Vụ thầy giáo "bày tỏ yêu thương" ở Bắc Giang chưa đủ căn cứ tội dâm ô vì sao?

07/03/2019 08:59

Kinhte&Xahoi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên xác định, thầy giáo đã véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh nhưng lại cho rằng, chưa đủ căn cứ tội dâm ô. Vì sao lại thế?

Vụ việc thầy giáo Dương Trọng M. – trường tiểu học Tiên Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) bị tố dâm ô hàng loạt nữ sinh lớp 5 trường này đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên - ông Nguyễn Đại Lượng cho biết, qua xác minh, đến nay cơ quan chức năng đã làm rõ vào ngày 1/3, thầy giáo Dương Trọng M. có nhận lời mời của một số phụ huynh đến uống rượu tại thôn Phù Tài (xã Tiên Sơn). Khoảng 15h cùng ngày, thầy M. về lớp dạy phụ đạo cho học sinh. Quá trình dạy, có một số học sinh mất trật tự nên thầy M. có véo tai, véo mũi, dí tay vào vai, xoa lưng, vỗ mông một số học sinh có biểu hiện trên trong lớp.

Kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên, cho biết, quá trình làm việc với thầy M. và ý kiến trình bày của các học sinh lớp 5A xác định thầy chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh.

Cũng theo ông Nguyễn Đại Lượng, 14 học sinh mà thầy M có hành vi không đúng đều là nữ sinh.

 Trường tiểu học Tiên Sơn.

Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an huyện Việt Yên cho rằng vụ việc đối với thầy giáo Dương Trọng M, chủ nhiệm lớp 5A, chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Điều này khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Giang Hồng Thanh - Văn phòng luật sư Giang Thanh cho biết, theo thông cáo báo chí của UBND huyện Việt Yên (Bắc Giang), cơ quan điều tra đã làm rõ ông M có hành vi "véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh lớp 5A".

Đối chiếu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2/1/1998, dâm ô là hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác nhưng không có việc giao cấu với trẻ em. Đến thời điểm hiện nay, chưa có hướng dẫn mới về việc thế nào là hành vi dâm ô thay thế hướng dẫn này.

Theo quan điểm của luật sư Giang Hồng Thành, đối chiếu với văn bản pháp lý nêu trên, có thể coi hành vi của thầy giáo khi sờ mông, sờ đùi học sinh nữ là hành vi “dâm ô trẻ em".

“Trong trường hợp theo quan điểm của cơ quan chức năng, đó chưa phải là hành vi dâm ô thì tôi cho rằng việc làm đó của thầy giáo vẫn là hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác và có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhưng để có thể kết luận chính xác, cần phải xác minh cả một quá trình hoạt động trước đây của ông M để xem đã bao giờ ông M có việc làm như vậy chưa, qua đó mới có thể đánh giá hành vi của ông M. là dâm ô hay không dâm ô", Luật sư Giang Hồng Thanh cho biết.

Trao đổi với báo chí, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cho biết, vụ việc này có nhiều dấu hiệu của hành vi quấy rối tình dục.

“Rõ ràng Cơ quan CSĐT Công an huyện Việt Yên cho rằng, chưa đủ căn cứ chứng minh có hành vi dâm ô đối với thầy giáo này đang tạo cho dư luận những câu hỏi nghi vấn. Tuy nhiên, phải thừa nhận một điều rằng, các cơ quan thực thi pháp luật tại Việt Nam thường chỉ được phép làm những việc mà pháp luật cho phép, tức là phải bám chặt vào các văn bản quy phạm pháp luật mà nhiều lúc quên đi cái gọi là lẽ phải. Lẽ ra phải thế thì lại không được cân nhắc đến”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ý kiến.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ý kiến, trước hết khẳng định rằng, không ai chấp nhận hành vi của người thầy trong môi trường ngoài xã hội chứ đừng nói đến môi trường học đường. Tuy nhiên khi nói đến luật thì cần phải minh thị mấy vấn đề.

Đầu tiên phải hiểu thế nào cho đúng khái niệm: Hiếp dâm, Cưỡng dâm, Dâm ô và Giao cấu?

Hiếp dâm là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân (Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Cưỡng dâm là hành vi dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc vào mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác (Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Giao cấu là hành vi quan hệ tình dục. Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử lý hình sự (Điều 145 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Dâm ô được hiểu là hành vi dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng của mình (đụng chạm bộ phận sinh dục của nạn nhân…) nhưng không giao cấu với nạn nhân. Hành vi dâm ô bị coi là tội phạm nếu nạn nhân là trẻ em dưới 16 tuổi và người phạm tội từ đủ 18 tuổi trở lên (Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015).

Tuy nhiên khó ở chỗ, các bộ phận như: mông, đùi, má, tai ai dám khẳng định nó là "bộ phận sinh dục". Hay đơn cử như đôi môi khi sờ hay hôn lên đó, thì các cơ quan tiến hành tố tụng của ta cũng sẽ vô cùng bối rối nếu chẳng may gặp luật sư đề nghị làm rõ khái niệm "bộ phận sinh dục".

Ngay trong Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02 tháng 01 năm 1998, dâm ô là hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó - Đây là văn bản duy nhất có hướng dẫn về hành vi “dâm ô” đã hết hiệu lực cũng không thể áp dụng trong trường hợp này, rất dễ dẫn đến oan sai.

Bởi vậy “quấy rối tình dục” có lẽ khái niệm này sẽ là căn cứ phù hợp nhất với hành vi của ông thầy trong trường hợp này.

Tuy nhiên, Luật Việt Nam chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào từ hành chính, đến hình sự có chế tài chính xác cho khái niệm "quấy rối tình dục" này.

Ngay bộ quy tắc về "quấy rối tình dục" do bộ Lao động Thương binh & Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và VCCI làm ra từ năm 2015 hầu như không thực thi nổi trên thực tế và đọc từ đầu đến cuối thì cũng không thấy áp dụng cho môi trường học đường như trường hợp này.

Duy nhất có một quy định tại điều 5 nghị định 167/2013 có vẻ giống giống để áp dụng xử phạt hành chính thì cũng khá khiên cưỡng, vì Điều 5 Vi phạm quy định về trật tự công cộng quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây (có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác).

Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, trong trường hợp các bị hại không đồng ý có thể làm đơn đề nghị UBTVQH giải thích luật, hành vi dâm ô cụ thể. Nếu làm được điều đó sẽ tạo ra tiền lệ rất tốt cho các vụ xử dâm ô sau này và để UBTVQH đệ trình trong việc sửa luật và quan tâm đến vấn đề này. Bởi ấu dâm và dâm ô hiện khó xử lý do ranh giới quá mong manh, phụ thuộc vào quan điểm, án oan dễ có và dư luận dễ “lên đồng”.

Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi được quy định tại Điều 146 – Bộ luật hình sự năm 2015:

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

đ) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” 

Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại.

Theo Phapluatplus/Kienthuc


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM