Vụ Phó Viện trưởng VKSND huyện Tân Châu nhận 2.500USD: Cán cân công lý đang ngả nghiêng vì đồng tiền

07/08/2019 10:09

Kinhte&Xahoi Phải chăng liên quan đến “đúng” và “sai” trong tố tụng đang khiến cán cân công lý nghiêng ngả theo giá trị của đồng tiền?

“Động cơ” là dấu hiệu bắt buộc

Đây không phải sự việc đầu tiên phát hiện về người thực thi công lý nhận hối lộ.

Sự việc Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bị bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 2.500 USD, đã và đang khiến dư luận “sốc nặng”.

Bởi lẽ, họ là một trong những chủ thể được Nhà nước trao cho vị trí là người bảo vệ pháp luật, người thực thi công lý.

Nhưng họ lại có những hành vi xem thường pháp luật, coi nặng giá trị vật chất, tự bán đứng mình.

Dư luận đang đặt câu hỏi, còn bao nhiêu vụ tương tự nhưng chưa bị phát giác?

Nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng khi có những sự việc sai phạm hoặc phải xử lý theo luật định đang là cái cớ để “làm tiền” của một số cán bộ biến chất?

Nguy hiểm hơn, những sai phạm liên quan đến hình sự, dân sự đang khiến cán cân công lý nghiêng ngả theo giá trị của đồng tiền.

Trao đổi với ông Đỗ Xuân Tựu, (nguyên Phó vụ Trưởng Vụ 7, VKSND tối cao) về sự việc trên.

Ông Tựu nêu quan điểm: “Cơ quan điều tra cần điều tra chứng minh được việc nhận tiền này nhằm mục đích giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị can mà thuộc đơn vị ông Đặng Trường An đang giải quyết, vì đây là căn cứ để quy kết, buộc tội đối với ông An.

Với những hành vi của ông An như báo chí nêu, thì ông An sẽ phải đối mặt với tội tham nhũng, cụ thể là nhận hối lộ; Đồng thời cơ quan điều tra cũng phải làm rõ người đưa hối hộ và phải truy tố người đưa hối lộ với tội danh như tôi đã nêu.

Về mặt đạo đức, ông An không thể không biết quy tắc ứng xử của một cán bộ VKS trong khi làm nhiệm vụ mà VKSND tối cao đã ban hành.

Ông An và đơn vị của ông đang giải quyết một vụ án, ông gặp người khác không phải để làm nhiệm vụ, không báo cáo ai, không có cộng sự chứng kiến, gặp và nhận tiền, đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”.

Động cơ phạm tội xuất phát từ lòng tham 

Về mặt tâm lý tội phạm, TS Lý Văn Quyền, giảng viên Đại học Luật Hà Nội cho hay: “Tâm lý nằm trong ý thức của con người, nằm trong tư tưởng của con người và tâm lý chịu tác động của bối cảnh rất lớn.

Trong tất cả tâm lý của người phạm tội về tham nhũng thì dấu hiệu “động cơ” là dấu hiệu bắt buộc.

Động cơ ở đây là lòng tham, vụ lợi, chỉ quan tâm tới lợi ích vật chất và quan trọng hơn động cơ này xuất phát từ đạo đức nghề nghiệp.

Trong trường hợp này, ông Trường An được Nhà nước bố trí vào vị trí Cơ quan bảo vệ pháp luật.

Là người bảo vệ pháp luật, đáng lẽ ông An phải miễn nhiễm với các tiêu cực, phải có lập trường vững vàng thì ông mới bảo vệ được công lý.

Tuy nhiên, thay vì phải bảo vệ công lý, phải thực thi công lý nghiêm chỉnh, ông An lại có tư tưởng sai lệch, suy thoái về đạo đức nghề nghiệp.

Người bảo vệ pháp luật lại đi nhận hối lộ để bỏ qua hoặc nương nhẹ cho đương sự đó là hành vi vi phạm pháp luật và chắc chắn sẽ phải xử lý hình sự về hành vi này.

Động cơ cũng như mục đích của ông An đã thỏa mãn dấu hiệu của tội tham nhũng”.

TS Lý Văn Quyền, giảng viên Đại học Luật Hà Nội.

Với góc nhìn của Luật sư, LS Hoàng Minh Hiển phân tích: “Sự việc Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu bị bắt quả tang khi đang nhận hối lộ 2.500 USD đã và đang khiến dư luận hoang mang, mất niềm tin vào công lý.

Tôi đồng tình với quan điểm của TS Lý Văn Quyền, vì những lập luận nêu trên, hành vi của ông Nguyễn Trường An đã đủ yếu tố cấu thành tội tham nhũng, nhưng với tình tiết định khung tăng nặng, vì ông phải là người hiểu rõ hơn ai hết, là người phải có bản lĩnh để đảm nhiệm vai trò của người bảo vệ công lý.

Dư luận nên đặt câu hỏi; Phải chăng liên quan đến “đúng” và “sai” trong tố tụng đang khiến cán cân công lý nghiêng ngả theo giá trị của đồng tiền?”.

Ông An khi đang bị bắt .(Ảnh: Tiền phong)

 

Theo đó, ngày 2/8, tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, ông Đặng Trường An đang nhận hối lộ 2.500 USD của bị can T. (ngụ ấp Tân Tây, xã Tân Hưng) thì bị Cơ quan điều tra VKSND phía Nam bắt quả tang.

Ông T. là bị can trong vụ án “Cố ý gây thương tích” mà VKSND huyện Tân Châu đang thụ lý. Về vụ án “Cố ý gây thương tích” này có nội dung là, năm 2017, sau khi đi hát karaoke ở ấp Tân Tây, xã Tân Hưng, 4 thanh niên ngụ ở xã Tân Hưng này lấy xe mô tô ra về.

Lúc vừa ra khỏi quán karaoke, 01 thanh niên trong nhóm đã điều khiển xe máy đi ngược chiều, pha đèn vào 01 thanh niên khác, nên xảy cãi lộn.

Công an huyện Tân Châu hoàn tất kết luận điều tra, chuyển VKSND huyện Tân Châu đề nghị truy tố 02 bị can về tội “Cố ý gây thương tích”.

VKSND huyện Tân Châu chưa ban hành cáo trạng thì xảy ra vụ ông An nhận hối lộ 2.500 USD của 1 bị can. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus