. Trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

3. Trường hợp Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét kiến nghị đó. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì báo cáo Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao mở phiên họp xem xét đề nghị đó. 

 Ly Ly - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/vksnd-toi-cao-da-bao-cao-chu-tich-nuoc-uy-ban-thuong-vu-quoc-hoi-vu-an-ho-duy-hai-d129984.html