Vụ nhặt tảng đá ven đường … lĩnh án tù tại Hưng Yên: Nhiều điểm bất thường trong vụ án cần được làm rõ?

03/12/2019 16:01

Kinhte&Xahoi Vụ án kéo dài nhiều năm, khiến gia đình bị cáo kiệt quệ, vợ chồng li tán, con nhỏ bơ vơ chỉ vì mấy tảng đá nằm lăn lóc ven đường.

Vợ chồng li tán, con nhỏ bơ vơ

Như báo Pháp luật Việt nam đã thông tin, ngày 29/11, TAND thị xã Mỹ Hào mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thoát Hoan (SN 1981, quê Nam Sách, Hải Dương) về tội "Trộm cắp tài sản".

Đây là vụ án gây chú ý dư luận bởi có nhiều luật sư nhận lời tham gia bào chữa miễn phí cho bị cáo. Hơn nữa, vụ án càng thu hút sự quan tâm bởi bị cáo là người làm dịch vụ thu dọn nhà, chỉ vì thấy các tảng đá lăn lóc bên vệ đường cạnh bãi rác, không thuộc sở hữu của ai… rồi nhặt về về chơi thì bất ngờ bị truy tố về tội "Trộm cắp tài sản". Mặc dù ngay sau đó bị cáo đã chở đá lên trả lại cho người bị hại.

Sự việc khiến cuộc sống của bị cáo cùng gia đình vô cùng khổ sở.

Vụ án kéo dài nhiều năm, khiến gia đình bị cáo kiệt quệ, vợ chồng li tán, con nhỏ bơ vơ cũng chỉ bởi mấy tảng đá ven đường.

Đồng thời, cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên mất nhiều thời gian, nhưng vụ án đến nay vẫn chưa có lời đáp. Khi trước đó, ngày 28/12/2017, TAND huyện Mỹ Hào, Hưng Yên đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Thoát Hoan (SN 1981, quê Nam Sách, Hải Dương) về tội "Trộm cắp tài sản" theo điều 138 Bộ Luật Hình sự và tuyên bị cáo 3 năm 6 tháng tù.

Ngày 30/10/2018, TAND tỉnh Hưng Yên đã tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ Trần Thoát Hoan về tội "Trộm cắp tài sản". 

HĐXX nhận định, việc định giá của Hội đồng định giá cấp sơ thẩm đối với 4 tảng đá là chưa đúng quy định pháp luật, việc giám định và định giá lần 2 chưa đảm bảo quy định pháp luật.  

Còn nhiều chứng cứ, tài liệu chưa được cấp sơ thẩm làm rõ, các thiếu sót nêu trên cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Nên HĐXX tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra, giải quýêt lại theo quy định pháp luật.

Vật chứng đã trả, lấy cơ sở nào để kết tội bị cáo?

Trong phần tranh luận vào ngày 29/11, vị đại diện VKS nhân dân thị xã Mỹ Hào Hưng Yên cho rằng có đủ cơ sở để kết tội bị cáo Trần Thoát Hoan trộm cắp tài sản. Đồng thời, đề nghị truy tố bị cáo 4 năm 6 tháng tù giam.

Bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trần Thoát Hoan, các luật sư Phạm Quang Hưng và Phạm Trung Kiên - Văn phòng Luật sư Hưng Long, luật sư Mạc Xuân Dũng - Văn phòng Luật sư Đức Năng; đoàn luật sư Thành phố Hà Nội đã chỉ ra nhiều điểm bất thường trong vụ án cần được giải quyết.

Chỉ vì mấy tảng đá lăn lóc bên đường khiến gia đình bị cáo kiệt quệ, vợ chồng li tán, con nhỏ bơ vơ cũng chỉ bởi mấy tảng đá ven đường. 

Cụ thể, luật sư Phạm Quảng Hưng cho biết, hoàn toàn không đồng ý với nội dung bản cáo trạng và nội dung bản luận tội của VKS vì không xem xét khách quan toàn bộ vụ án cũng như chứng cứ có trong hồ sơ và tại phiên tòa.

Luật sư Hưng nêu lý do, theo quy định của luật Hình sự, tội trộm cắp tài sản phải thỏa mãn hai yếu tố. Trong đó, yếu tố thứ nhất là trộm cắp tài sản của người khác và giá trị của tài sản.

Tại phiên tòa, HĐXX lần đầu tiên được nghe trực tiếp ông Triều khẳng định chỉ mua của ông Nghiêm duy nhất một lần, một hợp đồng toàn bộ số lượng đá đó nhưng trong hồ sơ vụ án thì lại có 2 hợp đồng ghi cùng một ngày.

Theo hóa đơn và hợp đồng mua bán trong hồ sơ thì số tiền 20 triệu đồng của hợp đồng đầu tiên phù hợp với giá trị ghi trong hóa đơn đỏ.

Ngoài ra, trong hợp đồng thứ hai có ghi mua đá lũa nghệ thuật 63 triệu đồng chẵn, đá thạch anh hồng thô trị giá 123 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền hợp đồng là 186 triệu đồng nhưng phía cuối hợp đồng lại ghi 180 triệu đồng và không có hóa đơn đỏ. Và số tiền này không khớp với lời khai của ông Triều tại tòa là chi phí hơn 200 triệu, hoàn toàn không khớp.

Đặc biệt, trong hợp đồng thứ hai này không biết được chữ viết hợp đồng này là của ai, bằng mắt thường của luật sư thì chữ viết này không giống chữ ký của ông Triều và ông Nghiêm. Đồng thời, cơ quan điều tra chưa xác định được chữ viết này là chữ viết của ai và chưa thấy nhân tố thứ ba là ai.

Do vậy, luật sư Hưng đặt nghi vấn rằng, có dấu hiệu gian dối hay có thể nói tạo chứng cứ giả.

Vấn đề thứ hai là chứng minh tài sản này là của ai. Đối với tài sản thì theo bộ luật dân sự thì phải xác định quyền sở hữu xem sở hữu của ai. Đối với quyền sở hữu có 3 quyền, chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.

Theo thực tế cũng như lời khai của ông Triều, nhà ông Triều ở có mặt tiền 4,5m, sân ở đằng trước, thuận lợi không bị cản trở bởi ngõ ngách dẫn tới không thể đưa tài sản của nhà mình vào trong nhà được.

Tuy nhiên, ông không thực hiện quyền chiếm hữu của mình mà vứt lăn lóc tại một vị trí mà ai đi qua cũng không xác định được viên đá đó của ai (không ghi tên, vứt ở vỉa hè, không nhãn mác hay thông tin gì), viên đá đó không có chủ, bỏ đi.

Điều đó phù hợp với tập quán của người Việt Nam mình là những gì ô nhiễm, không dùng được đều bỏ ra ngoài đường, vỉa hè để người khác dọn vệ sinh. Hành vi của ông Triều là hành vi đáng lên án chứ không thể cổ súy cho hành vi này, nhà mình có đất không để lại vứt ở ngoài đường.

“Ở đây, ông Triều không sử dụng viên đá đó, không chiếm hữu viên đá đó nên không còn gì để nói. Hay ở đây là cài bẫy người khác và muốn như vậy thì phải lắp camera nhưng cũng không lắp camera”, Luật sư Hưng phân tích về quyền sử dụng tài sản đối với ông Triều.

Vấn đề thứ hai là giá trị tài sản, để chứng minh hành vi nếu như ai nhỡ vô tình nhặt được cái gì đó nhưng hành vi đó được coi là trái pháp luật nhưng phải thỏa mãn từ 2 triệu trở lên.

Xác định tài sản thì phải xem lại toàn bộ quá trình thu thập vật chứng, đánh giá vật chứng, giám định vật chứng, định giá vật chứng. Ở đây chúng ta bắt nguồn từ việc thu thập vật nghi là bị đánh cắp bởi thời điểm đó cơ quan điều tra chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.

Theo lời khai của bị cáo tại phiên tòa, cơ quan điều tra gặp anh Hoan và đưa anh lên xe 4 chỗ đi trước còn việc đưa 4 viên đá đó lên xe như thế nào thì anh Hoan hoàn toàn không biết, không được chứng kiến.

Theo quy định tại điều 90 Bộ Luật tố tụng hình sự thì vật chứng phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng.

Việc bảo quản vật chứng cần thực hiện như sau: Vật chứng cần được niêm phong thì phải niêm phong ngay sau khi thu thập. Việc niêm phong, mở niêm phong cần phải lập biên bản đưa vào hồ sơ vụ án.
 
Việc niêm phong, mở niêm phong cần phải thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Vật chứng bằng tiền, vàng bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng phải được giám định ngay sau khi thu thập và phải được bảo quản tại kho bạc nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách.

Phân tích về vật chứng trong vụ án, Luật sư Hưng cho biết, ở đây không phải bắt quả tang trên đường, không phải trường hợp bắt quả tang ngay khi bị cáo thuê xe cẩu chở mấy viên đá đi và 4 viên đá đó đã được di chuyển về yên tĩnh tại một vị trí khác.

Theo đó, ở đây chí ít phải có chữ ký của bị cáo Hoan, cán bộ điều tra, cơ quan có thẩm quyền, đại diện công an phường, UBND phường tại nơi có vật chứng đó. Hoặc mời kiểm sát viên tại khu vực, người làm chứng hoặc chính người cẩu vật chứng về trụ sở Công an thị xã Mỹ Hào để làm việc. Tuy nhiên, ở đây hoàn toàn không có.

“Theo quan điểm của tôi, hoàn toàn có quyền nghi ngờ trong quá trình vận chuyển, 4 viên đá đó được hạ xuống và thay bằng 4 viên đá khác. Do đó, tôi thấy rằng việc thu 4 viên đá đó không đảm bảo đúng theo quy định pháp luật”, Luật sư Hưng chia sẻ.

Theo Luật sư Hưng, khi lấy mẫu vật với 4 viên đá đó, tại phiên tòa, bản thân ông Triều cũng khẳng định rằng, tại buổi đó không có mặt bị cáo.

Ở biên bản, có 3 bên quan trọng nhất là ông Triều (được coi là bị hại), Trần Thoát Hoan (được coi là bị cáo), cán bộ điều tra. Đây là 2 người mâu thuẫn đối kháng rất lớn và theo Bộ luật tố tụng quy định, quy trình thì buộc phải công bố tên tuổi, lý do rồi mới bắt đầu làm.

Tại phiên tòa, Trần Thoát Hoan khai rằng không được chứng kiến đục để lấy mẫu 4 viên đá bởi để xác định 4 viên đá này có đúng hay không thì việc đầu tiên phải xác định 4 viên đá này có phải là 4 viên đá to anh ta lấy về hay không từ đó mới xác định 4 viên đá nhỏ có đúng hay không.

Luật sư đề nghị HĐXX xem xét việc Trần Thoát Hoan ký hay không ký vào hộp bìa carton mà trong đó có sẵn 4 viên đá nhỏ là không có giá trị. Bởi nếu, Trần Thoát Hoan ký 4 viên đá to và chứng kiến đục từ 4 viên đá này ra 4 viên đá nhỏ thì luật sư sẽ tâm phục khẩu phục.

Kết luận giám định có nhiều mâu thuẫn?

Về kết luận giám định, luật sư Hưng chia sẻ, cơ quan giám định thực hiện theo yêu cầu của cơ quan điều tra và với 4 mẫu vật gửi thì cơ quan đã giám định. Trong đó, 3 mẫu vật được định giá 10.000đ/kg và 1 mẫu vật được định giá 6.000 đ/kg.

Cơ quan giám định đã giám định 4 mẫu vật chứ không giám định 4 mẫu này có đồng chất với 4 viên đá to kia hay không. Vì vậy, kết luận giám định này cũng chỉ có giá trị với 4kg.

Với phần còn lại chưa có giám định, chưa có định giá nên không được áp dụng vào vụ án.

Ngoài ra, cơ quan điều tra đã thực hiện biện pháp trả tài sản cho người được cho là bị hại nên tính vật chứng của vụ án đã hoàn toàn không còn (theo quy định của Luật tố tụng hình sự).

Huy vọng nhưng mâu thuẫn sẽ được làm sáng tỏ, để tránh oan sai cho bị cáo.

Như vậy, đối với các hoạt động tố tụng từ sau 14h ngày 13/8/2017 thì 4 viên đá này không còn giá trị pháp lý đối với vụ án này. Do đó, những hoạt động tố tụng về sau như định giá lại, thẩm định lại, giám định lại hoàn toàn không có giá trị pháp lý đối với hành vi của Trần Thoát Hoan.

Chính điều này, tại phiên tòa Phúc thẩm lần 1, đại diện VKSND tỉnh Hưng Yên đã đề nghị rút cáo trạng và đề nghị TAND tỉnh Hưng Yên trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Sau đó, TAND tỉnh Hưng Yên đã hủy án giao cho cơ quan điều tra để điều tra lại. Đặc biệt, tại TAND tỉnh Hưng Yên, qua 2 lần giám định thì trọng lượng 4 viên đá vẫn không giảm đi 100gram nào.

Nhiều đáng buồn hơn là kết luận giám định lần thứ 3 (sau 3 lần lấy mẫu, khoảng 12kg) thì trọng lượng 4 viên đá vẫn không thay đổi. Cũng trong hồ sơ, cơ quan điều tra thông tin cái cân có sự sai số lên đến 5kg. Luật sư Hưng cho rằng, nếu vụ án này là vụ án ma túy thì chỉ bằng móng tay cũng có thể tử hình được rồi.

Luật sư Hưng cho rằng, các tình tiết nêu trên thể hiện rằng, ngày 13/8/2017 đưa 4 viên đá từ đâu vào trong quy trình tố tụng và việc giám định với 4 viên đá trên là không có giá trị làm chứng cứ buộc tội đối với Trần Thoát Hoan.

Đối với tình tiết mới, do Trần Thoát Hoan gặp trực tiếp một số nhân chứng để quay clip, ghi âm lại cho thấy đã làm thay đổi cơ bản dẫn tới trung thực khách quan của vụ án. Bởi, tại phiên tòa sơ thẩm lần 2 này, qua 3 lần xét xử, luật sư chưa được nhìn thấy nhân chứng nào có mặt tại tòa.

“Luật sư là người thực hiện tất cả những gì luật cho phép để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho thân chủ. Trong bộ luật tố tụng hình sự cho phép nhận dạng, đối chất, làm rõ những gì mâu thuẫn và những gì có trong hồ sơ phải được làm rõ tại phiên tòa, công khai minh bạch thì không làm được.

Tôi thấy rằng, luật sư chúng tôi hèn quá, chúng tôi không làm được điều đó, chúng tôi thấy xấu hổ với thân chủ của mình”, luật sư Hưng nhấn mạnh.

Từ các nội dung đã trình bày như trên, Luật sư Hưng đề nghị HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Sau khi nghe đại diện VKSND thị xã Mỹ Hào cùng các luật sư tranh luận, HĐXX quyết định nghị án và tuyên án vào 9h sáng ngày 5/12 tới đây. Hy vong, những điểm bất thường trên sẽ được HĐXX xem xét thấu đáo, tránh làm oan sai cho bị cáo.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về phiên toà trên.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vu-nhat-tang-da-ven-duong-linh-an-tu-tai-hung-yen-nhieu-diem-bat-thuong-trong-vu-an-can-duoc-lam-ro-d112394.html