Vũ khí nào khiến số ca Covid-19 giảm mạnh tại Nhật Bản?

21/10/2021 11:00

Kinhte&Xahoi Các ca mắc mới Covid-19 hàng ngày tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã giảm mạnh so với mức cao nhất vào giữa tháng 8 là gần 6.000 nay xuống dưới 100 ca ở thời điểm hiện tại. Đây là mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua.

Cuộc sống trở lại bình thường, các chuyến tàu đông đúc, người dân ăn mừng. Vũ khí gì đã giúp Nhật Bản đạt được điều đó?

Giới chuyên gia dịch tễ đánh giá có một số yếu tố dẫn đến thành công chống dịch của đất nước mặt trời mọc; Trong đó phải kể đến chiến dịch tiêm chủng khởi động muộn màng nhưng được Nhật Bản triển khai nhanh chóng; Hạn chế các hoạt động về đêm; Thói quen đeo khẩu trang từ trước đại dịch và thời tiết xấu vào tháng 8 khiến mọi người tự động ở nhà.

Vắc-xin ngừa Covid-19...

Nhật Bản tăng tốc chiến dịch tiêm chủng chỉ trong thời gian ngắn (Ảnh: AP)

 Chiến dịch tiêm chủng đã giúp làm giảm số ca mắc tại nước này. Đến nay, gần 70% dân số Nhật Bản được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 đầy đủ.

Do tình trạng khan hiếm vắc-xin, quá trình tiêm chủng tại Nhật Bản bị chậm lại cho đến cuối tháng 5. Khi nguồn cung ổn định, Chính phủ Nhật nâng mục tiêu tiêm chủng lên một triệu liều mỗi ngày để đảm bảo an toàn tối đa cho cộng đồng trước Thế vận hội Olympic.

Số lượng vắc-xin sử dụng theo ngày đã tăng lên khoảng 1,5 triệu liều vào tháng 7, giúp Nhật Bản nâng tỷ lệ tiêm chủng từ 15% vào đầu tháng 7 lên 65% vào đầu tháng 10, vượt qua cả Mỹ.

Giáo sư Hiroshi Nishiura, thuộc Đại học Kyoto cho biết, tiêm chủng đã giúp khoảng 650.000 người tránh bị nhiễm bệnh và cứu sống hơn 7.200 người trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 9. Hầu hết số ca nghiêm trọng và tử vong đều xảy ra với những người chưa được tiêm phòng ở độ tuổi 50 hoặc trẻ hơn.

Tiến sĩ Kazuhiro Tateda, Giáo sư virus học thuộc Đại học Toho, cho biết: “Việc tiêm phòng mạnh mẽ và nhanh chóng ở Nhật Bản cho những người dưới 64 tuổi có thể đã tạo ra tình trạng tạm thời tương tự như miễn dịch cộng đồng”.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, sự gia tăng đột biến số ca mắc tại Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác đã thực hiện tiêm chủng sớm hơn Nhật Bản vài tháng qua cho thấy chỉ tiêm vắc-xin thôi thì không thể giúp đẩy lùi dịch bệnh. Nguyên do hiệu quả của các liều tiêm sẽ suy yếu theo thời gian.

Một số chuyên gia cho rằng, số ca nhiễm thấp là do nước này tiến hành ít xét nghiệm SARS-CoV-2 hơn trước đây. Tuy nhiên, dữ liệu của chính quyền Tokyo cho thấy tỷ lệ dương tính đã giảm từ 25% vào cuối tháng 8 xuống còn 1% vào giữa tháng 10. Trong khi đó, số xét nghiệm chỉ giảm một phần ba. Theo ông Masataka Inokuchi, Phó Giám đốc Hiệp hội Y khoa Tokyo, tỷ lệ dương tính giảm cho thấy dịch bệnh đã thực sự suy yếu.

… và ý thức của người dân

 Bên cạnh việc tăng tốc tiêm chủng, phân tích dữ liệu GPS cho thấy, hoạt động của mọi người tại các khu giải trí lớn ở trung tâm các thành phố đã giảm khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3, kết thúc vào ngày 30/9.

Thói quen đeo khẩu trang được đánh giá là một trong những vũ khí giúp Nhật Bản giảm số ca mắc mới Covid-19 (Ảnh: AFP)

Người dân cũng rất cẩn trọng và không buông lỏng cảnh giác. Mặc dù Nhật Bản không có quy định nào bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang và cũng không có hình phạt nào đối với những người không làm như vậy song đa phần người dân nước này đều thực hiện biện pháp đó. Đồng thời, họ thực hiện triệt để nguyên tắc 3C, gồm: Tránh không gian khép kín, tránh những nơi đông người, tránh tiếp xúc gần.

Tất cả công sở, văn phòng công ty, nhà hàng, khách sạn và cơ sở kinh doanh khác đều bố trí các lọ cồn sát khuẩn và máy đo thân nhiệt ở cửa ra vào để nhân viên, khách hàng và những người tới giao dịch sát khuẩn và kiểm tra thân nhiệt.

Các nhà hàng đều bố trí vách ngăn giữa các khách hàng với nhau và đề nghị khách hàng hạn chế nói chuyện trong khi ăn. Các siêu thị đều lắp tấm mica hoặc kính chắn để ngăn cách giữa nhân viên và khách hàng. Các khách sạn đều khử khuẩn trong phòng trước khi đón khách mới, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt ở nhà ăn như lắp vách ngăn giữa các khách hàng, khách phải xịt cồn khử khuẩn và đo thân nhiệt trước khi vào ăn, đeo găng tay sử dụng một lần khi lấy đồ ăn và hạn chế nói chuyện khi đang ăn…

Đối với Mizuki Kawano, sinh viên đại học, việc đeo khẩu trang đã trở thành “điều bình thường”. “Tôi vẫn lo lắng về virus. Tôi không muốn đến gần những người không đeo khẩu trang”, cô cho biết.

Số người đến các khu vui chơi giải trí ít hơn, ý thức phòng dịch tốt hơn cùng việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng đã góp phần làm giảm các ca mắc. Tuy nhiên, việc mọi người nhanh chóng quay lại các địa điểm giải trí ngay sau khi tình trạng khẩn cấp mới nhất kết thúc có thể gây ra một đợt bùng phát mới trong những tuần tới. Đó là nhận định của ông Atsushi Nishida, chuyên gia tại Viện Khoa học Y tế Thủ đô Tokyo.

Đồng quan điểm trên, ông Takaji Wakita, Giám đốc Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia cũng lo ngại khi người dân trở lại tiệc tùng ở các quán bar, hộp đêm. Theo ông, trong tương lai, số ca Covid-19 cần giảm mạnh hơn nữa để đề phòng dịch tái bùng phát.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần mạnh tay ngăn chặn hành vi mua bán dâm trá hình “Sugar Baby - Sugar Daddy”

Câu chuyện mối quan hệ "tình - tiền" giữa các "con nuôi - Sugar Baby" và các "ông bố nuôi - Sugar Daddy" là quan hoạt động mại dâm trá hình đã được các chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên phớt lờ những cảnh báo, vì tiền và tình mà người ta vẫn tìm đến hoạt động này thông qua các đối tượng môi giới khiến tệ nạn mua bán dâm ngày càng trở nên đa dạng, dễ tiếp cận với nhiều đối tượng, thành phần tham gia.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/vu-khi-nao-khien-so-ca-covid-19-giam-manh-tai-nhat-ban-180891.html