Vụ "bùng" 150 mâm cỗ: Chủ nhà hàng có thể khởi kiện khách?

01/10/2020 15:55

Kinhte&Xahoi Mới đây tại Điện Biên, một nhà hàng bị "bùng" 150 mâm cỗ khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Câu hỏi đặt ra là nhà hàng này có thể kiện lại khách hay không?

Như đã đưa tin, ngày 30/9, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh và câu chuyện hi hữu về một nhà hàng bị khách "bỏ bom" 150 mâm cỗ cưới tại địa bàn phường Mường Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên).

Theo nội dung đăng tải: "Kêu gọi giải cứu cỗ bị bom. Mọi người ơi. Mọi người làm ơn làm phúc cứu giúp nhà hàng... Chủ hàng bị bỏ bom 150 mâm cỗ. Giờ không dâu rể, không khách không người nhà. Nhà hàng nhỏ không đủ chỗ nên họ còn nhờ hàng xóm cho bắc rạp nhờ".

Sự việc "bùng" 150 mâm cỗ khiến cộng đồng mạng xôn xao

Chính quyền địa phương tại đây đã xác nhận sự việc trên là có thật, chủ nhà hàng đã lên công an phường trình báo sự việc. Tổng số tiền 150 mâm cỗ trị giá khoảng hơn 200 triệu đồng, phía nhà hàng đã nhận đặt cọc trước 30 triệu đồng.

Tình huống hi hữu trên đã khiến nhiều người đặt câu hỏi: Chủ nhà hàng có thể kiện khách để đòi bồi thường hay không?

Trao đổi với PV về trường hợp này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng VPLS Tinh Thông Luật - cho hay: "Hợp đồng dịch vụ là một trong số những hợp đồng thông dụng được Bộ luật dân sự điều chỉnh. Nó là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ". 

Theo ông Bình, để xác định quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng dịch vụ thực hiện như thế nào thì yêu cầu các bên phải nắm rõ các quy định về hợp đồng nói chung, hợp đồng dịch vụ nói riêng.

Thực đơn tiệc cưới (Nguồn: Facebook)

Luật sư cho rằng hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ. Khái niệm hợp đồng dịch vụ được quy định cụ thể tại Điều 513 Bộ luật dân sự 2015.

Dẫn chứng cụ thể, ông Bình đưa ra điều 520 trong Bộ luật dân sự 2015. Trong đó quy định rõ việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng dịch vụ.

Điều luật quy định, trường hợp việc tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý; bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền công theo phần dịch vụ mà bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện và bồi thường thiệt hại.

Trường hợp bên sử dụng dịch vụ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ thì bên cung ứng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tất cả đồ ăn dư thừa được mọi người kêu gọi giải cứu (Nguồn: Facebook)

Như vậy, theo vị luật sư này, pháp luật quy định nếu tiếp tục thực hiện công việc không có lợi cho bên sử dụng dịch vụ thì bên sử dụng dịch vụ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng, nhưng phải báo cho bên cung ứng dịch vụ biết trước một thời gian hợp lý.

“Do đó, trong sự việc này bên sử dụng dịch vụ đã vi phạm nghĩa vụ báo trước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cưới hỏi là chuyện hệ trọng của một đời người. Đằng sau sự việc này còn có nguyên nhân gì không mà chúng ta chưa được biết? Có phải là sự kiện bất khả kháng không?

Nếu sau khi đã tìm hiểu và thấy quyền lợi chính đáng của mình bị xâm hại thì chủ nhà hàng có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại” - ông Bình chia sẻ thêm.

Thế Hưng - Theo Dân Trí


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc https://dantri.com.vn/kinh-doanh/vu-bung-150-mam-co-chu-nha-hang-co-the-khoi-kien-khach-20201001115729866.htm